Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh champasak cộng hòa dân chủ nhân dân lào giai đoạn 2011 2015 (Trang 26 - 29)

6. Cấu trúc của luận văn

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp

Sự phát triển và phân bố nông nghiệp chịu ảnh hưởng sâu sắc của vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên - tài nguyên thiên nhiên và các nhân tố kinh tế xã hội trong cũng như ngoài lãnh thổ (dân cư, nguồn lao động, tiến bộ khoa học kĩ thuật, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, vốn đầu tư, đường lối chính sách phát triển kinh tế, thị trường và mối quan hệ kinh tế liên vùng, các hoạt động kinh tế chính trị, xã hội trong khu vực và quốc tế.[22]

1.1.3.1. Vị trí địa lí

Vị trí địa lí cùng với khí hậu, thổ nhưỡng quy định sự có mặt của các hoạt động nông nghiệp. Vị trí địa lí của lãnh thổ với đất liền, với các quốc gia trong khu vực và nằm trong các miền khí hậu khác nhau sẽ hình thành cơ cấu nông nghiệp khác nhau, trên cơ sở đó vị trí địa lý ảnh hưởng tới trao đổi và phân công lao động trong nông nghiệp.

1.1.3.2. Các nhân tố tự nhiên

Các nhân tố tư nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp là đất đai, khí hậu và nguồn nước. Các nhân tố này ảnh hưởng đến khả năng nuôi trồng các loại cây, con cụ thể trong từng lãnh thổ và khả năng áp dụng các quy trình kĩ thuật để sản xuất ra nông phẩm đồng thời cũng quyết định đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

- Địa hình

Địa hình có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Địa hình bằng phẳng tạo điều kiện cho canh tác, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, giữ được độ ẩm cho đất, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn. Ngược lại, địa hình dốc, việc làm đất, làm thủy lợi đều gặp khó khăn, tốn kém trong công tác chống xói mòn, rửa trôi... Địa hình cũng có ảnh hưởng tới việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Đất đai

Đất là tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp, là cơ sỏ để tiến hành trồng trọt và chăn nuôi. Không có đất thì không có sản xuất nông nghiệp. Tài nguyên đất, đặc điểm về số lượng và chất lượng của đất là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến quy mô, cơ cấu, sự phân bố các sản phẩm nông nghiệp.

Năng suất cây trồng cũng như việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đất, độ mùn trong đất, thành phần cơ giới, cơ cấu và tầng dày của đất. Đất là tài nguyên đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp nhưng không phải là tài nguyên vô tận, nhiều nơi đất đang bị thoái hóa do xâm thực rửa trôi, hoang mạc hóa và nhất là sự khái thác không hợp lý của con người. Vì vậy, việc sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên đất là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với sản xuất nông nghiệp.

- Khí hậu

Khí hậu với các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng, độ ẩm, chế độ gió và cả những bất thường của thời tiết mưa như bão, lũ lụt, hạn hán, gió nóng có ảnh hưởng rất lớn tới việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Mỗi loại cây trồng, vật nuôi chỉ thích hợp với những điều kiện khí hậu nhất định, vượt qua giới hạn cho phép, cây trồng, vật nuôi sẽ chậm phát triển, thậm chí bị chết.

- Nguồn nước

Nước có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Những nơi có nguồn cung cấp nước dồi dào, thường xuyên đều là những vùng nông nghiệp trù phú. Ngược lại, nông nghiệp không thể phát triển được ở những nơi thiếu nước. Tuy nhiên, ở nơi có nguồn nước dồi dào thì

vẫn có sự phân hóa lượng nước theo mùa. Do đó, trong sản xuất nông nghiệp cấn thiết phải có những biện pháp thủy lợi để tiêu nước vào mùa mưa và cấp nước vào mùa khô.

- Sinh vật

Sự đa dạng về thảm thực vật và hệ động vật là tiền đề hình thành và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng và tạo khả năng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và sinh thái khác nhau.

Như vậy, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tự nhiên. Đất, khí hậu, nước với tư cách là tài nguyên nông nghiệp quyết định khả năng nuôi trồng các loại cây, con cụ thể trong từng lãnh thổ và khả năng áp dụng các quy trình kĩ thuật để sản xuất ra sản phẩm.

1.1.3.3. Các nhân tố kinh tế - xã hội

- Dân cư và nguồn lao động

Dân có ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Dân cư vừa là lực lượng sản xuất trực tiếp, vừa là nguồn tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Số lượng và chất lượng nguồn lao động có ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp theo cả chiều rộng (mở rộng diện tích, quy mô sản xuất) và chiều sâu (thâm canh, tăng vụ, xen canh). Chính sức lao động của con người là lực lượng sản xuất chủ yếu trong hầu hết các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp. Với tư cách là lực lượng sản xuất, con người được đào tạo, có trình độ chuyên môn kĩ thuật sẽ thúc đẩy khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Dưới góc độ là thị trường tiêu thụ, quy mô dân số sẽ quyết định đến quy mô các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Dân số càng đông thì nhu cầu về lương thực, thực phẩm càng lớn và vì vậy, sản xuất nông nghiệp cũng phải phát triển tương ứng với nhu cầu của dân cư. Những đặc tính về phong tục, tập quán, thói quen tiêu dùng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp.

-Khoa học kĩ thuật, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp

Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật (KHKT) đã tạo ra bước chuyển biến mới trong ngành nông nghiệp, đã và đang đưa nông nghiệp trở thành ngành sản xuất tiên tiến - một

dạng sản xuất kiểu công nghiệp. Nội dung chủ yếu của cuộc cách mạng này là đưa nông nghiệp lên giai đoạn đại cơ khí, đẩy mạnh các quá trình liên kết, nâng cao vai trò của khoa học và biến nó thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong nông nghiệp. Áp dụng rộng rãi các tiến bộ KHKT, xây dựng cơ sở hạ tầng và các cơ sở vật chất kĩ thuật hoàn thiện giúp con người hạn chế những ảnh hưởng của ĐKTN, chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và sản lượng nông nghiệp.

-Nguồn vốn

Nguồn vốn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và phân bố nông nghiệp, nhất là đối với các nước đang phát triển như Lào. Nguồn vốn đầu tư vào sản xuất lớn sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

-Quan hệ sở hữu và chính sách nông nghiệp

Quan hệ sở hữu và chính sách nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn tới con đường phát triển và các hình thức TCLT nông nghiệp. Sự điều hành vĩ mô của nhà nước với các chính sách, chế độ, biện pháp đúng đắn sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Ngược lại, nếu hệ thống chính sách không phù hợp sẽ kìm hãm, thậm chí đẩy lùi quá trình phát triển nông nghiệp.

-Thị trường tiêu thụ

Trong nền kinh tế hàng hóa, thị trường tiêu thụ là yếu tố cơ bản tác động đến cơ cấu, quy mô và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển và ngược lại. Nhu cầu của thị trường quyết định hướng sản xuất nông nghiệp. Mọi biến động trên thị trường đều có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thị trường cũng có tác dụng điều tiết đối với sự hình thành và phát triển vùng chuyên môn hóa nông nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp tỉnh champasak cộng hòa dân chủ nhân dân lào giai đoạn 2011 2015 (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)