0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (103 trang)

Giá trị văn hóa, lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) QUẢN LÝ PHÍ VÀ LỆ PHÍ TẠI KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG TỈNH PHÚ THỌ (Trang 49 -54 )

Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. Giới thiệu về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử và bộ máy tổ

3.1.2. Giá trị văn hóa, lịch sử

(1) Giá trị văn hóa vật thể

Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm quần thể các Đền, Chùa trên Núi Nghĩa Lĩnh, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ và Bảo Tàng Hùng Vương.

* Khu vực núi Nghĩa Lĩnh

Xưa kia còn có tên gọi là núi Cả, núi Nghĩa Cương hay núi Hùng. Tương truyền, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là nơi các Vua Hùng tế lễ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Sau này, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của Tổ tiên, các thế hệ con cháu đã xây dựng các ngôi đền để

thờ tự trên núi Nghĩa Lĩnh, gồm có: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, Lăng Hùng Vương, đền Giếng và Chùa Thiên Quang.

Đền Hạ:

Tương truyền, nơi đây Mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai, là nguồn gốc của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nghĩa “Đồng bào"(cùng một bọc) được bắt nguồn từ đây.

Đền Hạ được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), qua thời gian Đền được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, song vẫn giữ nguyên kiến trúc kiểu chữ nhị (=) như hiện nay, gồm hai tòa: Tiền tế và Hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc phẳng không trang trí mỹ thuật.

Chùa Thiên Quang:

Chùa được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), thờ Phật theo phái Đại Thừa, xưa kia chùa có tên chữ là “Viễn sơn cổ tự"và “Sơn cảnh thừa Long tự”, sau đổi thành “Thiên quang Thiền tự”. Do chiến tranh và thiên tai phá hủy nên trong Chùa chỉ còn một số pho tượng có niên đại vào thời nhà Nguyễn.

Phía trước chùa là Tam Quan, được xây dựng vào thế kỷ XVII, đây là một trong những di tích kiến trúc cổ trên núi Nghĩa Lĩnh, trong Tam quan có treo quả chuông đúc vào thế kỷ XVII.

Đền Trung:

Đền Trung có tên chữ là Hùng Vương Tổ miếu, tương truyền đây là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Đây cũng là nơi Vua Hùng Vương thứ 6 mở cuộc thi chọn người hiền tài để nhường ngôi, Lang Liêu đã sáng tạo ra bánh Chưng và bánh Dày và được Vua Hùng nhường ngôi.

Đền Trung được xây dựng vào thời Lý - Trần, sau đó bị giặc Minh tàn phá, đến thế kỷ XV nhân dân địa phương xây dựng lại, đến thời nhà Nguyễn (thế kỷ XVIII) đền được tôn tạo kiến trúc kiểu chữ Nhất (-). Năm 2009 Đền Trung được tu bổ, tôn tạo lại, có kiến trúc hình chữ Nhị (=) gồm có Tiền tế và Hậu cung.

Đền Thượng:

Đền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, có tên chữ là “Kính Thiên Lĩnh Điện"(Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Truyền thuyết kể rằng thời Hùng Vương, các Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, thờ trời, thờ thần lúa... cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.

Tương truyền Vua Hùng thứ 6, sau cuộc kháng chiến chống giặc Ân thắng lợi, cảm kích vị anh hùng đã có công đánh giặc cứu nước nên cho lập miếu thờ Thánh Góng trên đỉnh núi.

Đền Thượng được xây dựng từ thế kỷ XV, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay Đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, theo kiến trúc truyền thống; đặc biệt các đồ thờ tự có họa tiết trang trí được trạm khắc tinh xảo, tạo sự uy linh bề thế của ngôi đền.

Cột đá thề:

Tại sân Đền Thượng có Cột đá thề. Tương truyền sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán - An Dương Vương đã dựng Cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thề nguyền sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn, gấm vóc mà Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom Lăng miếu tổ tiên.

Lăng Hùng Vương:

Tương truyền đây là lăng mộ của Vua Hùng thứ 6. Xưa kia là mộ đất có mái che, năm 1874 triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng thành lăng mộ như ngày nay. Lăng Vua Hùng được đặt ở thế đầu đội sơn, chân đạp thủy, quay về hướng Đông-Nam. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay mộ có hình khối chữ nhật bên trong lăng. Nóc lăng đắp hình Cửu long tranh châu.

Đền Giếng:

Thờ hai Bà công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái vua Hùng Vương thứ 18. Trong Đền hiện nay vẫn còn giếng nước, tên chữ là Ngọc Tỉnh (tức

Giếng Ngọc), là nơi hai bà Công chúa thường đến soi gương, chải tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này.

Đền Giếng được xây dựng vào thời nhà Nguyễn (Thế kỷ XVIII) gồm có Đại bái và Hậu cung. Đến nay qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc ban đầu.Tại đây, ngày 19/9/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308) trước khi về tiếp quản thủ đô. Người căn dặn các lực lượng vũ trang và đồng bào cả nước: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

* Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ:

Để tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi đất thiêng Đền Hùng, Nhà nước đã cho phép đầu tư xây dựng hai ngôi đền là đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, là "Cha Rồng", "Mẹ Tiên"- những người đã sinh ra cộng đồng dân tộc Việt.

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng năm 2001 và khánh thành năm 2005, tọa lạc trên đỉnh núi Vặn, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

* Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân:

Được khởi công xây dựng năm 2007, khánh thành đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2009.

Đền được xây dựng tại Núi Sim, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1km về phía Nam. Ngôi đền được xây dựng ở địa thế rất đẹp, tọa lạc trên lưng “một con Rùa"khổng lồ, mặt Đền quay về hướng Tây Nam, phía trước là hồ nước, hai bên có các dãy núi như tay ngai, tạo nên thế “sơn chầu, thủy tụ”.

* Bảo Tàng Hùng Vương:

Là một công trình văn hóa mới, được khởi công xây dựng vào năm 1986 và khánh thành vào đúng Lễ hội Đền Hùng mồng 10 tháng 3 năm Quý Dậu (1993). Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng ở khu vực đồi Công Quán có độ

cao trên 30m, với kiến trúc được thiết kế hình vuông mang ý nghĩa tượng trưng là một chiếc bánh chưng vuông khổng lồ. Chính giữa tầng một bảo tàng là một hình tròn, ở giữa trưng bày một chiếc trống đồng lớn, mang ý nghĩa tượng trưng cho trời đất, theo quan niệm của tổ tiên người Việt cổ: trời tròn - đất vuông.

Bảo tàng Hùng vương là nơi lưu giữ, bảo quản gần 5.000 hiện vật, trong đó có hàng nghìn hiện vật khảo cổ học được khai quật tại các di chỉ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc. Đó là những dấu tích văn hóa vật chất, là bằng chứng khoa học cho thấy quá trình phát triển của người Việt cổ từ thời nguyên thủy đến thời đại Hùng Vương.

(2) Giá trị văn hóa phi vật thể:

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, được Nhà nước quy định là ngày Quốc Giỗ và tổ chức theo nghi thức cấp quốc gia. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là ngày hội của tinh thần cộng đồng, nhắc nhở người dân Việt Nam cùng nhớ về cội nguồn và chung sức xây dựng đất nước ngày thêm phồn vinh. Lễ hội hàng năm nhộn nhịp, thu hút hàng triệu du khách từ khắp mọi miền đất nước hành hương về Đất Tổ để tri ân công đức tổ tiên, tưởng niệm các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời, là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, là tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên và những người có công dựng nước. Lễ hội Đền Hùng là điểm nhấn văn hóa đặc biệt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, có sức hút mạnh mẽ và là thế mạnh cho phát triển du lịch Đền Hùng.

Phú Thọ được coi là vùng đất cội nguồn, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích của Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt. Nơi đây còn duy trì được nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, đậm nét văn hóa Việt Nam và nền văn minh lúa nước. Các lễ hội này góp phần tạo nên sự đa dạng trong các hoạt động văn hóa và là điều kiện thuận lợi để khai thác thế mạnh về du lịch. Có thể kể đến một số lễ hội như: Lễ Hạ Điền

Đình thành phố Việt Trì, Lễ hội rước Chúa gái ở làng Vi Cương và Triệu Phú thuộc thị trấn Hùng Sơn - huyện Lâm Thao, Lễ hội Hát Xoan ở xã Kim Đức và xã An Thái thuộc thành phố Việt Trì, Lễ hội ném chài ở phường Vân Phú - thành phố Việt Trì,...

Bên cạnh các lễ hội đặc sắc, Phú Thọ còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống và có các sản vật nổi tiếng đã được lưu truyền là sản vật tiến Vua. Đây cũng chính là lợi thế to lớn, mang đến các sản phẩm hàng hóa du lịch để phục vụ du khách, có thể kể tên như: làng nghề Mỹ nghệ đan tre, làng nghề mây tre đan Đỗ Xuyên, làng nghề nón lá Sơn Nga - Sai Nga, làng nghề làm ủ ấm Sơn Vi, làng nghề chế biến thực phẩm Đoàn Kết, làng mộc Minh Đức... và các sản vật Đất Tổ gồm: bưởi Đoan Hùng, hồng Hạc Trì, cá Anh Vũ, gà chín cựa, rau Sắng, bánh Tai, cơm lam, xôi cọ...

Khu di tích lịch sử Đền Hùng có các tiềm năng và điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Nếu được tổ chức quản lý và khai thác đúng mức thì du lịch Đền Hùng sẽ không ngừng mở rộng, thúc đẩy ngành kinh tế du lịch của tỉnh Phú Thọ phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) QUẢN LÝ PHÍ VÀ LỆ PHÍ TẠI KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG TỈNH PHÚ THỌ (Trang 49 -54 )

×