5. Bố cục của luận văn
1.1.6. Các tiêu chí đánh giá hoạt động xuất khẩu lao động
a. Số hợp đồng xuất khẩu lao động được ký kết hàng năm:
Hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp sẽ được thể hiện qua số hợp đồng mà doanh nghiệp có được qua hàng năm. Chỉ tiêu này giúp đánh giá được 1 năm hay các năm doanh nghiệp cho xuất khẩu bao nhiêu lao động ra nước ngoài làm việc, từ đó thấy được hiệu quả hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp đó..
b. Thị phần của doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại nước tiếp nhận lao động.
Mỗi doanh nghiệp có thị phần riêng ở nước tiếp nhận lao động và các doanh nghiệp đang cố gắng khai thác thị trường nhập khẩu lao động nhằm làm tăng thị phần của họ tại nước đang xuất khẩu lao động. Muốn mở rộng thị phần tại các thị trường sẵn có thì phía nước xuất khẩu lao động phải giữa chữ tín cung cấp lao động đủ về số lượng, chất lượng đúng theo yêu cầu đồng thời khai thác tốt một số lợi thế cạnh tranh của lao động nước đó với các nước khác như về giá rẻ,… Khi đã tạo được lòng tin tại thị trường đó thì việc mở rộng thị trường sẽ dễ dàng hơn.
c. Tỷ lệ lao động được xuất khẩu đã qua đào tạo.
Đào tạo giáo dục cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài là một yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động. Nội dung đào tạo bao gồm: Ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của nước nhận lao động; dạy nghề; truyền thống văn hóa dân tộc; kỷ luật lao động; cách thức ứng xử trong lao động và đời sống;…
Tỷ lệ lao động được xuất khẩu đã qua đào tạo càng lớn thì sẽ đảm bảo được uy tín của đội ngũ lao động của nước xuất khẩu trên thị trường lao động quốc tế. Nâng cao được chất lượng nguồn lao động, qua đó đánh giá được doanh nghiệp có trách nhiệm với công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp hay không.
d. Số tổ chức quản lý lao động xuất khẩu ở nước ngoài và khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh
Tạo mối quan hệ làm ăn lâu dài với đối tác, đồng thời tìm kiếm các đối tác mới tại thị trường đó thông qua mối quan hệ đó. Do đó các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường có cơ quan quản lý lao động ở nước ngoài một phần để quản lý số lao động đang làm việc ở nước ngoài, một phần đây cũng là bộ phận tìm kiếm thông tin về thị trường mới.
Khi đưa lao động sang đất nước tiếp nhận, việc nảy sinh các vấn đề mong muốn hoặc không như dự kiến tất yếu sẽ xảy ra. Với khoảng cách địa lý xa và bất đồng về văn hóa, việc quản lý nguồn lao động về lâu dài và khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh đó là rất khó khăn. Vì vậy, tiêu chí này có thể đánh giá được chất lượng quản lý, quy mô và mức độ tin cậy của doanh nghiệp tại các nước tiếp nhận nguồn lao động từ doanh nghiệp.
e. Chấp hành các qui định về xuất khẩu lao động tại nước xuất khẩu và nước nhập khẩu lao động
Hệ thống luật pháp của các nước ảnh hưởng đến việc xuất khẩu lao động thông qua các quy định về việc cho phép hay không cho phép, khuyến khích hay không khuyến khích lao động ra nước ngoài làm việc. Trên cơ sở đó, các nước có những quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động xuất khẩu
lao động như thủ tục về xuất khẩu lao động, về quản lý số lao động trong thời hạn nhập cư ở nước ngoài, về vấn đề chuyển thu nhập về nước,... Có thể có những qui định khác nhau ở các nước mà các doanh nghiệp phải hiểu biết tuân thủ để đưa nguồn lao động sang một cách hợp lệ.
Tiêu chí này giúp đánh giá một doanh nghiệp hoạt động có hợp pháp và theo các nguyên tắc hay không. Nếu chỉ thực hiện đúng về phía nước nhập khẩu mà không đúng đối với nước xuất khẩu (và ngược lại), hoặc không chấp hành theo những qui định của các nước, doanh nghiệp tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng lớn về uy tín và chất lượng.
f. Doanh thu từ xuất khẩu lao động:
Phản ánh quy mô và giá trị lao động được đưa ra nước ngoài làm việc. Chỉ tiêu này được tính trên cơ sở số lao động được đưa ra nước ngoài làm việc hàng năm và chi phí dịch vụ cho mỗi người lao động cung ứng.
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động lớn hay nhỏ, phát triển hay không phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ các nguồn lao động làm việc ở nước ngoài. Dựa vào doanh thu của doanh nghiệp, có thể đánh giá trực tiếp chất lượng và quy mô hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp đó.
g. Chỉ tiêu lợi nhuận xuất khẩu lao động
Chỉ tiêu này phản ánh kết quả lao động thu được từ hoạt động xuất khẩu lao động của một doanh nghiệp cụ thể; nó được đo bằng chênh lệch giữa doanh thu và chi phí cần thiết cho việc xuất khẩu lao động.
i. Hiệu quả kinh tế xã hội trong xuất khẩu lao động
Tiêu chí này phản ánh đóng góp của doanh nghiệp vào việc giải quyết việc làm và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Chỉ tiêu này đo bằng số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, hoặc số lao động được đào tạo nghề do đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, đóng góp của hoạt động xuất khẩu lao động vào phát triển kinh tế xã hội còn thể hiện ở việc các lao động chuyển ngoại tệ về nước, hoặc sau khi hết hợp đồng trở về, họ là những người có thể tham gia vào lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao.