Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài
2.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài
2.2.3. Các công trình nghiên cứu có liên quan
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng những công trình đó đề cập tới những sản phẩm khác nhau (như phát triển thị trường thiết bị vệ sinh cao cấp, mây tre đan, nước giải khát, cà phê…). Thị trường cửa cuốn, cửa nhựa lõi thép uPVC đã có ở nước ta khoảng 10 năm trở lại đây nhưng cho đến nay vẫn còn ít tác giả quan tâm nghiên cứu.
Tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Hương (2012) đã nghiên cứu đề tài: “Giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ thiết bị vệ sinh cao cấp TOTO của công ty Cổ phần đầu tư B&B Thành phố Hà Nội”. Nghiên cứu đã phân tích hiệu quả hoạt động của bộ phận nghiên cứu thị trường còn chưa cao, chính sách phân phối còn gặp phải một số hạn chế; công tác quảng cáo còn chưa được quan tâm đúng mức; trình độ của đội ngũ nhà quản lý ở một số lĩnh vực còn yếu kém, thiếu đội ngũ nhân viên phục vụ sau bán hàng, giá bán một số mặt hàng còn cao,… Từ đó đã
đưa ra một số giải pháp, đánh giá, định hướng phát triển thị trường,… giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần, kinh doanh hiệu quả trên thị trường.
Tác giả Nguyễn Hải Dương (2016) đã nghiên cứu “Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tại công ty TNHH KSMC”. Đề tài tập trung nghiên cứu các hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm máy hàn, thiết bị hàn của công ty… Thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty tập trung tại miền Bắc chưa vươn ra được miền Trung và miền Nam. Đối tượng khách hàng chưa đa dạng tập trung chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, chủng loại sản phẩm chưa đa dạng… từ đó đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường… hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp không ngừng phát triển thị trường tiêu thụ của mình.
Tác giả Nguyễn Thị Hồng Lan (2012) đã nghiên cứu: “Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm gạch ốp lát tại Công ty Cổ phần Viglacera Thăng Long”. Nghiên cứu cho thấy mặc dù công ty có thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và một số nước ở thị trường ngoại địa, nhưng kết quả sản xuất và kinh doanh có tăng song mới chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong quy mô toàn bộ thị trường. Ngoài ra, công tác nghiên cứu phát triển thị trường ngoại địa còn rất yếu kém và chưa có kế hoạch chi tiết dài hạn cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, đưa ra một số giải pháp, định hướng phát triển thị trường… giúp cho doanh nghiệp mở rộng thị phần.
Tác giả Nguyễn Quỳnh Thúy Loan (2014) đã nghiên cứu: “Các nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng mua trong thị trường nước giải khát tại TP.HCM”. Nghiên cứu đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra biện pháp hợp lý, hướng đầu tư hiệu quả để thỏa mãn thị hiếu người tiêu dùng, giữ vững và gia tăng thị phần của mình. Từ đó, đưa ra những sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và giúp cho cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” đạt được những kết quả thiết thực.
Tác giả Phạm Thị Bích Thảo (2011) đã nghiên cứu: “Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty Vissan”. Nghiên cứu cho thấy công tác mở rộng thị trường vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa khai thác hết tiềm năng thị trường nội địa. Hoạt động nghiên cứu, đổi mới sản phẩm chỉ mang tính hình thức cải tiến chưa mang tính đột phá, tạo ra nhu cầu mới, thu thập thông tin thị trường hạn chế … từ đó, đưa ra các giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện công tác quảng bá sản phẩm, thường xuyên kiểm tra các đại lý của công ty… giúp cho doanh nghiệp mở rộng thị phần.