Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý rủi ro tín dụng
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.3. Quản lý rủi ro
2.1.3.1. Khái niệm quản lý rủi ro tín dụng
Quản lý rủi ro là một khái niệm mới đưa vào sử dụng trong những năm gần đây. Trước hết, cần phần biệt khái niệm quản lý rủi ro (Risk management) và khắc phục rủi ro (Coping with risk). Quản lý rủi ro đề cập đến việc điều chỉnh trong sản xuất và sử dụng nguồn lực trước khi xảy ra các biến cố về sản xuất, tức là trước khi rủi ro xảy ra. Quản lý rủi ro không chỉ bao hàm ý chống rủi ro mà còn bao hàm cả ý về lập kế hoạch nhằm thích ứng với rủi ro (Chử Văn Lâm, 2001).
Chống rủi ro là những biện pháp, những ứng xử nhằm tránh rủi ro. Ứng xử của nông dân với rủi ro biểu hiện ở 3 trạng thái:
- Chấp nhận rủi ro để có thể thu được thu nhập cao nhất, mặc dù họ biết rằng cơ hội cho khả năng này chỉ có một xác suất nhất định.
- Chống hoặc không chấp nhận rủi ro để bảo đảm an toàn các hoạt động của mình trong trường hợp khả năng xấu có thể xảy ra, mặc dù khả năng xảy ra cũng chỉ có một xác suất nhất định.
- Thái độ trung hoà đối với rủi ro với mong muốn đạt được thu nhập trung bình giữa sự kiện có rủi ro và thuận lợi.
Từ thái độ với rủi ro mà chia nông dân ra 3 loại người là sợ rủi ro, trung hoà rủi ro và chấp nhận rủi ro (Phạm Thị Mỹ Dung, 1996).
Trong khi đó, khắc phục rủi ro là các hành động hay phản ứng sau khi rủi ro đã xảy ra nhằm tối thiểu hoá tác hại. Các loại phản ứng thuộc loại này dựa trên cơ sở lý thuyết phân chia rủi ro, được chia làm hai loại (Chử Văn Lâm, 2001):
- Ổn định chi tiêu tạm thời bằng nguồn tiết kiệm: vay, cho vay hay tích trữ hàng phục vụ cho tiêu dùng trong tương lai.
- Ổn định chi tiêu thông qua việc phân chia rủi ro: thoả thuận chuyển nhượng giữa hàng xóm với nhau.
Muốn quản lý rủi ro phải có những thể chế và thông tin cho nông dân. Với mức rủi ro nhỏ thì cơ chế tương hỗ giữa hộ và cộng đồng sẽ là một công cụ đắc lực cho quản lý rủi ro bên cạnh thể chế và chính sách của Nhà nước.
Vì vậy, quản lý rủi ro chính là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro (Hardaker, J.B., Huirne, R.B.M., Anderson, J.R,1997).
2.1.3.2. Các chiến lược quản lý rủi ro
Chiến lược quản lý rủi ro bao gồm: chiến lược đối phó với rủi ro và chiến lược thích ứng với rủi ro (Gertrud Buchenrieder, Frank Heihues, Pham Thi My Dung, 2003).
Chiến lược đối phó với rủi ro là chiến lược tức thời, cấp bách không thật tích cực, nhiều khi vì nhu cầu trước mắt sẽ ảnh hưởng lợi ích lâu dài. Ví dụ mất mùa thì vào rừng chặt cây để nuôi sống gia đình, từ đó gây mất rừng và lại mất mùa.
Chiến lược thích ứng với rủi ro là chiến lược dự phòng lâu dài, uyển chuyển nhằm ổn định thu nhập vừa giải quyết được rủi ro vừa tạo cơ hội cho phát triển. Ví dụ mua bảo hiểm thì sẽ được đền bù khi mùa màng thất bát nên không phải vay nợ lãi cao.