4.2.4.1. Kết quả
Giai đoạn 2013 - 2015 là những năm mà nền kinh tế có nhiều biến động, một loạt vụ tín dụng đen bị phanh phui, nhiều người bị lừa gạt mất trắng, thiệt hại nền kinh tế hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, kéo theo đó là hàng loạt cán bộ tín dụng ngân hàng bị tha hóa, chiếm đoạt tiền của ngân hàng dùng vào việc riêng gây ảnh hưởng đến uy tín ngành ngân hàng.
Nhìn lại công tác QLRRTD của chi nhánh, ta cũng thấy được những kết quả tốt, đáng phát huy của chi nhánh. Mặc dù trong giai đoạn này, nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phải phá sản nhưng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu của chi nhánh tuy có tăng về tỷ lệ do chi nhánh đang mở rộng tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn ở mức an toàn. Và đặc biệt là chi nhánh đã tuân thủ khá tốt quy trình tín dụng mà Ngân hàng TMCP Bắc Á đã xây dựng và ban hành. Đó là những quy định về giới hạn tín dụng và thẩm quyền phán quyết giới hạn tín dụng, quy chế Hội đồng tín dụng, quy định phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, quy định về đảm bảo tiền vay…
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bắc Á – Chi nhánh Thăng Long đã xây dựng và thực hiện được chính sách tín dụng, quy trình phân tích tín dụng phù hợp với điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội dồng thời vẫn tuân thủ chính sách và quy trình của Ngân hàng TMCP Bắc Á. Trong công tác kiểm tra giám sát sau khi cho vay được chi nhánh đặc biệt quan tâm, các cán bộ tín dụng định kỳ tối thiểu 3 tháng sẽ làm việc với khách hàng nhằm nắm được những thông tin cơ bản về tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng và đồng thời giám sát việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không. Trên sơ sở đó cung cấp thông tin từ đó có thể phục vụ quy trình xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng vay vốn của chi nhánh.
Hệ thống thông tin tín dụng của ngân hàng ngày càng được hoàn thiện là cơ sở giúp cho việc cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời phục vụ công tác thẩm định của chi nhánh. Sự phối hợp tốt giữa chi nhánh với phòng Tin học của Ngân hàng,
Trung tâm thông tin tín dụng Việt Nam CIC của NHNN đã góp phần hạn chế rủi ro trong quá trình cấp tín dụng đối với khách hàng.
Đội ngũ cán bộ tuyển dụng vào chi nhánh làm việc hầu hết có trình độ đại học trở lên, nắm chắc nghiệp vụ, khả năng tiếp cận công nghệ cũng như quy trình mới nhanh nhạy, nhiệt tình công tác cũng là thế mạnh của chi nhánh.
- Nợ nhóm 2, nợ xấu được kiểm soát tốt trong giới hạn 5%, trong khi tổng dư nợ hàng năm tăng bình quân 23%. Điều này cho thấy các biện pháp quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng đã có kết quả tích cực so với giai đoạn 2010-2020.
- Cơ cấu tín dụng được điều chỉnh theo hướng mục tiêu của NHTM là giữ vững tỷ trọng cho vay công nghiệp và thương mại từ 55% đến 60% theo định hướng ngay từ khi mới thành lập; điều chỉnh giảm tỷ trọng cho vay vào nhóm DNNN; nâng dần tỷ lệ cho vay có bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ dư nợ cho vay một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm có độ rủi ro cao là bất động sản và chứng khoán.
4.2.4.2. Những tồn tại
Mặc dù tỷ lệ nợ quá hạn và tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn trong quy định cho phép nhưng đang có xu hướng tăng lên trong các năm gần đây, nhiều trường hợp ngân hàng không thu được nợ, gây tổn thất cho ngân hàng. Để xảy ra tình trạng này là do công tác QLRRTD của chi nhánh đang tồn tại những hạn chế sau đây:
- Thứ nhất, chức năng nhiệm vụ quản lý rủi ro tín dụng của phòng quản lý rủi
ro tín dụng chưa được xem trọng đúng mức. Mặc dù mô hình QLRRTD đã được
thành lập nhưng chi nhánh vẫn chưa bố trí đủ cán bộ có trình độ kinh nghiệm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ QLRRTD. Phòng QLRR chưa xem trọng nhiệm vụ quản lý danh mục tín dụng, danh mục TSĐB dẫn đến không phát hiện và cảnh báo kịp thời những rủi ro tiềm ẩn.
- Thứ hai, công tác thẩm định cho vay, thẩm định TSĐB, thẩm định rủi ro tín
dụng độc lập còn hạn chế. Nhiều cán bộ tín dụng vẫn chưa phân tích sâu tình hình
quan hệ tín dụng của một số khách hàng vay, chưa thẩm định kỹ các thông tin để đánh giá năng lực của một số khách hàng về tài chính, tính khả thi và hiệu quả của phương án vay vốn, nhu cầu thực sự về vốn. Việc thẩm định rủi ro độc lập là của phòng QLRR nhưng nhiều cán bộ còn chưa xem trọng, chỉ sao chép của phòng khách hàng cho mang tính hình thức nên chất lượng thẩm định chưa cao, từ đó chưa cảnh báo được rủi ro có thể xảy ra.
- Thứ ba, thông tin được thu thập chưa đầy đủ, chính xác. Nhiều cán bộ tín dụng vẫn tin tưởng vào những khách hàng truyền thống của mình, chỉ đọc những thông tin mà khách hàng cung cấp mà không kiểm tra lại nên không cập nhật được kịp thời tình hình của khách hàng. Như vậy, kết quả thẩm định không chính xác, có thể dẫn đến những quyết định sai lầm , nguy cơ phát sinh rủi ro tín dụng là rất cao.
- Thứ tư, vi phạm việc cập nhật thông tin, sửa đổi thông tin của khoản vay trong
hệ thống dữ liệu. Khi biết những khoản vay sắp đến hạn đóng lãi hoặc trả nợ gốc
nhưng khách hàng chưa có khả năng trả được, để không phải chuyển nhóm nợ đối với món vay này, ngân hàng đã điều chỉnh kỳ đóng lãi, kỳ trả nợ gốc theo hướng kéo dài thêm một khoản thời gian nhất định. Điều đó, làm ảnh hưởng đến việc phân loại nợ, đánh giá chất lượng các khoản vay và đặc biệt là không chính xác trong việc tính và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
- Thứ năm, tài sản thế chấp được xem trọng hơn hiệu quả của phương án
vay vốn. Khi giải quyết cho vay, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất mà ngân
hàng cần phải quan tâm đó là đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án vay vốn, vì nguồn trả nợ chính của khoản vay được lấy từ kết quả kinh doanh. Thực tế, hầu hết các thông tin và số liệu mà khách hàng cung cấp không còn chuẩn xác nên để giải quyết cho vay, cán bộ ngân hàng thường đánh giá cao TSĐB và xem TSĐB là nguồn thu nợ hữu hiệu khi có rủi ro tín dụng xảy ra. Tuy nhiên, khi phát sinh rủi ro tín dụng ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý TSĐB để thu nợ vì hồ sơ thủ tục pháp lý rườm rà, phải có thời gian thụ lý hồ sơ, phải được sự hợp tác của chủ tài sản là đồng ý xử lý tài sản để thu hồi.
- Thứ sáu, việc kiểm tra, giám sát khoản vay chưa thường xuyên và còn mang
tính hình thức. Việc kiểm tra giám sát sau khi giải ngân cho khách hàng đảm bảo
khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích. Tuy nhiên, nhiều cán bộ tín dụng có thể do sợ phiền hà cho khách hàng hoặc không có thời gian nên chỉ thực hiện kiểm tra chiếu lệ, mang tính hình thức mà không đi xuống thực tế để kiểm tra sổ sách và kho hàng. Hơn nữa, nội dung kiểm tra còn sơ sài, chỉ căn cứ vào các hóa đơn chứng từ do khách hàng cung cấp, chưa cập nhật đầy đủ thông tin số liệu hoạt động thực tế tại thời điểm kiểm tra.