Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Kinh nghiệm phát triển thị trường của một số nước trên thế giới
2.2.1.1. Kinh nghiệm phát triển thị trường của Nhật Bản
Để có được những thành công trong phát triển thị trường xuất khẩu nói chung và các thị phần xuất khẩu mặt hàng mới nói riêng, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản đã rất quan tâm đến việc phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu và thực hiện hàng loạt các biện pháp để khuyến khích xuất khẩu. Các biện pháp khuyến khích xuất khẩu sang các thị trường được tiến hành dưới các hình thức khác nhau, như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, áp dụng chính sách thuế ưu đãi, thành lập các cơ quan thực hiện chức năng khuyến khích xuất khẩu. Nhờ hệ thống các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng rất mạnh, với cơ cấu có sự chuyển biến quan trọng từ các sản phẩm sử dụng nhiều lao động sang các sản phẩm công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn và kỹ thuật. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản luôn tìm mọi biện pháp để có thể vừa mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa tận dụng đến mức tối đa thị trường trong nước. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu được thực hiện bằng những nỗ lực tối đa để có thể tham gia vào các tổ chức và các diễn đàn kinh tế quốc tế, kể cả việc phải nhượng bộ ở mức độ nào đó, thể hiện rõ nhất là trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và GATT. Thông qua đó, hàng hóa của Nhật Bản đã có nhiều cơ hội đặt chân vào các thị trường mà trước đấy rất khó vươn tới bằng những biện pháp tiếp cận thị trường thuần túy (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, 2007).
Trong giai đoạn đầu của thời kỳ đẩy mạnh xuất khẩu, các nhà xuất khẩu Nhật Bản còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu, việc thực hiện những giao dịch ban đầu và những chi phí để xâm nhập thị trường (mở văn phòng, đi lại, xác định khách hàng, tìm hiểu quy định hải quan…) thường là rất lớn trong khi quy mô của các doanh nghiệp xuất khẩu còn nhỏ. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện những can thiệp, như cung cấp tín dụng, lập các công ty ngoại thương Nhà nước, khuyến khích hợp nhất các công ty ngoại thương tư nhân nhỏ.
Nhật Bản rất chú trọng nắm bắt những thông tin về nhu cầu thị trường nước ngoài và các địa chỉ nhập khẩu, thông tin về vận chuyển đường biển, thủ tục hải
quan và những khách hàng cụ thể, đó là những thông tin hết sức quan trọng đối với các nhà xuất khẩu khi xâm nhập thị trường. Về vấn đề này, rõ ràng là khả năng nắm bắt và cung cấp thông tin của Chính phủ tốt hơn nhiều so với các hãng tư nhân, qua đó Chính phủ đã giúp cho các nhà xuất khẩu nắm bắt tốt hơn những thông tin cần thiết.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, Nhật Bản khuyến khích các công ty tăng cường đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nghiên cứu thông tin thị trường và đặt các văn phòng đại diện ngay tại các thị trường các nước đó để tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu thực tế. Đây được xem là bước chuyển hướng quan trọng trong chính sách công nghiệp và thương mại của Nhật Bản. Điều đó giúp cho các doanh nghiệp của Nhật Bản có thể bán sản phẩm ngay tại thị trường của nước nhận đầu tư, hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba, tránh được những hạn chế về xuất khẩu và các hàng rào mậu dịch khác.
2.2.1.2. Kinh nghiệm phát triển thị trường của Trung Quốc
Theo trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (2007) thực hiện công nghiệp hóa theo hướng mở cửa trong điều kiện của nền kinh tế chuyển đổi, bên cạnh việc có một thị trường nội địa khổng lồ, Trung Quốc đã rất quan tâm đến việc khai thác và mở rộng thị trường quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu. Chính vì vậy, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã gia tăng liên tục với tốc độ cao, với tốc độ tăng bình quân 19,02%/năm trong giai đoạn 1986 – 1990; 19,1%/năm trong giai đoạn 1990 – 1995 và 10,84%/năm trong giai đoạn 1995 - 2000. Cán cân thương mại của Trung Quốc cũng thay đổi nhanh chóng, năm 1986 mức thâm hụt - 11.962 triệu USD, nhưng đến năm 1995 đã có mức thặng dư lên tới 16.696 triệu USD và năm 2000 tăng lên 24.109 triệu USD. Những thành tựu trong phát triển ngoại thương sau hơn hai thập kỷ đổi mới, cải cách đã đưa nền kinh tế Trung Quốc lên hàng thứ 8 trên thế giới về giá trị xuất khẩu (chiếm 3,95% tổng giá trị xuất khẩu của thế giới năm 2000) và đứng hàng đầu trong số các nước đang phát triển (chiếm 10,72% tổng giá trị xuất khẩu của các nước đang phát triển). Để có kết quả như vậy, trong hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các giải pháp góp phần làm tăng mức xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, những giải pháp đó là:
Thứ nhất, Trung Quốc đã lựa chọn và thực hiện một chiến lược khai thác thị trường toàn cầu một cách hợp lý theo hai hướng: Tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tăng mức xuất khẩu trên các thị trường hiện có.
Trong chiến lược khai thác thị trường toàn cầu, Trung Quốc phân chia thị trường thế giới theo các tiêu thức khác nhau:
+ Phân chia thị trường theo trình độ phát triển, chia làm 3 nhóm: Nhóm A gồm các nước công nghiệp phát triển; nhóm B gồm các nước công nghiệp mới (nhóm NICs) và các nước SNG, Đông Âu, Nam Phi, Ixraen; nhóm C gồm những nước còn lại.
+ Phân chia theo dung lượng thị trường, thành 2 cấp: Cấp 1 gồm các nước có dung lượng thị trường lớn như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Á và Đông Nam Á; cấp 2 gồm các nước tuy có dung lượng nhỏ nhưng có tiềm năng lớn như các nước SNG và Đông Âu, Trung Đông, Úc và Niu Di lân, Mỹ La tinh, châu Phi.
+ Phân chia thị trường theo vị trí địa lý, gồm các khu vực thị trường như: Hồng Kông và Ma Cao; Nhật Bản; Bắc Mỹ; Tây Âu; SNG và Đông Âu; Đông Nam Á…
Việc phân loại thị trường thế giới theo các tiêu thức khác nhau như trên đã giúp cho Trung Quốc đề ra kế sách khai thác thị trường một cách có hiệu quả hơn. Bên cạnh các chiến lược khai thác thị trường cơ bản, Trung Quốc còn thực hiện các chiến lược “bổ khuyết” để tìm cho mình một phương hướng thị trường thích hợp. Chiến lược này dựa trên luận điểm cơ bản là ở bất kỳ thị trường nào cũng đều có những “mảng trắng”, ở đó thị trường chưa được khai thác, hoặc chưa được chiếm lĩnh một cách có hiệu quả. Từ đó, theo thuyết “bổ khuyết”, Trung Quốc phát triển thị trường và mặt hàng mới cho xuất khẩu hàng hoá của mình theo cả hai hướng: mở rộng thị trường xuất khẩu hiện tại trên cơ sở những hàng hoá có sức cạnh tranh cao và phát triển sản xuất những hàng hoá mới do Trung Quốc sản xuất ra.
Thứ hai, bên cạnh việc thực hiện chiến lược phát triển thị trường đúng đắn, Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến chiến lược phát triển sản phẩm xuất khẩu. Chính nhờ có chiến lược phát triển sản phẩm xuất khẩu hợp lý mà Trung Quốc đã duy trì được khả năng tăng trưởng xuất khẩu ở nhịp độ cao trên cơ sở mở rộng cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, tăng mức xuất khẩu tối đa vào các thị trường quen thuộc.
Thứ ba, Trung Quốc đã áp dụng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI tăng cường xuất khẩu. Trung Quốc luôn khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thông qua các biện pháp hành chính và
kinh tế. Ví dụ như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu trên 70% sản phẩm sản xuất ra sẽ được giảm thuế thu nhập 5%. Chính vì vậy, tỷ lệ hàng xuất khẩu của các đặc khu kinh tế do có nhiều doanh nghiệp FDI đạt tỷ lệ rất cao, tổng giá trị xuất khẩu của 5 đặc khu kinh tế của Trung Quốc chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Thứ tư, các chính sách phát triển khác của Trung Quốc cũng được xem là yếu tố quan trọng trong việc phát triển thị trường xuất khẩu mới như việc thả nổi giá cả hàng hoá xuất nhập khẩu, giá thu mua hàng xuất khẩu được bên mua và bên bán thỏa thuận theo giá thị trường.
Thứ năm, thực hiện chính sách tỷ giá và kiểm soát ngoại hối. Việc kiểm soát ngoại hối được thực hiện nhằm đảm bảo chế độ giao nộp ngoại tệ của các đơn vị kinh tế, đảm bảo dự trữ ngoại hối. Trong thời kỳ 1985-1994, do sản xuất trong nước phát triển nhanh gây nên tình trạng hàng hoá tồn đọng, Trung Quốc đã tạo nhiều “cú sốc tỷ giá” có lợi cho xuất khẩu. Cú sốc phá giá đầu năm 1994 giảm giá đồng NDT trên 35% được xem là một điển hình trong nghệ thuật “chớp thời cơ” của Trung Quốc. Nhờ các cú sốc tỷ giá, sức cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc được nâng lên. Trung Quốc trở thành nước liên tục xuất siêu và có mức dự trữ ngoại tệ lớn thứ 2 trên thế giới.
Ngoài ra, tiến bộ có ý nghĩa chiến lược và quan trọng hơn sự gia tăng về số lượng là sự thay đổi về chất trong cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc. Trong cơ cấu xuất khẩu, tỷ lệ hàng sơ chế đã nhanh chóng giảm từ 50,5% (1985) xuống còn 10,2% (1999). Chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế đối với ngành nông nghiệp, Trung Quốc đã tổ chức lại hoạt động hỗ trợ sự phát triển của ngành này, tăng cường đầu tư vốn và trang thiết bị để đẩy mạnh sự tiến bộ lĩnh vực công nghệ và khoa học ngành nông nghiệp, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế của hàng nông sản Trung Quốc.
Nhiều đề án, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Trung Quốc so với hàng nông sản xuất khẩu của nước ngoài đã được thực hiện. Đáng kể đến là dự án “Chế biến chuyên dụng nông sản chính” được xem là một dự án khoa học và công nghệ quan trọng và là một dự án lớn trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 10 của Trung Quốc với mục tiêu của dự án là phát triển những công nghệ và trang thiết bị quan trọng cho
việc chế biến chuyên dụng những loại nông sản thô như: ngũ cốc, dầu ăn, hoa quả, rau củ, sản phẩm từ động vật và lâm sản; đồng thời dự án này cũng tập trung nghiên cứu hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ và thử nghiệm nhanh công nghệ, trang thiết bị có liên quan đến chế biến sản phẩm nông sản. Kết quả của dự án này đã đưa trình độ công nghệ chế biến nông sản của Trung Quốc đạt trình độ tiên tiến của thế giới giữa những năm 90 và một số lĩnh vực công nghệ ngang với trình độ tiên tiến của quốc tế. Cùng với kết quả của những dự án khác, ngành nông nghiệp và chế biến nông sản của Trung Quốc đã chuyên môn hóa hơn và đi sâu hơn vào việc quản lý chất lượng hàng nông sản để phù hợp với quy chuẩn hàng xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ chính như EU, Mỹ, Nhật Bản…