Bài học quản lý thực hiện thủ tục hành chính cho Quận Long Biên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 45 - 47)

Phần 1 Mở đầu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.3. Bài học quản lý thực hiện thủ tục hành chính cho Quận Long Biên

Một là, các thủ tục hành chính phải được xây dựng trên cơ sở pháp luật, nhằm thực hiện luật. Thủ tục hành chính cũng chính là sự hướng dẫn một cách trình tự, cụ thể việc thực hiện những điều quy định của pháp luật. Thí dụ, khi luật quy định trẻ em sinh ra phải được đăng ký khai sinh tại chính quyền địa phương (cấp cơ sở), thì quy định đó là căn cứ để Nhà nước thực hiện sự quản lý dân số, hộ khẩu; người có nghĩa vụ phải thực hiện quy định đó là cha, mẹ hoặc người giám hộ của đứa trẻ. Nhưng việc thực hiện đó lại phải thông qua những quy định thủ tục mang tính hướng dẫn do Nhà nước ban hành như: cha, mẹ hay người giám hộ của đứa trẻ đến cơ quan nhà nước làm khai sinh phải có những giấy tờ pháp lý chứng thực nhân thân, chứng thực người đó đúng là cha, mẹ hay người giám hộ, v.v. Các thủ tục hành chính về kết hôn, ly hôn, khai tử, di chuyển hộ khẩu cũng tương tự như vậy và thường đã được mẫu hoá, mang tính thống nhất trong cả nước. Vấn đề là ở chỗ, thời gian, chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính thông thường đó là không giống nhau ở các địa phương.

Có một thực tế là, ở những vùng sâu, vùng xa và nhất là ở những vùng miền núi, nơi có phần đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc thực hiện các thủ tục hành chính thông thường như thế thường gặp những trở ngại do đi lại khó khăn, nhiều người mù chữ và đói nghèo... Bởi vậy, cải cách thủ tục hành chính ở những vùng, miền này không chỉ là nhằm vào việc đơn giản hơn về nội dung, điều kiện thực hiện thủ tục, mà còn nhằm vào cách thức thực hiện thủ tục sao cho

thuận tiện đối với người dân, để họ thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trước Nhà nước. Điều đó đòi hỏi cán bộ chính quyền xã, thôn, bản cần tăng cường hơn công tác dân vận, đưa việc thực hiện những thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn, di chuyển... (là những thủ tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người dân) đến gần dân hơn nữa. Nếu không thực hiện được việc này thì công tác quản lý nhà nước về dân số, dân tộc, tôn giáo, đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, v.v. ở những vùng, miền này khó tránh khỏi bị bỏ sót, bỏ trống. Hiện tượng di dân tự do, phá rừng làm rẫy tùy tiện, đói nghèo triền miên ở một số địa phương thuộc một vài tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là những ví dụ về sự bỏ trống, bỏ sót trong công tác quản lý nhà nước ở các địa phương này.

Hai là, các cơ quan, cấp chính quyền có thẩm quyền ban hành quy định thủ tục hành chính cần có sự tham vấn từ phía các cán bộ, công chức thực thi công vụ, các cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận “một cửa” và từ phía khách hàng (tổ chức và người dân). Nhà nước ban hành thủ tục hành chính không chỉ để quản lý mà còn để thực hiện mục tiêu cao hơn là nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ xã hội. Vì vậy, sự tham vấn đó là hết sức cần thiết để phát huy tính chủ động, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ cũng như để thực hiện Quy chế dân chủ, phát huy vai trò giám sát, đánh giá của người dân đối với công tác quản lý của Nhà nước. Mặt khác, điều đó còn có tác dụng làm hạn chế việc ban hành quy định thủ tục và cách thức thực hiện thủ tục theo lối tuỳ tiện mà một số cơ quan, cấp chính quyền đã mắc phải.

Ba là, thủ tục hành chính phải linh hoạt, nhằm đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu của toàn xã hội. Thủ tục hành chính tuy là những quy định hướng dẫn mang tính chất pháp lý, bắt buộc để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả phía Nhà nước và công dân, nhưng trong đời sống thường có những tình huống nằm ngoài ý chí của Nhà nước cũng như ý muốn của người dân. Chẳng hạn, việc xảy ra các tình huống động đất, sóng thần, cháy nổ, lũ lụt..., dẫn đến các giấy tờ, hồ sơ gốc bị thất lạc, tiêu huỷ; người dân trải qua các tình huống này muốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các nhu cầu khác của mình thì không thể đáp ứng được các quy định thủ tục hành chính.

Nếu quan niệm thủ tục hành chính là những quy định có tính nguyên tắc, nhất nhất phải thực hiện đúng như vậy, thì trong các tình huống nói trên, người dân đành bó tay; và do đó, có thể dẫn đến các hiện tượng hoặc chấp nhận thiệt

thòi, hoặc chạy vạy lo lót cho được việc. Cho nên, cần quan niệm thủ tục hành chính cũng chỉ là phương tiện, cách thức để thực hiện sự quản lý và phục vụ dân được tốt hơn; do vậy, phương tiện, cách thức thực hiện cần phải linh hoạt để cốt sao thực hiện được mục tiêu quản lý và phục vụ xã hội, phục vụ dân được nhiều nhất, tốt nhất. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được đánh giá, ghi nhận là ở việc Nhà nước thể hiện đúng được bản chất của nó và ở mục tiêu đạt được chứ không phải ở hình thức, phương tiện hay cách thức thực hiện mục tiêu.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ chế "một cửa", tiến tới xây dựng cơ chế "một cửa liên thông" giữa các sở, ban, ngành có chức năng quản lý nhà nước và các cấp chính quyền trong vấn đề giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho các tổ chức và cá nhân thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, xây dựng quy định thủ tục hành chính xử lý vi phạm sau cấp phép, với yêu cầu làm rõ trách nhiệm của bên vi phạm và của cơ quan, cấp chính quyền có trách nhiệm xử lý vi phạm. Đẩy mạnh công tác rà soát thủ tục hành chính nội bộ, xây dựng quy định về mối quan hệ làm việc nội bộ và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan theo các tiêu chí: pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai về các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, nhằm góp phần xây dựng văn hoá công sở, giữ gìn trật tự, kỷ cương trong hoạt động công vụ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)