Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thực hiện các thủ tục hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 38 - 42)

Phần 1 Mở đầu

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thực hiện các thủ tục hành chính

2.1.4.1. Hệ thống văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước về thủ tục hành chính

Cải cách hành chính là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đối với lĩnh vực tài chính, cải cách hành chính cũng rất quan trọng, thể hiện qua các Nghị quyết của Đảng, Chương trình, kế hoạch của Chính phủ và các Thông tư, quyết định của ngành Tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thuế, hải quan, tài chính doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách nhà nước

Các thủ tục hành chính luôn được quan tâm cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội ngày càng tốt hơn, hạn chế sự sách nhiễu của các cơ quan nhà nước hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Theo đánh giá chương trình đơn giản hóa TTHC của Việt Nam, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: “Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện quản trị công, nâng cao chất lượng thể chế, kích thích năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bình đẳng. Rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện được chương trình cải cách có quy mô như Đề án 30”.

Kết quả của Đề án 30 đã giúp Chính phủ nhận diện được khiếm khuyết, bất cập của hệ thống các quy định về TTHC, đặc biệt là vấn đề chất lượng của các quy định này. Đề án 30 cho thấy, có thể loại bỏ rất nhiều quy định hành chính là rào cản cho hoạt động kinh doanh và đời sống của nhân dân mà vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước. Các quy trình xây dựng, ban hành các quy định hành chính trước đây nặng về tính hợp pháp của văn bản và các quy định mà chưa chú trọng đến các yếu tố kinh tế, kỹ thuật. Bên cạnh đó, những yêu cầu hội nhập, những thách thức của cạnh tranh trong hội nhập quốc tế và các biến động kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu cũng đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực cải cách TTHC bằng việc nâng cao chất lượng hệ thống thể chế TTHC. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (Đinh Duy Hòa, 2015).

2.1.4.2. Công tác tổ chức, triển khai của lãnh đạo quận

Lãnh đạo quận là người đứng đầu cơ quan của quận nên cần có tầm nhìn chiến lược về thực hiện thủ tục hành chính. Lãnh đạo quận nếu chỉ đạo sát sao và có các hướng dẫn về thực hiện cải cách hành chính sẽ góp phần đơn giản hóa các

thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính. Nếu thiếu sự quan tâm chỉ đạo cũng như giám sát quá trình thực hiện cải cách hành chính sẽ làm giảm hiệu quả cải cách. Lãnh đạo quận cần nghiên cứu và đề xuất thay đổi những thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đồng thời hoàn thiện các quy định về thể chế một cách chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tế của quận

Việc triển khai thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" còn thiếu đồng bộ, thủ tục giải quyết một số loại hồ sơ hành chính còn bị cắt khúc theo cấp hành chính, chưa tạo thành quy trình giải quyết thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên còn gây phiền hà cho tổ chức, công dân khi thực hiện các giao dịch hành chính (Đinh Duy Hòa, 2015).

2.1.4.3. Chất lượng cán bộ công chức, viên chức

Trình độ là yếu tố bên trong ảnh hưởng đến năng lực viên chức. Trình độ được hiểu là trình độ học vấn, trình độ tri thức của mỗi viên chức có trước khi đảm nhận vị trí việc làm. Tùy theo từng vị trí việc làm mà trong quá trình công tác, viên chức sẽ được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Đối với viên chức thì trình độ sẽ được đánh giá qua trình độ nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trình độ là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến năng lực của mỗi cá nhân. Bởi lẽ cá nhân có trình độ được đào tạo càng cao thì khả năng tiếp thu cũng như khả năng vận dụng những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo để giải quyết công việc càng lớn. Trình độ sẽ ảnh hưởng đến năng lực trí tuệ (học vấn) và năng lực hoạt động thực tiễn (kinh nghiệm).

TTHC sẽ không được thực hiện nếu không có các chủ thể tiến hành. Nói cách khác, TTHC chỉ là những quy định trên giấy tờ khi không có chủ thể tham gia hay chủ thể thực hiện. Vì vậy, các chủ thể tham gia và thực hiện vào quá trình cải cách TTHC được nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tầm quan trọng của công cuộc cải cách TTHC thì sẽ có thái độ tích cực làm thúc đẩy quá trình cải cách nhanh chóng đạt được mục đích đặt ra. Các nhóm chủ thể xác định được vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia TTHC sẽ làm quá trình giải quyết TTHC trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Công cuộc cải cách TTHC muốn thành công đòi hỏi con người hay chủ thể thực hiện TTHC phải nhận thức được tầm quan trọng của cải cách TTHC trong hệ thống hành chính, từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đến đội ngũ cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp tới người

dân và doanh nghiệp hay tổ chức. Công cuộc cải cách TTHC sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu chỉ có cơ quan hay đơn vị ban hành quy định TTHC hay cán bộ, công chức thực hiện TTHC hay chủ thể tham gia TTHC mà không đề cập tới người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị có liên quan. Trên thực tế, việc nâng cao ý thức phục vụ và chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức là yếu tố có tính quyết định. Bởi vì, các chủ trương, biện pháp dù hay và thiết thực đến mấy mà đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết các TTHC không thực hiện hoặc thực hiện không nhiệt tình thì hiệu quả của cải cách TTHC không được như mong muốn. Cải cách muốn thành công thì trước hết nằm ở yếu tố con người. Khi TTHC được rút gọn nhưng các loại phí “ bôi trơn” vẫn còn thì TTHC vẫn chỉ là phương tiện để một số người trục lợi. Do đó, cần giám sát thường xuyên, có hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong tiếp nhận, xử lý công việc của cá nhân và tổ chức; thiết lập cơ chế giám sát từ bên trong, từ trên xuống dưới (Bùi Văn Nhơn, 2015).

2.1.4.4. Nhận thức của người dân về thực hiện thủ tục hành chính

Nhận thức của người dân về thực hiện thủ tục hành chính hiện nay còn nhiều hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong nhận thức trên một phần xuất phát từ việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình, một phần cũng do yếu tố lịch sử.

Sự thiếu thông tin là do người dân thường không mấy quan tâm đến công việc của chính quyền, đến quyền lợi của mình. Chỉ khi có nhu cầu cần giao dịch với chính quyền thì mới đến, mới đưa yêu cầu mà rất có thể còn chưa biết về những quyền và nghĩa vụ của mình trong giao dịch. Do vậy, họ thường không đảm bảo đầy đủ các thủ tục cần có để được giải quyết. Nhưng họ lại nghĩ rằng, cán bộ, công chức dựa vào đó để sách nhiễu. Người dân cũng đôi khi không chủ động tìm hiểu thông tin về các TTHC cần thực hiện mà nghe qua dư luận mang tính chủ quan, phiến diện, thổi phồng vấn đề lên hoặc cố tình tô vẽ làm sai lệch để trục lợi.

Yếu tố lịch sử làm lệch lạc nhận thức của người dân về TTHC và cải cách TTHC là một nguyên nhân có tính phức tạp. Nước ta trải qua một thời kỳ dài với cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp mà cơ chế “xin - cho” đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều thế hệ. Tâm lý đó khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Xa hơn, nước ta đã trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, hàng nghìn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế và 80 năm Pháp thuộc. Sự cai trị, đô hộ, đàn áp của thực dân phong

kiến phần nào đó bào mòn tính đấu tranh, tạo tâm lý cam chịu, chấp nhận, nên người dân thường có tâm lý đối phó, làm cho xong để được việc mình khi giải quyết công việc với chính quyền (Hoàng Thị Hồng Quyên, 2014).

2.1.4.5. Kinh phí thực hiện

Thực hiện thủ tục hành chính nói chung, thực hiện thủ tục hành chính ở quận Long Biên nói riêng cần triển rất nhiều các hoạt động như hoạt động rà soát các bộ thủ tục, hoạt động lấy ý kiến của cán bộ, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính, việc triển khai các hoạt động này cần có nguồn kinh phí nhất định. Tuy nhiên trong thực tế với ngân sách hạn hẹp và phải trang trải cho rất nhiều các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội nên nguồn kinh phí dành cho công cuộc cải cách hành chính là tương đối hạn chế, không thường xuyên. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các hoạt động cải cách hành chính. Để hoạt động cải cách hành chính thực sự có hiệu quả và đi vào chiều sâu cần đảm bảo nguồn kinh phí cho thực hiện công tác tuyên truyền, đào tạo chuyên môn cho cán bộ, đầu tư mua sắm và hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ các hoạt động hành chính của quận (Hoàng Thị Hồng Quyên, 2014).

2.1.4.6. Hệ thống cơ sở vật chất

Diện tích phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp quận, huyện là 80m2. Trong tổng diện tích làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải dành khoảng 50% diện tích để bố trí nơi ngồi chờ cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch. Thực hiện theo Khoản 1 Điều 12 Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trang thiết bị làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp quận, huyện được thực hiện như sau:

Đối với UBND cấp quận, huyện được trang bị tối thiểu: Màn hình Tivi hiển thị tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, máy photocopy, hệ thống mạng LAN kết nối Internet bằng công nghệ cáp quang (gồm địa chỉ IP tĩnh), máy vi tính và lưu điện, máy in, máy quét (Scanner), thiết bị phát sóng wifi, phần mềm quản lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Tủ đựng tài liệu, điện thoại bàn, bàn và ghế làm việc, biển tên, chức danh, quạt hoặc điều hòa nhiệt độ, ghế ngồi chờ, hòm thư góp ý, bảng niêm yết quy chế, hướng dẫn cho công dân.

Khuyến khích các đơn vị trang bị: máy xếp hàng tự động, camera quan sát (gồm màn hình), máy tính bảng, bảng thông báo điện tử đèn LED.

Trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại:

Được đặt tại vị trí trang trọng của cơ quan hành chính nhà nước, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính.

Được bố trí khoa học theo các khu chức năng, bao gồm: Khu vực cung cấp thông tin, thủ tục hành chính; khu vực đặt các trang thiết bị điện tử, kể cả máy lấy số xếp hàng tự động, tra cứu thông tin, thủ tục hành chính, tra cứu kết quả giải quyết TTHC; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau; bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết dành cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch;

Có phần cứng của hạ tầng công nghệ thông tin và các thiết bị chuyên dụng theo quy định; có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; áp dụng phần mềm điện tử theo quy định (Nguyễn Văn Thâm, 2015).

2.1.4.7. Sự liên kết và phồi hợp hoạt động giữa các cơ quan

Thực hiện thủ tục hành chính nói chung và ở quận Long Biên nói riêng có liên quan đến nhiều đơn vị, cơ quan trên địa bàn quận, thành phố và các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố.... Chính vì vậy sự phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn với nhau, giữa các cơ quan chuyên môn với các cơ quan quản lý hành chính có chặt chẽ, hợp lý hay không có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình triển khai các hoạt động thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực. Sự phối hợp hoạt động giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm áp lực công việc lên một cơ quan nhất định (Đoàn Thị Hằng, 2011).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)