Khái niệm về quản lý nhà nước trong đấu tranh chống buôn lậu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cương quản lý nhà nước trong đấu tranh chống buôn lậu hàng hóa trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 29 - 33)

* Khái niệm về quản lý

Trên thực tế tồn tại nhiều cách tiếp cận khái niệm “quản lý”, thông thường quản lý bao gồm các hoạt động tổ chức chỉ huy, điều khiển, động viên, kiểm tra và điều chỉnh. Quản lý là tác động có ý thức để chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người nhằm đạt tới mục đích đúng ý chí của người quản lý và phù hợp với quy luật khách quan (Phan Huy Đường, 2015). Theo lý thuyết hệ thống thì quản lý là sự tác động có hướng đích của chủ thể quản lý đến một hệ thống nào đó nhằm biến đổi nó từ trạng thái này sang trạng thái khác theo nguyên lý phá vỡ hệ thống cũ để tạo lập hệ thống mới và điều khiển hệ thống (Nguyễn Thị Minh Phương, 2015).

Theo Thân Danh Phúc (2016), Quản lý là một hiện tượng khách quan trong mọi hình thái kinh tế - xã hội. Nó xuất hiện là tất yếu do lao động mang tính cộng đồng, xã hội quyết định. Các Mác đã chỉ rõ: “Bất kỳ lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào đó mà được tiến hành trên quy mô tương đối lớn, ở mức độ

nhiều hay ít đều cần có sự quản lý nhằm phối hợp những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung”. Ông đã hình dung quản lý giống như công việc của người nhạc trưởng trong một dàn nhạc hợp xướng: “Một nhạc công tự điều khiển mình, nhưng một dàn nhạc cần phải có nhạc trưởng”.

Cũng theo Thân Danh Phúc (2016), có nhiều cách trình bày, diễn đạt khác nhau về khái niệm quản lý, nhưng phổ biến có 2 cách tiếp cận sau:

Tiếp cận thứ nhất: Quản lý là một quá trình, trong đó chủ thể quản lý tổ chức, điều hành, tác động có định hướng, có chủ đích một cách khoa học và nghệ thuật vào đối tượng quản lý nhằm đạt kết quả tốt nhất theo mục tiêu đã đề ra thông qua việc sử dụng các phương pháp và công cụ quản lý thích hợp.

Tiếp cận thứ hai: Quản lý được hiểu là một hệ thống, bao gồm các thành tố: đầu vào, đầu ra, quá trình biến đổi đầu vào thành đầu ra, môi trường và mục tiêu quản lý. Các yếu tố trên luôn tác động qua lại lẫn nhau. Một mặt, chúng đặt ra các yêu cầu, những vấn đề quản lý phải giải quyết. Mặt khác, chúng ảnh hưởng tới hiệu lực và hiệu quả quản lý.

Hai cách tiếp cận trên được nghiên cứu và vận dụng không chỉ trong lĩnh vực quản lý kinh tế, mà cả trong các lĩnh vực khác như văn hóa và xã hội, an ninh và quốc phòng, không chỉ giới hạn nghiên cứu trên tầm vĩ mô, mà cả phạm vi các đơn vị vi mô là tổ chức và doanh nghiệp.

* Khái niệm quản lý tổ chức

Theo Đoàn Thị Thu Hà và Nguyễn Thị Ngọc Huyền (2004), có nhiều khái niệm khác nhau về quản lý các tổ chức có thể áp dụng được:

Quản lý là nghệ thuật đạt mục đích thông qua nỗ lực của những người khác. Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý và khách thể quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, cơ hội của tổ chức để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường.

Quản lý là công tác phối hợp có hệu quả các hoạt động của những cộng sự khác nhau trong cùng một tổ chức.

Quản lý là quá trình phối hợp các nguồn lực nhằm đạt được những mục đích của tổ chức.

Quản lý là việc đạt tới mục đích của tổ chức một cách có hiệu quả và hiệu quả thông qua quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra các nguồn lực của tổ chức.

Tuy nhiên có thể định nghĩa quản lý tổ chức như sau: Quản lý tổ chức là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra các nguồn lực và hoạt động của tổ chức nhằm đạt được mục đích của tổ chức với hiệu lực và hiệu quả cao trong điều kiện môi trường luôn biến động.

Logic của khái niệm quản lý được thể hiện trên sơ đồ sau:

Sơ đồ 2.1. Logic của khái niệm quản lý tổ chức

* Khái niệm quản lý nhà nước

Theo Nguyễn Hữu Hải (2014): “Quản lý nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực Nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Theo Ngô Huy Toàn (2009) cho rằng, quản lý nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội, trật tự pháp luật nhằm thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.

Các nguồn lực: - Nhân lực - Tài lực - Vật lực - Thông tin Quá trình quản lý Phối hợp hoạt động Kết quả: - Đạ mục đích - Đạt mục tiêu: + Sản phẩm + Dịch vụ - Mục tiêu đúng - Hiệu quả cao Lập kế hoạch Kiểm tra Lãnh đạo Tổ chức

Như vậy, cách hiểu chung nhất quản lý nhà nước là một dạng quản lý do Nhà nước làm chủ thể, định hướng điều hành, chi phối… để đạt được mục tiêu kinh tế-xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Quản lý nhà nước khác với dạng quản lý của các chủ thể khác ở chỗ các chủ thể này không dùng quyền lực pháp luật của nhà nước để điều chỉnh các quan hệ quản lý mà chỉ dùng phương thức giáo dục, vận động quần chúng.

* Khái niệm quản lý nhà nước về kinh tế

Quản lý nhà nước đối với nền kinh tế quốc dân (hoặc vắn tắt là quản lý nhà nước về kinh tế) là sự tác động có tổ chức và bằng pháp quyền của Nhà nước lên nền kinh tế quốc dân nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước, các cơ hội có thể có, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước đã đặt ra, trong điều kiện hội nhập và mở rộng giao lưu quốc tế. Quản lý kinh tế là nội dung cốt lõi của quản lý xã hội nói chung và nó phải gắn chặt với các hoạt động quản lý khác của xã hội. Quản lý nhà nước về kinh tế được thể hiện thông qua các chức năng kinh tế và quản lý kinh tế của Nhà nước. Bản chất của quản lý nhà nước về kinh tế là đặc trưng thể chế chính trị của đất nước (Đỗ Hoàng Toàn và Mai Văn Bưu, 2008).

Theo Phan Huy Đường (2015): “Quản lý nhà nước về kinh tế là sự tác động có chủ đích của Nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân bằng quyền lực của Nhà nước, thông qua pháp luật, chính sách, công cụ, môi trường, lực lượng vật chất và tài chính, trên tất cả các lĩnh vực và thành phần kinh tế”.

* Khái niệm về quản lý nhà nước về đấu tranh chống buôn lậu

Chống buôn lậu là toàn bộ những hoạt động nhằm làm cho môi trường sản xuất, kinh doanh diễn ra đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quy luật kinh tế, ngăn chặn và đẩy lùi những hoạt động kinh tế phi pháp, gây hậu quả xấu đến nền kinh tế quốc dân, nhằm từng bước xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Chống buôn lậu xác định rõ chủ thể là Nhà nước, bằng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của mình ban hành pháp luật, chính sách về kinh tế, tổ chức thực hiện và quản lý, giám sát, điều chỉnh nhằm giáo dục, bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và của các doanh nghiệp.

Trên cơ sở khái niệm về quản lý nhà nước về kinh tế thì: Quản lý nhà nước về đấu tranh chống buôn lậu có thể hiểu là sự tác động có chủ đích của Nhà nước đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu bằng quyền lực của Nhà nước, thông qua pháp luật, chính sách, công cụ, môi trường, lực lượng vật chất và tài chính lên tất cả các yếu tố, các đối tượng, các hoạt động liên quan đến buôn lậu nhằm bảo vệ quá trình sản xuất, kinh doanh trong nước, hoạt động thương mại quốc tế, an ninh chính trị, an toàn xã hội, văn hóa và sức khỏe cộng đồng.

Như vậy, quản lý nhà nước về đấu tranh chống buôn lậu được hiểu là có hệ thống bộ máy tổ chức quản lý đủ năng lực, thể hiện tập trung trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức hoạt động thực thi chính sách pháp luật một cách nghiêm ngặt; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật nhằm đạt được mục tiêu quản lý như mong muốn. Tăng cường quản lý nhà nước về chống buôn lậu liên quan tới nhiều khâu cơ bản trong chu trình quản lý, gồm: (i) con người với tư cách nhân vật trọng tâm; (ii) nội dung văn bản, chính sách và quyết định gắn với thực tiễn; (iii) cơ chế, tài chính, công cụ máy móc hỗ trợ bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước (Vũ Thanh Hải, 2013).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cương quản lý nhà nước trong đấu tranh chống buôn lậu hàng hóa trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 29 - 33)