Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội đến hoạt động buôn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cương quản lý nhà nước trong đấu tranh chống buôn lậu hàng hóa trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 59 - 60)

buôn lậu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; chú trọng công tác cải cách hành chính; giảm bớt các khâu trung gian, rút ngắn thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp đã được tỉnh tổ chức để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc. Từ đó giao các ngành kịp thời tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Phú Thọ còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh. Đặc biệt, công tác hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh, triển khai thực hiện dự án sau khi được cấp phép, hỗ trợ tìm kiếm địa điểm đầu tư, thông tin về chính sách, môi trường đầu tư, các thủ tục đăng ký, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... cũng có rất nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế thì những năm gần đây hoạt động buôn lậu tại địa bàn tỉnh Phú Thọ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Do có vị trí địa lý thuận lợi, hàng hoá từ Hà nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ được vận chuyển qua Phú Thọ đi các tỉnh tiêu thụ; hàng nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu của các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn... vận chuyển qua địa bàn vào tiêu thụ trong nội địa. Hàng nhập lậu cũng theo tuyến đường giao thương được vận chuyển qua địa bàn tỉnh nhiều và thẩm lậu vào thị trường tỉnh. Mặt khác, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý thích hàng do nước ngoài sản xuất, hàng giá rẻ của người tiêu dùng, các đối tượng làm ăn phi pháp đã và đang tìm mọi phương thức, thủ đoạn để đưa hàng lậu vào thị trường Phú Thọ tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính, gây xáo động thị trường.

Hàng lậu không chỉ xuất hiện ở chợ nhỏ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà xuất hiện ngay tại các trung tâm của thành phố, các huyện, thị xã với chủng loại, mẫu mã ngày càng đa dạng, phong phú. Ngoài những loại hàng hóa tiêu dùng thông thường thì ngày càng xuất hiện nhiều các loại hàng cao cấp, hàng công nghệ cao, nhất là những hàng hoá có thương hiệu nổi tiếng. Hàng lậu lưu thông trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các loại hàng hoá do Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc sản xuất như: Hàng tiêu dùng, hoa quả, mỹ phẩm, linh phụ kiện ô tô xe máy, phế liệu, pháo, thuốc lá điếu, phân bón, đồ chơi trẻ em... Hành vi buôn lậu đã và đang gây tâm lý lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như gây không ít khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Hoạt động buôn lậu đối với những hàng hóa nhập lậu, trốn thuế thường là những hàng hóa này có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là lợi thế về giá thấp hơn đối với hàng hóa sản xuất trong nước hoặc hàng nhập khẩu chính ngạch. Khi xuất hiện những hàng hóa nhập lậu với một lượng đủ lớn trên thị trường, sự bình ổn giá cả của thị trường sẽ bị phá vỡ. Nguyên nhân tình trạng này là do dung lượng thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển, tốc độ phát triển ngày càng cao, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng, đi liền với đó là, xuất hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân làm ăn không đúng đắn, lợi dụng sự sơ hở của pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước đưa hàng hóa nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Đó là xét về việc nhập lậu các mặt hàng có chất lượng, có năng lực cạnh tranh hơn hàng sản xuất trong nước. Còn với việc nhập lậu những mặt hàng chất lượng kém thì nó sẽ tác động khôn lường đến nền sản xuất trong nước nói chung cũng như tỉnh Phú Thọ nói riêng. Hiện nay trong tuyến biên giới phía Bắc, nhiều hàng hóa kém chất lượng được ồ ạt tuồn về Việt Nam như gà thải loại, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, quần áo, giày dép... Khi những mặt hàng kém chất lượng bị nhập lậu, thị trường Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc biệt là những hàng hóa dư thừa, ế ẩm của nước ngoài. Không chỉ có thế, khi số lượng hàng hóa bị trà trộn, thì chất lượng hàng hóa bị đánh đồng. Đó sẽ là một khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những kẻ buôn lậu, làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Với những hàng hóa xuất lậu, thì tình hình cũng không kém phần nghiêm trọng. Hàng hóa xuất lậu ra nước ngoài thường là những sản phẩm mà Việt Nam đang có lợi thế hoặc do chính sách giá trong nước mà xét tương quan giá hàng hóa trong nước nhỏ hơn ở nước ngoài. Những hàng hóa này lại bị cấm xuất khẩu, nên nếu xuất lậu được mang lại lợi nhuận rất cao. Lợi thế so sánh của Việt Nam chủ yếu nằm ở tài nguyên thiên nhiên phong phú. Việc xuất lậu những khoáng sản, nguyên liệu thô, các mặt hàng chiến lược, hàng quốc cấm gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vĩ mô. Khi tài nguyên bị khai thác thiếu quy hoạch, tài nguyên đất nước sẽ nhanh chóng bị suy kiệt, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế đất nước trong tương lai gần.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cương quản lý nhà nước trong đấu tranh chống buôn lậu hàng hóa trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 59 - 60)