Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng giám định khám chữa bệnh qua
4.3.5. Hiểu biết của người dân khi đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế
Khám chữa bệnh (KCB) bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là nhu cầu cần thiết của mọi người dân, cả người có thu nhập cao lẫn người kinh tế khó khăn có thu nhập thấp. Đây có thể nói là một chính sách an sinh xã hội đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt được của BHYT thì việc thực hiện KCB bằng chính sách này vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, dẫn đến thực trạng người dân thiếu tin tưởng vào chính sách BHYT.
Trong suy nghĩ của đa số người dân khi được hỏi về công tác giám định BHYT thì câu trả lời phần lớn là không biết công tác này làm việc với ai, làm những công việc gì và hiệu quả công việc ra sao. Đối với tâm lý chung của người dân khi đi KCB bằng thẻ BHYT thì mối quan tâm lớn nhất chính là quyền lợi mà họ được hưởng khi đã tham gia BHYT. Đối với họ, khi họ đã có BHYT thì đương nhiên họ có quyền lợi được khám chữa bệnh, đồng nghĩa với việc khi đó họ được khám bệnh lúc ốm đau, được chi trả những tổn phí phát sinh liên quan đến khám chữa bệnh, được cán bộ y tế chăm sóc đúng mực… Mối quan tâm và tầm hiểu biết về giám định BHYT của rất nhiều người dân còn hạn chế, họ không hiểu hết vai trò của giám định BHYT dẫn đến việc nhiều khi xem nhẹ công tác giám định BHYT. Thậm chí rất nhiều người dân còn chưa biết đến bộ phận giám định. Sợi dây liên kết nhiều nhất được họ biết đến hoặc khi có những thắc mắc là cán bộ y tế chứ không phải giám định viên làm công tác giám định. Công tác
giám định BHYT đối với một số người dân còn là sự phiền hà, nhiễu sách dẫn đến sự bất hợp tác giữa người dân và cán bộ giám định BHYT. Cũng vì suy nghĩ rằng việc tham gia BHYT không mang lại nhiều lợi ích và còn có nhiều hạn chế, phiền hà nên 1 số người dân đã quay lưng lại với BHYT, không tham gia BHYT hoặc có BHYT nhưng không sử dụng.
Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, các cán bộ tại bộ phận giám định BHYT huyện Yên Thủy bằng kiến thức và tâm huyết của mình đã nỗ lực hết mình nhằm hỗ trợ rất nhiều đối tượng gặp khó khăn khi đi KCB bằng thẻ BHYT, các trường hợp thường xuyên cần tới sự giúp đỡ của giám định viên tại cơ sở là các trường hợp vướng mắc về thẻ BHYT và thắc mắc về chế độ, chính sách. Theo số liệu điều tra thì 82% số người được phỏng vấn rất hài lòng với những gì mình được hỗ trợ, ngoài việc được giải đáp các thắc mắc liên quan tới trường hợp của mình người dân còn được các giám định viên hỗ trợ để có thể trong thời gian ngắn nhất xử lý các vấn đề của mình như liên hệ với cơ quan BHXH để rút ngắn thời gian cấp lại thẻ trong trường hợp người bệnh đang cấp cứu, cần chuyển viện hoặc thẻ sắp hết hạn…
Ở tiêu chí về hỗ trợ chính sách cho người tham gia BHYT thì đa phần những đối tượng này đều là những người không hài lòng về thẻ BHYT như bị thay đổi mức hưởng BHYT, thay đổi đối tượng hưởng BHYT do nhà nước thay đổi về cơ chế, chế độ, chính sách của từng đối tượng khác nhau nhưng do người dân không kịp thời cập nhật thông tin nên dẫn đến việc coi đó là trách nhiệm của giám định viên, trong khi giám định viên tại cơ sở chỉ là người thực thi, truyền đạt và giải thích cho họ chứ không phải là người thay đổi chế độ, chính sách, có tới 30% số người được hỏi đánh giá công tác giám định đang làm chưa tốt việc này. Một dẫn chứng cụ thể như sau: Đối tượng người bệnh là Cựu chiến binh đã được nhận trợ cấp một lần theo quyết định 62/2011/QĐ-TTg đang hưởng BHYT mã KC2 (100% quỹ BHYT chi trả), nay lại đổi xuống KC4 (80%) từ ngày 01/12/2018 theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP bên cạnh những người chấp nhận thì vẫn có rất nhiều người bệnh không chấp nhận và cho rằng đây là lỗi do cơ quan BHXH gây ra và gây rất nhiều khó khăn cho việc giải thích của giám định viên tại CSKCB.
Đánh giá về việc kiểm tra, kiểm soát ngoài giờ hành chính như kiểm tra khoa phòng, giường điểu trị ban đêm có tới 23% người dân được hỏi không biết gì về việc này ngoài ra tới 20% người dân cho rằng công tác này là không cần thiết vì gây phiền phức tới họ.
ở tiêu chí đánh giá cuối cùng là việc giám địn đảm bảo quyền lợi về các dịch vụ y tế mà người tham gia BHYT được hưởng thì tới 88% cho rằng là rất cần thiết và giám định viên đang làm tốt công việc đó khi ngay từ khâu kê đơn thuốc bộ phận giám định đã đảm bảo người dân được hưởng đúng số lượng, đúng chủng loại và đúng các chỉ định xét nghiệm được đưa ra. Ngoài ra các giám định viên còn trực tiếp tới các khoa phòng, yêu cầu cầu công khai thuốc, dịch truyền tại đầu giường và phải được ký nhận bởi người bệnh.
Với nhiều thay đổi trong chính sách BHYT, người dân có sự quan tâm nhiều hơn đến việc KCB. Tuy nhiên, từ chỗ quan tâm đến việc chấp nhận bỏ tiền ra mua để được hưởng quyền lợi khi đi KCB hiện vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Qua thực tế ở nhiều xã trong huyện có thể nhận thấy một đặc điểm chung khá phổ biến là, người dân đều có quan tâm nhưng lại thiếu tin tưởng để quyết định bỏ tiền ra tham gia BHYT. Một số bộ phận người dân còn tồn tại suy nghĩ rằng: “Thông qua tư vấn của nhân viên đại lý bán BHYT và bác sĩ hướng dẫn khi đi KCB, cộng với xem nhiều thông tin trên báo, đài thì tôi cũng nhận thấy việc mua BHYT là cần thiết, phòng khi đau ốm, bệnh tật. Có tấm thẻ BHYT thì tốt nhưng tôi không biết chất lượng KCB ra sao, bởi cũng nghe nhiều người nói đi KCB bằng thẻ BHYT phải tốn nhiều thời gian chờ đợi, sợ nhất là nhiều người nói KCB bằng BHYT thì thuốc không tốt, nên tôi tự đi KCB ngoài tư nhân cho chắc”.
Những vướng mắc như trên dẫn đến sự thiếu tin tưởng của người dân, điều ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả của các ngành chức năng; nhiều thủ tục làm mất nhiều thời gian trong KCB bằng BHYT; một số vụ việc lợi dụng quỹ BHYT để trục lợi đã được phơi bày trên các phương tiện truyền thông ở một vài địa phương… Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thuốc không đúng quy định hoặc kém chất lượng đã trở thành một vấn nạn… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách KCB bằng BHYT mà đáng quan tâm hơn là sức khoẻ của người dân.
Hiện nay, phần lớn những người tham gia BHYT là những người sử dụng BHYT bắt buộc, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đã được cấp hoặc được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT. Điều đó cho thấy, ý thức của người dân trong việc khám bệnh bằng BHYT chưa cao. Thực tế cho thấy nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được BHYT do công tác tuyên truyền từ cơ sở còn yếu, dẫn đến người dân chưa thực sự hiểu hết các lợi ích mà BHYT mang lại. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, không chỉ riêng ngành BHXH mà tất cả xã hội
cùng chung tay góp sức đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, cùng với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công khai, minh bạch nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT. Điều quan trọng là phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách BHYT để trục lợi của cá nhân, đơn vị, nhằm từng bước tạo dựng niềm tin trong nhân dân.
Huyện Yên Thủy là địa phương vẫn gồm nhiều khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trình độ hiểu biết của người dân nơi đây vẫn còn thấp. Để chính sách BHYT thật sự đi vào lòng dân, vấn đề trước mắt là phải làm thay đổi nhận thức của người dân, để họ thấy việc tham gia BHYT là lợi ích của chính mình chứ không phải là nghĩa vụ. Thực tế, với giá trị gói dịch vụ y tế hiện nay khá tốt vì có sự hỗ trợ của Nhà nước và cả hệ thống y tế. Tuy nhiên, để thu hút người dân, ngoài sự hấp dẫn của giá trị gói dịch vụ, vấn đề là phải làm sao tạo được sự thuận lợi, thoải mái nhất khi một người cầm tấm thẻ BHYT đi khám bệnh. Hiểu được thực tế đó, mỗi giám định viên luôn phải đề cao trách nhiệm là làm cho người dân hiểu nhiều hơn về công tác giám định BHYT. Để họ hiểu hơn về quyền lợi của bản thân họ khi tham gia BHYT đề cùng với cơ quan BHXH góp phần đẩy lùi tiến tới loại bỏ hoàn toàn những trường hợp muốn trục lợi từ quỹ BHYT.