Kinh nghiệm của các nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng công chức khối văn phòng thống kê ở huyện sơn động, tỉnh bắc giang (Trang 42 - 45)

Các quốc gia trên thế giới đều ý thức được tầm quan trọng của công chức nhà nước trong công cuộc phát triển KT-XH của đất nước. Với vai trò là người thực thi công vụ, công chức là lực lượng quan trọng, tham mưu hoạch định chính sách cho công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý trong hệ thống hành chính, nhất là cấp hành chính cơ sở luôn là một vấn đề quan trọng được ưu tiên ở nhiều quốc gia mà chúng ta có thể tham khảo.

2.2.1.1. Kinh nghiệm của Singapore

Hệ thống hành chính của Singapore là hành chính đô thị, chỉ có một cấp hành chính Nhà nước, không có khái niệm chính quyền địa phương. Nền công vụ của Singapore luôn đặt chất lượng phục vụ, hiệu quả, hiệu lực lên hàng đầu và là nền công vụ luôn cải tiến để thích nghi với môi trường quốc tế luôn thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Đề cao chất lượng phục vụ của các cơ quan công quyền, Singapore quan niệm công chức là chìa khóa thành công nên luôn coi trọng yếu tố con người, trọng dụng nhân tài.

Vấn đề đào tạo bồi dưỡng công chức nhằm phát huy cao độ tiềm lực của mỗi người được Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm. Điều đó được thể hiển trước hết ở việc đầu tư rất lớn cho đào tạo (xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; chính sách ưu đãi như giáo dục phổ thông được miễn phí, bao gồm cả học phí, chính sách giáo khoa, máy tính, phí giao thông…). Việc đào tạo, bồi dưỡng công chức theo hướng mỗi người đều được phát triển tài năng riêng; tạo thói quen học tập suốt đời, liên tục học hỏi để mỗi người công chức đều có đầy đủ phẩm chất, năng lực, trình độ phục vụ tốt cho công vụ.

Singapore xây dựng chiến lược đối với công chức thể hiện bằng kế hoạch đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đào tạo kế nhiệm, bài bản, từ xa.Thời gian đào tạo tối

thiểu bắt buộc là 100 giờ trong một năm đối với mỗi công chức. Trong đó 60% nội dung đào tạo về chuyên môn, 40% nội dung đào tạo liên quan đến phát triển. Có nhiều khóa học khác nhau dành cho các đối tượng khác nhau. Khóa học làm quen với công việc dành cho công chức mới được tuyển dụng hoặc mới chuyển công tác từ nơi khác đến; khóa học đào tạo cơ bản được tổ chức cho người mới tuyển dụng trong năm đầu tiên công tác; khóa học nâng cao bổ sung, giúp công chức đạt hiệu quả cao nhất trong công việc và nâng cao khả năng làm việc của người đó trong tương lai; khóa học mở rộng đào tạo điều kiện cho công chức được trang bị những kiến thức và nghiệp vụ bên ngoài lĩnh vực chuyên môn chính để có thể đảm đương những công việc liên quan khi cần thiết, nhất là các kiến thức, tri thức đối với nhóm công chức trực tiếp làm việc với người dân. Các khóa học này liên quan chặt chẽ tới con đường sự nghiệp của công chức và việc chỉ định vị trí công việc của công chức. Hằng năm, Singapore dành 4% ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng.

Cơ sở đào tạo của Singapore hiện nay gồm Học viện Công vụ và Viện quản lí Singapore. Học viện Công vụ (CSC) được thành lập năm 1996, hiện nay bao gồm: Viện chính sách, Viện hành chính công và quản lý. Ngoài ra, Học viện Công vụ còn thành lập thêm Tổ chức tư vấn công vụ làm công tác tư vấn về chính sách và thực thi công tác đào tạo, tư vấn về chương trình giảng dạy. Đây là đầu mối liên hệ giữa Sngapore và các nước khác trong việc trao đổi kinh nghiệm và phương thức cải cách khu vực công.Viện quản lý Singapore là nơi tổ chức nhiều chương trình ngắn hạn để học viện tự lựa chọn theo yêu cầu của các nhân, từ cập nhật những kiên thức và lý luận mới về quản lý cho tới các khóa ngắn hạn, tại chức, mở tại các cơ quan theo yêu cầu.

2.2.1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Ở Trung Quốc, hương và trấn là các đơn vị cấp xã. Hệ thống chính trị cấp xã bao gồm: Đảng, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, HĐND (Đại hội đại biểu) và chính quyền Nhà nước (cơ quan hành chính).

Trung Quốc coi cấp cấp xã (cấp cơ sở) là một đơn vị hành chính hoàn chỉnh. Việc phân loại đơn vị hành chính, bố trí công chức, chế độ căn cứ vào tiêu chí diện tích, dân số, thu ngân sách và tổng thu nhập. Trung bình mỗi hương, trấn, có số lượng từ 30 - 40 công chức làm công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, xã đông dân có thể có biên chế đến 60 người. Vấn đề trình độ của công chức cấp cơ sở ở Trung Quốc được quan tâm thường xuyên, trong công tác cán bộ từ

quy hoạch, tuyển dụng đến quản lý hay quy định tiêu chuẩn.

Về quy hoạch, tuyển dụng: Mỗi nhiệm kỳ công tác của công chức chính quyền hương, trấn là 3 năm. Nguồn của công chức hương, trấn chủ yếu được tuyển chọn, quy hoạch từ cán bộ thôn, công sở (đại diện hành chính tại các thôn) và các ban công sở (đại diện hành chính tại các khu dân cư ở thị trấn) qua chế độ thi tuyển công chức; đồng thời được bổ sung do điều động theo cơ chế luân chuyển từ cấp trên về. Hàng năm có sự đánh giá, khảo sát về phẩm chất và năng lực công tác của công chức. Cơ quan nhân sự cấp huyện có trách nhiệm đào tạo và tổ chức thi tuyển công chức chính quyền cấp xã. Người được thi tuyển làm công chức hương, trấn phải đạt các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, tư cách.

Về quản lý công chức cấp xã: Mỗi tháng phải báo cáo kết quả công tác một lần theo chương trình, kế hoạch công tác cụ thể. Công chức hương, trấn phải qua các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị, khoa học - kỹ thuật bắt buộc hàng năm; cuối năm tiến hành thi kiểm tra kiến thức đã bồi dưỡng trong năm.

Hàng năm cơ quan nhân sự cấp huyện kết hợp với Đảng ủy, lãnh đạo chính quyền, ủy ban kỷ luật hương, trấn tiến hành khảo sát, đánh giá. Công chức hương, trấn qua khảo sát, đánh giá được chia làm 3 loại: Ưu tú; xứng đáng chức vụ, không xứng đáng chức vụ. Nếu thuộc loại không xứng đáng chức vụ, tuy vẫn được công tác nhưng bị xuống chức vụ, bị giảm lương; nếu năm tiếp theo công chức đó vẫn thuộc loại này thì bị thôi việc do Trấn trưởng, Hương trưởng ra quyết định và báo cáo lên cơ quan nhân sự cấp trên. Nếu đạt loại ưu tú thì được tăng lương. Đồng thời cũng qua đánh giá hành năm này có sự bố trí, sắp xếp công chức hợp lý. Về tiêu chuẩn công chức hương, trấn, Trung Quốc quy định: (i) Phải có đạo đức tốt; (ii) Phải có năng lực; (iii) Cần cù; (iv) Phải có thành tích… Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam, nói chung và huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang có thể tham khảo.

2.2.1.3 Kinh nghiệm của Philippines

Philippines là một nước gồm hơn 7.100 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích đất liền là 30 triệu ha với dân số khoảng 70 triệu người (năm 2002) và dân số đô thị chiếm khoảng 55%, còn dân số nông thôn chiếm khoảng 45%. ở Philippines cấp hành chính cơ sở được gọi là Baragay (như xã, phường, thị trấn ở Việt Nam). Hiện nay ở Philippines có khoảng 42.000 đơn vị cấp cơ sở.

Về chức năng, nhiệm vụ: Xã là đơn vị chính quyền cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án của Nhà nước nói chung

cũng như địa phương nói riêng; là nơi triển khai các hoạt động chính quyền trong cộng đồng, là nơi để nhân dân đề đạt các nguyện vọng, quan điểm của họ với chính quyền và cũng là nơi giải quyết các đơn thư, khiếu nại của người dân. Chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã là cung cấp dịch vụ, quản lý môi trường, phát triển kinh tế và góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo ở địa phương.

Cơ cấu tổ chức chính quyền cấp xã, gồm: Cơ quan quyết nghị (Hội đồng lập pháp), cơ quan chấp hành (Hội đồng hành pháp), Chủ tịch xã (xã trưởng), Ban tư pháp xã, Đoàn thanh niên.

Về công tác cán bộ chính quyền cơ sở của Philippines đáng chú ý nhất là chế độ thù lao đối với công chức xã. Chủ tịch xã và các thành viên của cơ quan hành pháp được nhận tiền lương, trợ cấp và các khoản thù lao khác theo quy định của bộ luật chính quyền địa phương, luật và các văn bản dưới luật của xã. Mức lương tối thiểu của Chủ tịch xã là 1.000 pêsô/1 tháng. Các thành viên khác của cơ quan hành pháp, thủ quỹ, thư ký là 600 pêsô/1 tháng. Công chức xã được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như: Mất khả năng lao động tạm thời hoặc vĩnh viễn, bảo hiểm tai nạn và tiền tuất; khám, chữa bệnh miễn phí tại các bệnh viện công, trong trường hợp khám và chữa bệnh tại bệnh viện tư thì được thanh toán viện phí tối đa là 5.000 pêsô; bản thân họ được đi học miễn phí tại các trường cao đẳng, đại học công lập; con cái họ được miễn phí đăng ký và lệ phí thi. Ngoài tiền lương, hàng tháng công chức chính quyền cơ sở được hưởng các khoản tiền thưởng, tiền ngày lễ, ngày tết không thấp hơn 1.000 pêsô/tháng. Đối với cán bộ bầu cử, khi hết nhiệm kỳ, nếu đủ các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ có thể bổ nhiệm vào các cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng công chức khối văn phòng thống kê ở huyện sơn động, tỉnh bắc giang (Trang 42 - 45)