2.2.2.1. Tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với 1,5 triệu con heo và 15,5 triệu gia cầm; tỷ lệ chăn nuôi trang trại với quy mô lớn theo hướng công nghiệp chiếm khá cao (toàn tỉnh hiện có 2.208 trang trại heo, chiếm gần 70% trên tổng đàn; gà có 464 trang trại, chiếm 87% trên tổng đàn). Tỉnh cũng đã hình thành được các chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa được tháo gỡ như chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, do đó gây ra trở ngại lớn đến các hoạt động cần kinh phí để triển khai xây dựng chuỗi liên kết. Các chế tài ràng buộc sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình; một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, đó là lý do khiến cho tính liên kết thiếu bền
Bên cạnh đó, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc có mặt tràn lan trên thị trường, không cạnh tranh được giá bán, do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tạo hiệu quả kinh tế. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Việc tiếp cận nguồn thông tin thị trường còn hạn chế, tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đã đẩy giá bán sản phẩm lên cao, chưa kể người sản xuất còn bị thương lái ép giá bán. Đồng thời việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, mặc dù là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển mạnh của cả nước, nhưng việc hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi ở Đồng Nai còn rất khó khăn. Nhiều trang trại nhỏ lẻ vẫn trong tình trạng tự mua con giống giá rẻ, kém chất lượng, không có xuất xứ từ nhiều thương lái khác nhau, khiến dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây thiệt hại cho chủ trại và làm mất uy tín của cả vùng chăn nuôi.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã kiến nghị với UBND tỉnh hỗ trợ cho dự án “Xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn”. Dự án được thực hiện theo một quy trình khép kín, có sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất con giống, chế biến thức ăn, đến khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các hộ chăn nuôi sẽ ký hợp đồng với Hợp tác xã để đảm bảo cung cấp con giống, thức ăn, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định.
2.2.2.2. Tỉnh Phú Thọ
Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, trong những năm gần đây, chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gà nói riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng cũng như
các giống mới. Chăn nuôi nói chung, gà nói riêng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy vậy, quy mô chăn nuôi gà ở Phú Thọ phổ biến là nhỏ lẻ, có tới trên 80% số hộ nuôi dưới 50 con/lứa. Nuôi gà thả hoàn toàn chiếm 63,33%, nuôi bán chăn thả chiếm 36%, nuôi nhốt hoàn toàn chiếm tỷ lệ rất thấp 0,67%. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người chăn nuôi để mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng.
Ngoài ra, tỉnh cũng chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm nên cũng gây ra trở ngại lớn đến các hoạt động cần kinh phí để triển khai xây dựng chuỗi liên kết. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, cho nên việc liên kết thiếu bền vững. Mặt khác, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc, tràn lan trên thị trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, tỉnh sẽ quy hoạch các điểm chăn nuôi tập trung để thu hút các dự án có quy mô lớn vào đầu tư. Đồng thời tiếp tục có chính sách tác động phát triển chăn nuôi gà chất lượng cao, hình thành được vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện: Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Thủy, Yên Lập, Hạ Hòa. Ngoài ra, tỉnh còn mở rộng nuôi gà hướng trứng, thịt theo quy trình sản xuất công nghệ cao; chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn, gà nhiều cựa quy mô hộ gắn với thị trường Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, hình thành các chuỗi cung ứng bền vững từ khâu giống, thức ăn, chăn nuôi đến khâu tiêu thụ trên thị trường và hướng đến xuất khẩu.
2.2.2.3. Thành phố Hà Nội
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, hiện nay Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm ở tốp đứng đầu cả nước với tổng đàn gia cầm là 18.838.393 con, trong đó gà 13.608.449 con, vịt, ngan, ngỗng 5.229.944 con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất 380-390 ngàn tấn/ năm đáp ứng 60-65% nhu cầu của nhân dân Thành phố.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, gắn kết chặt chẽ các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành cơ chế, chính
sách khuyến khích xây dựng các chuỗi cung ứng; theo đó chuỗi liên kết trứng gà sạch mang thương hiệu “Tiên Viên” của anh Đặng Đình Tiên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) được xây dựng thành công là một điển hình. Khởi sự từ năm 2010 là chương trình chăn nuôi theo mô hình VAC, sau 2 năm thực hiện, đã xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín, thiết bị chăn nuôi hiện đại. Quy mô chăn nuôi hàng năm là trên 45 ngàn con gà, hàng ngày cung cấp ra thị trường trên 20.000 quả trứng. Từ trang trại được mở rộng quy mô, tiêu thụ sản phẩm, đã thành lập công ty để hoạt động và thu hút trang trại xung quanh trên địa bàn. Đến nay công ty đã liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ chăn nuôi tại địa phương hàng ngày tiêu thụ khoảng 30.000 quả trứng. Công ty đã mở 4 kênh tiêu thụ chính. Điều quan trọng hơn là bước đầu đã hình thành chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm khép kín, các hộ trong chuỗi đều cam kết chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, đảm bảo sản phẩm đến người tiêu dùng đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 2013, Hà Nội tiếp tục triển khai 8 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm về gia súc gia cầm mang tính đặc thù từng vùng miền (vật nuôi bản địa) gồm: gà đồi Ba Vì; gà đồi Sóc Sơn; vịt cỏ Vân Đình; trứng vịt Liên Châu; vịt Đại Xuyên; gà Mía Sơn Tây; thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; thịt bò Hà Nội. Trong đó có thể kể đến chuỗi liên kết thành công nhất đó là Gà mía Ba Vì. Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì được thành lập với 48 hội viên thuộc 2 xã là Cẩm Lĩnh và Thụy An huyện Ba Vì.
Năm 2015 tuy còn gặp nhiều khó khăn song với sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là sự tư vấn, hướng dẫn của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Ba Vì nên hoạt động của Hội rất hiệu quả. Với tổng sản lượng sản xuất ra trong năm 2015 đạt 180.000 con gà thương phẩm (tương đương 280 tấn thịt hơi), trong đó 10% sản lượng được tiêu thụ qua các kênh doanh nghiệp với sản phẩm đã được giết mổ, sơ chế. Bước đầu người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Để có kết quả đó, Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đã có nhiều hoạt động tập huấn, liên kết, kết nối nhằm phát triển.
- Các hội viên của Hội đã được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức 3 lớp tập huấn với nội dung về quy trình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn
VietGap; Vai trò của nhãn hiệu đối với sản phẩm chăn nuôi; Kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, hạch toán trong chăn nuôi và tiếp cận thị trường.
- Đã kết nối với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tham gia Hội chợ nhằm giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Ba Vì.
- Đến nay, cơ bản đã hoàn tất hồ sơ gửi các đơn vị liên quan để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “gà đồi Ba Vì”.
- Trong năm, Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đã ký kết với một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp cung cấp thức ăn để đẩy mạnh hoạt động mua chung nhằm giảm giá thành sản xuất.
- Giải quyết các khâu gồm mua chung con giống từ những cơ sở sản xuất giống có chất lượng; Tổ chức hoạt động mua chung thức ăn, thuốc thú y nhằm giảm giá thành sản xuất; Các hội viên chăn nuôi theo 1 quy trình chung giảm tạo ra sản phẩm đồng đều, quản lý được chất lượng sản phẩm.
- Tiếp tục đề xuất với các đơn vị liên quan tăng tường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hội viên.
- Xây dựng các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện an toàn dịch bệnh; Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm gà đồi Ba Vì.
Năm 2015, sản phẩm gà đồi Ba Vì được chọn là sản phẩm nằm trong chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trước khi đạt được những thành công này, gà mía Ba Vì cũng đã phải trải qua thời kì khó khăn vì gà đồi Yên Thế đã thâm nhập vào nội đô với số lượng ngày càng lớn. Sở dĩ gà đồi Ba Vì thua ngay trên sân nhà là do người chăn nuôi gà đồi vẫn hoạt động mang tính tự phát; quy mô nhỏ lẻ và manh mún dẫn đến chất lượng không đồng đều. Mặt khác, cả huyện chưa có mô hình chuỗi liên kết từ khâu ấp nở đến chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khi gà đồi Ba Vì chưa được gắn nhãn hiệu riêng thì rất khó có thể đầu tư mở rộng chăn nuôi, quản lý quy trình chăm sóc và được thị trường đón nhận.
Nhận thấy những điều kiện tự nhiên chưa được khai thác xứng tầm, tháng 4/2013, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Ba Vì thực nghiệm mô hình phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi tại 2 xã Thuỵ An và Cẩm Lĩnh. Đến tháng 6/2013, Cẩm Lĩnh thành lập Chi hội chăn nuôi gà thả vườn với 61 hội viên tham gia. UBND huyện Ba Vì cũng đã lập Ban
chỉ đạo phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Nhiều hộ nuôi chăn nuôi quy mô lớn từ 2.000 - 3.000 con như ông Phùng Văn Thoả, Nguyễn Văn Cẩm, Phùng Thế Đoàn, Phùng Viết Thuỷ… Từ việc tập trung chăn nuôi, trên địa bàn xã đã hình thành 11 cơ ở ấp nở trứng gia cầm, đảm bảo cung cấp nguồn giống dồi dào.
Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình chăn nuôi khép kín từ khâu tạo giống, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì còn muôn vàn khó khăn. Từ khi bắt đầu thành lập Chi hội Chăn nuôi gà đồi Cẩm Lĩnh, toàn xã có đến vài trăm hộ muốn đăng ký hội viên. Nhưng rà đi, soát lại mới chọn được ra 61 hộ. Còn lại là những thành phần chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Họ rất muốn phát triển số lượng đàn gà, nhưng phải nỗi thiếu vốn đầu tư. Thời gian sinh trưởng từ khi gà nở đến xuất bán kéo dài 6 tháng. Trung bình trọng lượng mỗi con gà nặng 2 kg, bán được 200.000 đồng thì người nuôi phải bỏ ra ít nhất 160.000 đồng chi phí (chưa tính lãi suất). Nếu muốn nuôi với số lượng lớn khoảng 1.000 con thì người nuôi phải có trong tay ít nhất 160 triệu đồng. Số tiền ấy quá lớn, trong khi mỗi hộ chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi”, ông Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, người dân chủ yếu nuôi theo thời vụ. Theo kinh nghiệm thì cứ khoảng tháng 7 âm lịch giá gà giống rất sốt, bởi các hộ tập trung nuôi bán dịp Tết. Những thời điểm khác số lượng đàn gà giảm hẳn. Nguyên do cũng bởi gà đồi Ba Vì chưa được công nhận thương hiệu, nhãn hiệu. Các siêu thị lớn như BigC chưa chú ý tới. Để gà mọc đều lông ở phần bụng thì cần phải làm sàn bằng sào tre cho gà nằm ngủ, tránh tình trạng gà nằm bệt xuống đất. Đặc biệt, cần phải mài mỏ 2 lần để gà trong đàn không mổ lông, cắn đuôi nhau. Cách 3 - 5 ngày phải quải thuốc sát trùng vệ sinh chuồng trại. Vườn thả gà phải trồng cây bóng mát, khô thoáng.
Thực tế cho thấy, gà đồi là vật nuôi ít có sự biến động về giá cả. Bởi thế, trong thời kỳ thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay, trong khi các chủ trại gà công nghiệp, lợn… đang điêu đứng, thì người nuôi gà đồi vẫn có thu nhập cao, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho nông dân. Để phát triển mô hình gà thả vườn, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã hỗ trợ 30.000 con giống là giống gà ta lai Mía. Các thành viên còn được tham quan học tập các mô hình nuôi gà thả vườn đã thành công trong và ngoài thành phố. Đồng thời, trung tâm cũng cam kết giới thiệu các DN hợp tác SX, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Tóm lại, trên thế giới và trong nước đã có nhiều mô hình về chuỗi cung ứng cũng như các công trình nghiên cứu về vấn đề phát triển chăn nuôi gia cầm, bao gồm cả các nghiên cứu kỹ thuật, các nghiên cứu về thị trường và nghiên cứu các thể chế, chính sách. Từ khi dịch cúm gia cầm xuất hiện và lan rộng ra tất cả các châu lục trên thế giới thì các nghiên cứu về phát triển chăn nuôi gia cầm được cộng đồng thế giới quan tâm. Đặc biệt là các chuỗi cung ứng sản phẩm gia cầm an toàn đã xây dựng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cho các tác nhân tham gia.