Nội dung các giải pháp giảm nghèo cho các hộ dân tộc thiểu số

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp giảm nghèo cho các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện yên thế, tỉnh bắc giang (Trang 26 - 31)

Phẩn 1 Mở đầu

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.3. Nội dung các giải pháp giảm nghèo cho các hộ dân tộc thiểu số

Như chúng ta đã biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói chính vì vậy có rất nhiều giải pháp khác nhau để giảm nghèo. Tùy thuộc vào mỗi vùng mỗi địa phương giải pháp giảm nghèo là khác nhau do nguyên nhân dẫn đến nghèo đói là khác nhau. Mặc dù, mỗi giải pháp được các địa phương, các vùng được diễn đạt một cách khác nhau.Từ những nghiên cứu và thực tiễn chúng ta có

thể khái quát những giải pháp giảm nghèo cho các hộ DTTS như sau: (1)Phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; (2) Phát triển hạ tầng và các dịch vụ công; (3) Đào tạo nghề giải quyết việc làm; (4) Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo; (5) Phát huy vai trò của chính quyền địa phương; (6) Các giải pháp giảm nghèo thông qua cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất và các hoạt động kinh tế hộ; (7) Giải pháp giảm nghèo thông quan trợ giúp người nghèo các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, nhà ở…); (8) Nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, quần chúng; (9) Lồng ghép các hoạt động giảm nghèo với chương trình khác trên địa phương; (10) Nhân rộng những mô hình giảm nghèo thành công.

2.1.3.1. Giải pháp phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa

Giải pháp phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa là đưa ra các kế hoạch, sáng kiến để đẩy mạnh phát triển và tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển dịch nền sản xuất nhiều ngành, manh mún, giá trị thấp, sang nền sản xuất chuyên ngành, có sản lượng lớn, giá trị cao đáp ứng được các chỉ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm (Vũ Thị Kim Mão, 2007).

Ở nhiều địa phương để chuyển đổi cơ cấu theo hướng chuyển dịch sản xuất hàng hóa các địa phương thường thực hiện chuyên canh, thâm canh sâu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất lao động, tạo ra hàng hóa có khối lượng lớn và có chất lượng cao để bán cũng như xuất khẩu.

Bên cạnh đó công tác liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) cũng được các địa phương áp dụng hoặc mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cũng được nhiều địa phương áp dụng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các giải pháp này trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, chủ yếu là mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên tham gia dẫn đến tình trạng không tuân thủ những điều khoản trong hợp đồng và phá vỡ hợp đồng sảy ra rất phổ biến.

Thời gian gần đây, một số địa phương áp dụng mô hình hợp tác sản xuất ở đây nông dân góp đất, tư liệu sản xuất được góp bằng tiền coi như tư vốn cổ phần đầu tiên. Những mô hình này mang lại hiệu quả cho giải pháp chuyển đổi cơ cấu

kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

Những năm qua nhờ những giải pháp ở một số địa phương đặc biệt khó khăn đã có sự chuyển biến tích cực về mặt kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày một được cải thiện. Địa phương có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư và có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo. Nhờ có nhiều nguồn lực hơn để thực hiện các chính sách ưu đãi phát triển kinh tế cho người nghèo đã tiếp cận được tốt hơn các nguồn lực phát triển. Đời sống của hộ được nâng cao, giảm bất bình đẳng và khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo.

2.1.3.2. Giải pháp giảm nghèo thông qua phát triển hạ tầng và các dịch vụ công

Bên cạnh giải pháp phát triển kinh tế của địa phương thông qua chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa để giảm nghèo thì giải pháp giảm nghèo thông qua phát triển hạ tầng và các dịch vụ công cũng vô cùng quan trọng. Sự phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố để phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhất là các địa phương còn có điều kiện khó khăn. Ngoài địa phương Nhà nước cũng có rất nhiều hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn để thoát nghèo. Nhờ tổ chức thực hiện hiệu quả nguồn vốn được đầu tư nên kết cấu hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới được cải thiện, trình độ sản xuất của người dân từng bước được nâng lên, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

2.1.3.3. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Những chính sách đào tạo nghề tập huấn khoa học kỹ thuật không chỉ giúp người nghèo nâng cao trình độ, năng lực giúp người nghèo sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao được giá trị sản xuất. Tỉnh đã có hàng ngàn lao động được đào tạo ở các doanh nghiệp và ở một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Công tác giải quyết việc làm của tỉnh được chú trọng bằng nhiều giải pháp thiết thực như đào tạo nghề gắn với việc làm, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, pháy triển ngành nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mở trung tâm giao dịch việc làm của tỉnh để tạo môi trường kết nối cung cầu lao động, giải quyết nhiều việc làm mới cho lao động ổn định đời sống nhân dân. Bằng giải pháp này công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh đến nay đã xóa được hàng ngàn hộ nghèo theo hướng bền vững… (Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bắc Giang, 2017).

2.1.3.4. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo

Muốn xóa đói giảm nghèo cần phải chỉ được ra ai là người nghèo? Lý do tại sao họ nghèo? Những vấn đề này chỉ cán bộ cơ sở (xã, phường) là những người nắm rõ vấn đề này hơn ai hết. Bởi vậy cần phản trang bị cho cán bộ cơ sở những kỹ năng cơ bản để họ vận dụng thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở nắm rõ hơn về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; kiến thức trong việc tổ chức triển khai cũng như các hoạt động hỗ trợ người nghèo để phát triển kinh tế nhằm đem lại cho người nghèo thu nhập và nâng cao đời sống để họ thoát nghèo. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách thỏa đáng về chế độ đãi ngộ, khuyến khích và thu hút những người tri thức trẻ về tham gia vào các tổ công tác xóa đói giảm nghèo ở các địa phương nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn. Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở: tổ chức tập huấn, đào tạo về xây dựng, quản lý công trình, dự án; kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch; tiếp cận chính sách và các chương trình có liên quan đến giảm nghèo (Nguyễn Đình Chính và cs., 2009).

2.1.3.5. Các giải pháp giảm nghèo thông qua cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất và các hoạt động kinh tế hộ

Khó khăn nhất đối với người nghèo là thiếu vốn sản xuất. Người nghèo muốn pháp triển sản xuất để nâng cao thu nhập nhưng họ không có vốn nên mãi luẩn quẩn trong vòng nghèo đói. Đối với người nghèo, để họ có thể vay vốn ngân hàng là hết sức khó khăn do họ không có tài sản thế chấp, nhất là đối với các hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Khi người nghèo tiếp cận được nguồn vốn họ sẽ gặp khó khăn trong đầu tư, mua sắm vật tư phục vụ sản xuất nông nghiêp hoặc đầu tư vào các hoạt động phi nông nghiệp. Chính vì vậy giải pháp giảm nghèo thông quan cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất và các hoạt động kinh tế hộ là một trong giải quan trọng nhất để các hộ nghèo có thể giảm nghèo hướng tới thoát nghèo bền vững.

2.1.3.6. Trợ giúp người nghèo DTTS thông qua các dịch vụ xã hội

Đây là giải pháp liên quan đến cung cấp đầy đủ các dịch vụ xã hội, đặc biệt là giáo dục tiểu học, y tế cơ sở, kế hoạch hóa gia đình và dinh dưỡng là yếu tố then chốt của chiến lược giảm nghèo. Người nghèo có rất nhiều hạn chế như không biêt chữ hay biết nhưng rất ít, thiếu kỹ năng sống, sức khỏe yếu. Đặc trưng của ngươi nghèo là khó tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội như y tế; giáo

dục hay vệ sinh môi trường. Đảng và nhà nước ta có rất nhiều chính sách cũng như chương trình để hỗ trợ người nghèo thông qua trọ giúp các dịch vụ xã hội như cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo (theo quy định tại điểm h khoản 3 và điểm a khoản 4 điều 12 luật bảo hiểm y tế sửa đổi và bổ xung năm 2014). Ngoài chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với các học sinh thuộc các xã đặc biệt khó khăn còn được miễn 100% học phí đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo theo quy định của chính phủ (nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối cới các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chinh sách miễn giảm học phí, chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đếm năm học 2020 – 2021).

2.1.3.7. Nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, quần chúng

Tổ chức đoàn thể, quần chúng có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Các tổ chức đoàn thể, quàn chúng: Hội nông dân; Hội cựu chiến binh; Mặt trận tổ quốc; Đoàn thanh niên… là những tổ chức mà người nghèo là những thành viên, hội viên của hội. Một trong những mục tiêu hoạt động của những tổ chức đoàn thể, quần chúng là giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần cho các hội viên. Vì vậy, để đảm bảo thoát nghèo bền vững cần có sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Để làm được vấn đề này chúng ta cần nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể, quần chúng bằng các giải pháp như đẩy mạnh phát huy tinh thần đoàn kết trong hội; chia sẻ và tổ chức tập huấn những mô hình phát triển kinh tế thành công của các thành viên trong hội. Tuyên truyền cho các hội viên, thành viên các chính sách, chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo để các hội viên, thành viên có thể hiểu được và thực hiện hiệu quả được các chính sách, các chương trình của Nhà nước cũng như của địa phương mình.

2.1.3.8. Lồng ghép các hoạt động giảm nghèo với các chương trình khác ở địa phương

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để địa phương nói chung và các xã đặc biệt khó khăn nói riêng có thể huy động được tối đa nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm nghèo thành công nhất. Tuy Nhà nước có nhiều chương trình có đói giảm nghèo và các chương trình riêng đặc thù để, hỗ trợ phát triển kinh tế cho các vùng, các địa phương. Tuy nhiên, các chương trình này chưa được lồng ghép với nhau để tập trung được nguồn vốn để phát triển kinh tế cũng như xóa đói giảm nghèo. Có nhiều lý do các chương trình này khó lồng ghép với nhau như các thức thực hiện và các thức thanh toán khác nhau, các chương trình

lồng ghéo chưa phân rõ được đâu là nguồn vốn của mình trong hạng mục nào. Chính vì vậy vấn đề lồng ghép các chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình khác mới chỉ nằm ở trên đường hướng chỉ đạo và giấy tờ.

2.1.3.9. Nhân rộng những mô hình giảm nghèo thành công

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo được coi là một trong những giải pháp chiến lược để thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Khi vốn đầu tư và hỗ trợ cho chương trình xóa đói giảm nghèo đang dần hạn chế thì đây là giải pháp mang tính hiệu quả cao và dễ dàng triển khai ở các địa phương. Từ việc xây dựng các mô hình giảm nghèo thành công ở các địa phương như các mô hình sản xuất, mô hình chăn nuôi… từ đó lấy các mô hình đó để nhân rộng phát triển ở địa phương mình. Từ các mô hình phát triển kinh tế thành công để xóa đói giảm nghèo trên địa phương mình người dân chia sẻ kinh nghiệm cho nhau từ các thức thực hiện đến những khó khăn gặp phải và các giải quyết khó khăn từ đó mà các mô hình được nhân rộng ở địa phương và góp phầng không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp giảm nghèo cho các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện yên thế, tỉnh bắc giang (Trang 26 - 31)