Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường chuyển giao công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 34 - 40)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2.1.Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

2.2. Cơ sở thực tiễn về chuyển giao công nghệ cơ giới hoá đồng bộ trong sản

2.2.1.Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Thực tiễn cho thấy, CGHNN đã được tiến hành từ những thập niên 30 của thế kỷ XX ở hầu hết các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Tại một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được thực hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX. Đến nay, cơ giới hoá nông nghiệp ở những quốc gia này đã đạt đến trình độ cao, với mức độ tự động hóa cao, áp dụng đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất. Nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi giới thiệu tổng quan về thực trạng áp dụng, chuyển giao cơ giới hoá đồng bộ tại một số quốc gia có điều kiện sản xuất nông nghiệp tương đồng với Việt Nam, bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

2.2.1.1. Cơ giới hoá đồng bộ ở Hàn Quốc

Vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc là một nước nghèo, GDP bình quân đầu người chỉ có 85 USD, không đủ lương thực và phần lớn người dân không đủ ăn. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tình trạng hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra. Nhưng nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng, trở thành một trong 4 con rồng ở Châu Á. Mặc dù Hàn Quốc tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp muộn, nhưng tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp phát triển khá nhanh. Quá trình cơ giới hoá nông nghiệp Hàn Quốc có thể chia làm 3 thời kỳ: Từ 1960 đến 1970 là thời kỳ khởi đầu, chủ yếu cơ giới hoá khâu làm đất. Từ 1971 đến 1980 là thời kỳ mở rộng cơ giới hoá các khâu thông dụng, phát triển các máy kéo tay, máy bơm nước, máy đập lúa. Từ 1981 đến nay là thời kỳ phát triển cơ giới hoá đồng bộ các khâu, ngoài cơ giới hoá sản xuất lúa, còn cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi, làm vườn…

Trước năm 1960, sản xuất nông nghiệp Hàn Quốc chủ yếu dựa vào sức người và sức súc vật. Vào những năm 1970 và 1980, phong trào di dân tự do từ

nông thôn ra thành thị đã gây ra tình trạng thiếu lao động nông nghiệp một cách nghiêm trọng, tiền công lao động ở nông thôn tăng lên rất cao. Những thay đổi này đòi hỏi phải ứng dụng máy móc thay cho lao động thủ công, nhất là vào thời vụ khẩn trương. Đầu những năm 1970, máy kéo tay và các thiết bị kèm theo được nông dân tiếp thu. Cuối những năm 1970 máy cấy, máy gặt đập liên hợp được phổ biến. Trong những năm 80 của thế kỷ 20, đã có khoảng 30% công việc sản xuất lúa được làm bằng cơ giới. Đến những năm 90, hầu như toàn bộ công việc canh tác lúa đã được cơ giới hoá. Theo thống kê đến năm 2006, cơ giới hóa khâu làm đất 99%, cấy 98%, phun thuốc bảo vệ thực vật 100%, thu hoạch 99%, sấy 53%. So với các nước tiên tiến khác, Hàn Quốc là nước bắt đầu cơ giới hoá nông nghiệp muộn, nhưng đã có những bước phát triển nhanh chóng và vững chắc. Sở dĩ như vậy là do Chính phủ Hàn Quốc đã hoạch định được chiến lược đúng đắn và có những chính sách phù hợp.

Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đến công tác nghiên cứu. Năm 1962, Viện Cơ điện nông nghiệp và Sử dụng được thành lập trực thuộc Cục quản lý Phát triển nông thôn (RDA) để tiến hành nghiên cứu tổng thể phát triển và cải tiến máy móc nông nghiệp, cơ giới hóa các công việc sau thu hoạch và sử dụng máy móc. Ngoài ra còn có sự tham gia nghiên cứu của 17 trường Đại học và nhiều cơ quan nghiên cứu thuộc các doanh nghiệp. Sự đóng góp của các cơ quan nghiên cứu vào sự nghiệp cơ giới hoá nông nghiệp Hàn Quốc là rất to lớn.

Nhờ ứng dụng công nghệ cơ giới hóa gieo cấy và sử dụng có hiệu quả các máy gặt đập liên hợp mà chi phí lao động giảm từ 297h/ha trong năm 2001 xuống còn 180h/ha trong năm 2010. Áp dụng các biện pháp sản xuất lúa chất lượng cao với chi phí thấp đã đem lại kết quả là sản xuất lúa chất lượng cao tăng từ 50% năm 2002 lên 80% vào năm 2005. Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học giảm 30% trong năm 2004.

Cơ giới hoá đồng bộ ở Hàn Quốc đã được tiến hành từ những năm đầu của thập niên 70, thế kỷ XX với việc áp dụng những loại máy kéo nhỏ 2 bánh được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1980, ngành nông nghiệp Hàn Quốc bắt đầu sử dụng máy gặt đập liên hợp và máy sấy, và đến đầu những năm 90 đã phát triển cơ giới hóa một cách đồng bộ. Cơ giới hoá đồng bộ ở Hàn Quốc chủ yếu được áp dụng trong các trang trại nông nghiệp, trong đó hoạt động sản xuất lúa được cơ giới hóa hoàn toàn, mang tính đồng bộ cao.

Hàn Quốc là nước đầu tiên ở Châu Á đề ra chiến lược tổng thể về cơ giới hoá nông nghiệp theo hệ cơ khí nhỏ là chủ yếu và đã thực hiện thành công. Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, khuyến khích lập các tổ cơ giới hoá của nông dân, cho vay 60% và trợ cấp 40% tiền mua máy, thời hạn cho vay là 5 năm, lãi suất 6%/năm. Kể từ khi bắt đầu triển khai chính sách phát triển cơ giới hoá nông nghiệp, Hàn Quốc đã tiến hành liên doanh với nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản để chế tạo động cơ và máy kéo nhỏ rồi tiến lên tự sản xuất ở trong nước, phần lớn là các máy móc chủ yếu cho nông nghiệp.

Về ngành công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp, Hàn Quốc đã thành công nhờ có chính sách, chiến lược và bước đi đúng đắn. Đó là việc thực hiện liên doanh chế tạo trong một thời gian với các nước Mỹ, Italia, Nhật Bản. Cho đến cuối những năm 1970 đã chế tạo được trong nước 100% các loại máy đơn giản như: máy kéo tay, máy bơm nước, bơm thuốc trừ sâu, tuốt đập, xay xát và chấm dứt liên doanh. Các máy phức tạp còn lại như máy kéo 4 bánh, máy gặt đập liên hợp, máy đóng kiện thì đến năm 1986 công nghiệp trong nước cũng chế tạo được hoàn toàn. Các máy nông nghiệp do Hàn Quốc chế tạo chẳng những đáp ứng được yêu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước (Nguyễn Việt Anh, 2016).

Trong điều kiện đất đai canh tác ít, giá công lao động cao, sản xuất nông nghiệp Hàn Quốc từ những năm 90 có xu hướng chuyển sang công nghệ nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất trong nhà kính với thiết bị điện tử tự động hóa. Số nhà kính sản xuất nông nghiệp đã tăng từ 13.700 chiếc (năm 1992) lên 33.800 chiếc (năm 1994). Trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, cơ sở hạ tầng nông thôn Hàn Quốc được phát triển theo hướng đô thị hóa. Các công trình thủy lợi được xây dựng, đồng ruộng được cải tạo, mương máng tưới tiêu nước được bê tông hóa, mạng lưới đường giao thông rải nhựa nối liền từ các thành phố lớn đến các thị trấn và làng xã (Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam, 2015).

2.2.1.2. Cơ giới hoá đồng bộ tại Trung Quốc

Cơ chế quản lý nông nghiệp Việt Nam và Trung Quốc (TQ) có nhiều điểm tương đồng: Đã cùng trải qua một thời kỳ quản lý theo kiểu tập trung, bao cấp kéo dài; đã thực hiện chính sách cải cách, đổi mới, mở cửa; hiện dựa trên cơ sở kinh tế hộ nông dân tự chủ làm nền tảng; phần lớn kinh tế hộ còn ở quy mô nhỏ, năng lực kinh tế còn nhiều hạn chế. TQ cải cách sớm hơn Việt Nam 10 năm và đang có bước phát triển khá mạnh (Nguyễn Việt Anh, 2016).

Khó khăn lớn nhất của nông dân TQ là thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, trong đó có kiến thức về cơ giới hoá nông nghiệp. Để giải quyết những khó khăn này, chính phủ TQ đã có những chính sách tương ứng. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vĩ mô.

Trung Quốc luôn coi nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế quốc dân và cơ giới hóa đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2008, tổng động lực máy nông nghiệp ở Trung Quốc đạt 822 triệu KW, tăng 6,5% so với năm 2007. Trong đó có hơn 3 triệu máy kéo cỡ lớn và cỡ trung, 17 triệu máy kéo cỡ nhỏ, 13 triệu xe vận tải dùng trong nông nghiệp, 734.000 máy gặt đập liên hợp và một lượng lớn máy cày, bừa, gieo và bảo vệ lúa. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là 45,85% (trong đó cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 51,2%) (Nguyễn Việt Anh, 2016).

Trung Quốc luôn coi nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, trong đó cơ giới hóa đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp. Chính vì thế, cơ giơi hoá nông nghiệp đã sớm được Chính phủ Trung Quốc chú trọng và thực sự phát triển mạnh từ năm 1980. Trung Quốc đã đưa mục tiêu cơ giới hoá nông nghiệp vào 5 nhiệm vụ quan trọng nhất của cả nước trong giai đoạn 2004 – 2008. Năm 2004, đã ban hành Luật “khuyến khích cơ giới hoá nông nghiệp”. Trong năm 2004, Trung Quốc đã chi 5 tỷ USD để hỗ trợ cho việc trang bị máy nông nghiệp trong 66 huyện của 16 tỉnh.

Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư 13 tỷ NDT để hỗ trợ nông dân mua máy. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường về máy nông nghiệp cỡ trung và cỡ lớn tăng nhanh nên các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp nổi tiếng trên thế giới đã đặt văn phòng đại diện tại Trung Quốc như Công ty Tongyang của Hàn Quốc, hãng Kubota và Yanmar của Nhật Bản..v.v.

2.2.1.3. Cơ giới hoá đồng bộ tại Đài Loan

Đài Loan đã bắt đầu triển khai thực hiện chính sách phát triển cơ giới hóa vào những năm 70, cụ thể: từ năm 1970 – 1983, cơ giới hóa cấy lúa và sấy nông sản được áp dụng một cách đồng bộ và toàn diện. Đặc biệt trong giai đoạn này phát triển mạnh các trung tâm sản xuất mạ non và sử dụng máy cấy trong cả nước, đến năm 1986 đã có 1.445 trung tâm, mỗi trung tâm phục vụ từ 200 – 400 ha gieo trồng. Các trung tâm này kết hợp với hơn 600 trạm máy kéo và máy nông nghiệp để hoàn thành toàn bộ các khâu sản xuất trên đồng theo hình thức hợp

đồng dịch vụ với nông dân. Từ năm 1984 đến nay: Cơ giới hóa đã phát triển đồng bộ, ngoài lúa, cơ giới hóa cây mía, cũng được phát triển. Đến năm 1995 cơ bản hoàn thành CGHNN, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu đạt 95% (Phạm Thị Thanh Bình, 2013).

Ðể khắc phục khó khăn cho các nông hộ nhỏ thiếu vốn, Chính phủ đã có trợ cấp tín dụng để mua sắm máy móc, đặc biệt là hỗ trợ cho những nông dân trẻ tuổi đầu tư mua sắm máy nông nghiệp để làm dịch vụ cơ giới.

Những yếu tố tạo nên sự thần kỳ của nền kinh tế Đài Loan là đầu tư phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm cơ sở phát triển công nghiệp. Chiến lược công nghiệp hóa hướng ngoại, phát triển công nghiệp đều khắp giữa các vùng, chính quyền hỗ trợ hợp lý.

2.2.1.4. Cơ giới hoá đồng bộ tại Thái Lan

Thái Lan và Việt Nam có những điều kiện khá tương đồng trong phát triển nông nghiệp. Thái Lan vốn là một nuớc nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp Thái Lan trong hàng thập kỷ qua có vai trò quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân. Sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan bao gồm chủ yếu là lúa gạo, trái cây, thuỷ sản và một số sản phẩm chăn nuôi khác.

Thái Lan đã thực hiện thành công chính sách cơ giới hoá nông nghiệp, trong đó đáng chú ý là việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch như: (1) miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch; (2) giảm 5-10% số thuế phải nộp hàng năm đối với đầu tư vào các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản; (3) nâng mức lương khởi điểm của các cán bộ khoa học công nghệ trong các cơ quan nghiên cứu lên gấp 3 lần so với mức lương tối thiểu, cán bộ giảng dạy và giáo sư trong một số chuyên ngành được tiếp tục công việc của mình sau khi nghỉ hưu.

Để đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp, từ những năm 90 của thế kỷ XX, Chính phủ Thái Lan đã có chính sách miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ của nước ngoài; giảm 5% thuế thu nhập của công ty trong 5 năm sau thời kỳ được miễn thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật, Mỹ, Đức đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu gạo. Nhờ đó các dây chuyền công nghệ thiết bị

xay xát, đánh bóng gạo của Thái Lan đạt đến trình độ hiện đại; bảo đảm xuất khẩu chất lượng cao, ổn định.

2.2.1.5. Cơ giới hóa đồng bộ tại Nhật Bản

Nhật Bản là một nước phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh với trình độ cơ giới hoá thuỷ lợi hoá vào hàng bậc nhất trên thế giới hiện nay. Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, nguyên liệu và lương thực trong nước thiếu thốn trầm trọng. Do vậy trong điều kiện đất chật người đông, để phát triển nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản coi phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp là biện pháp hàng đầu. Thành lập các viện nghiên cứu của Nhà nước và của địa phương để phổ biến các tiến bộ khoa học áp dụng vào nông nghiệp cho người nông dân. Nhờ vậy, việc phát triển và mở rộng việc áp dụng các nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp song song với những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực phát triển cơ giới hoá, đầu tư và hoàn thiện những cơ sở hạ tầng. Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện để nông dân sản xuất giỏi có thể tích luỹ ruộng đất, phát triển quy mô sản xuất, trở thành nông dân chuyên nghiệp sản xuất hàng hoá lớn. Thông qua tổ chức hợp tác xã, trang bị cho họ kỹ năng sản xuất, quản lý nông hộ, năng lực tiếp thu khoa học - công nghệ và nắm bắt các yêu cầu của thị trường.

Nền nông nghiệp truyền thống của Nhật Bản, dựa trên phương pháp thâm canh và đòi hỏi nhiều lao động, đã chuyển thành một hệ thống cần nhiều vốn và chủ yếu sử dụng máy móc, những thành tựu kỹ thuật mới của nông nghiệp Nhật Bản được coi là hình mẫu cho các nước đang phát triển khác ở châu Á. Hiện nay việc canh tác hầu như được làm bằng máy, các phương pháp canh tác truyền thống nhanh chóng nhường chỗ cho các máy cày, máy ủi và nhiều loại máy móc khác.

Cùng với sự đầu tư cho công tác nghiên cứu, Chính phủ Nhật Bản còn luôn chú trọng đầu tư cho máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, năm 1971 tại Nhật Bản đã có 582.000 máy gặt, 84.000 máy gặt đập liên hợp, đến năm 1994 số máy gặt tăng lên 1.200.000 chiếc, máy gặt đập liên hợp tăng lên 1.150.000 chiếc. Việc cơ giới hóa đã giảm đáng kể chi phi sản xuất trong nông nghiệp và trong sản xuất lúa.

Hiện tại, một trong những ưu tiên về chính sách của Chính phủ Nhật Bản trong CGH nông nghiệp hướng vào việc khuyến khích và sử dụng các máy nông nghiệp an toàn với sức khoẻ con người, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh mạng lưới công nghiệp, Nhật Bản cũng rất chú trọng phát triển mạng lưới dịch vụ vốn, bảo hiểm, cung cấp vật tư kỹ thuật, máy móc cho lĩnh vực cơ giới hóa trong nông nghiệp, dịch vụ sửa chữa máy móc thiết bị, dịch vụ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường chuyển giao công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 34 - 40)