Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.3. Kinh nghiệm thực thi chính sách xóa đói giảm nghèo của một số địa phương
phương ở Việt Nam
2.2.3.1. Gia Lai
Vào thập niên 90, thế kỉ XX, kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực do thực thi công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và tiến hành công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất của Tây Nguyên với tỷ lệ nghèo chiếm khá cao (35,7%) trong đó đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có xu hướng gia tăng. Trước thực trạng đó, ngày 20/1/1995, ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết sô 09-NQ/TƯ về “ tiếp tục thực thi công cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo”. Đây là chủ trương vừa mang ý nghĩa nhân đạo vừa hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội toàn diện bền vững. Đến nay, sau hơn gần 20 năm tổ chức thực thi công cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, Gia Lai đã đạt được kết quả khả quan, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Gia Lai phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân trong 5 năm giai đoạn 2006-2010 đạt 11.55%. Đời sống vật chất người dân không ngừng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10%, các vùng sâu vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn ngày càng thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân nhất là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao. Những bài học rút ra đó là:
Một, phải thống nhất chặt chẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, thường xuyên bám sát vào chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu và biện pháp thực thi xóa đói, rõ ràng, sát thực, phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của cơ sở.
Hai, luôn sử dụng thế kiềng ba chân trong công tác xóa đói bản thân đối tượng, cộng đồng và Nhà nước. Trong đó vai trò, sức mạnh của cộng đồng và quyết tâm tự lực vươn lên thoát nghèo.
Ba, trong công tác khuyến nông, khuyến lâm phải chú ỷ mở các lớp đào tạo cho cán bộ nghèo về cách thức làm ăn, kết hợp cho vay vốn với hình thức tín dụng. Các đoàn thể chính trị xã hội, đoàn viên làm ăn khá trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo.
2.2.3.2. Điện Biên
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực thi nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và đạt kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người lao động. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đội ngũ cán bộ các cấp được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,01% năm 2010 xuống còn 28,01% năm 2016 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2016); Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2016 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Hiệu quả chỉ đạo, triển khai thực thi ở một số địa phương, cơ sở còn một số mặt hạn chế, chưa có nhiều giải pháp sáng tạo, mang tính đột phá nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững. Công tác điều tra, khảo sát xác định nhu cầu nghề cần đào tạo, việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án giảm nghèo chưa đáp ứng so với yêu cầu. Tiến độ triển khai một số chương trình, dự án còn chậm; một số dự án đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa khách quan, trung thực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững; xuất khẩu lao động đạt thấp; tỷ lệ người nghiện các chất ma túy cao; hiệu quả cai nghiện ma túy thấp, tỷ lệ tái nghiện cao. Chính sách giảm nghèo thiếu tính liên kết, thống nhất, việc ban hành và hướng dẫn một số chính sách còn chậm và bất cập; một số chính sách giảm nghèo có sự chồng chéo về đối tượng, nội dung, địa bàn; các chính sách giảm nghèo đặt mục tiêu cao, chưa gắn với nguồn lực; chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2016 chưa tính đến chỉ số lạm phát, chuẩn nghèo về thu nhập chưa phản ánh được nghèo do theo mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung trên một số mặt:
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục thực thi công tác xuất khẩu lao động; đẩy mạnh tạo việc làm tại thị trường trong nước; có chính sách hỗ trợ xe đưa lao động của tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và đưa, đón người lao động về nghỉ tết Nguyên đán hàng năm, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
Thực thi tốt các chính sách an sinh xã hội, cứu trợ kịp thời các đối tượng xã hội bị thiên tai, lũ lụt, mất mùa; thực thi chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giúp đỡ trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi, gia đình chính sách; Triển khai thực thi tốt Đề án xây dựng nông thôn mới. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể quần chúng và chính quyền; phát huy vai trò của Già làng, Trưởng bản, Người có uy tín, cá nhân tiêu biểu ở cơ sở trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa chương trình giảm nghèo của địa phương; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát.
Tăng nguồn lực đầu tư, thực thi đa dạng hóa các nguồn vốn thực thi chương trình, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và sự vận động của các cá nhân trong và ngoài tỉnh; điều chỉnh chính sách để tiết kiệm nguồn lực, giảm bớt chính sách trợ cấp cho không, chính sách hỗ trợ nhỏ lẻ tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại và tốn kém chi phí triển khai thực thi (như: chính sách hỗ trợ tiền điện, chính sách hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng…).
Thực thi chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng. Mở rộng triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo theo nguyên tắc hỗ trợ có hoàn trả hoặc cam kết đối ứng, gắn trách nhiệm, quyền lợi của người tham gia mô hình, khi tham gia mô hình người dân phải bỏ một phần vốn, công sức hoặc có nghĩa vụ hoàn trả để nhân rộng.