Đặc điểm điều kiện kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực thi chính sách giảm nghèo ở các xã thuộc chương trình 135 huyện yên minh, tỉnh hà giang (Trang 55 - 56)

Phần 3 Phương pháp nghiên cứu

3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

3.1.2. Đặc điểm điều kiện kinh tế-xã hội

Hiện nay, Yên Minh có 17 xã và 1 thị trấn, gồm: Thị trấn Yên Minh và các xã: Thắng Mố, Phú Lũng, Sủng Tráng, Bạch Đích, Na Khê, Sủng Thài, Hữu Vinh, Lao Và Chải, Mậu Duệ, Đông Minh, Mậu Long, Ngam La, Ngọc Long, Đường Thượng, Lũng Hồ, Du Tiến, Du Già.

Theo niên giám thống kê năm 2016. Dân số toàn huyện là 90.761 người, Huyện có 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 56,48%, dân tộc Dao chiếm 13,89%, dân tộc Tày chiếm 13% dân số, còn lại là các dân tộc khác có tỷ lệ dân số ít như La Chi, Pà Thẻn, Lô Lố… Các dân tộc có đời sống văn hóa, tinh thần khá phong phú, đa dạng. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt như: Hát cọi của dân tộc Tày; Hát phươn của dân tộc Nùng, Giấy; Hát giao duyên của dân tộc Mông, Dao.

Bên cạnh các nét đẹp văn hóa, trên địa bàn huyện còn có các lễ hội lớn như: Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày và lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông được tổ chức vào mùa xuân; lễ hội Làng Hai còn gọi là lễ gọi trăng của người Tày được tổ chức vào trung tuần tháng tám âm lịch hàng năm; lễ mừng thọ của dân tộc Tày, Xuồng... Người Giấy ở Yên Minh sống bằng nghề trồng lúa nước, làm nương. Hàng năm, người Giấy thường làm lễ Roóng Poọc để mở đầu việc làm ruộng. Người Giáy cũng sống trong những ngôi nhà sàn nhưng khác với những dân tộc ít người, người Giấy thường làm chuồng trại chăn nuôi cách nhà rất xa và thường làm gần nương rẫy. Ngoài nghề trồng trọt, chăn nuôi, người Giấy còn có nghề thủ công là nghề dệt và đan lát. Trang phục của người Giấy khá đơn giản, rất ít hoa văn. Nam giới dân tộc Giấy thường mặc quần dài chấm gối, ống rộng, áo xẻ nách phải, ống tay rộng, phụ nữ thường mặc áo dài qua hông, xẻ nách phải, ống tay rộng, trên cổ tay đắp miếng vải khác màu.Người Giấy có kho tàng thơ ca, tục ngữ, thành ngữ, câu đối rất phong phú. Dân ca Giấy có 3 hình thức rất phổ biến là Vươn há lản (hát bên mâm rượu), Vươn chăng hằm (hát tỏ tình) và Vươn sroỏng răn (hát tiễn đưa).

Các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện cũng là một nét văn hóa rất đặc trưng, bao gồm: Trồng bông, dệt vải thổ cẩm, đan lát đồ dùng gia đình (quẩy tấu, bung…), rèn đúc các dụng cụ sản xuất (dao, cuốc, lưỡi cày…)

Đất đai ở Yên Minh gồm 5 nhóm: Phù sa, gley, đen, xám đỏ, thích hợp cho các loại cây trồng như: Ngô, lúa, dược liệu, dưa hấu, xoài, rừng sa mộc... và chăn nuôi đại gia súc như: Bò, dê, ngựa, gà, lợn...vv.

Trong suốt chiều dài của lịch sử, Yên Minh luôn là vùng đất có truyền thống văn hoá và cách mạng. Nhân dân các dân tộc có tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ về kinh tế, sự khắc nghiệt của thiên nhiên để từng bước đi lên thoát khỏi đói nghèo, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc trong huyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực thi chính sách giảm nghèo ở các xã thuộc chương trình 135 huyện yên minh, tỉnh hà giang (Trang 55 - 56)