khu vực ngoại thành Hà Nội
Công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên khu vực ngoại thành Hà Nội đã được các cấp, các ngành chú trọng, quan tâm tiến hành đồng bộ nhiều hình thức,biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã góp phần tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thanh niên có cơ hội tự tạo việc làm và có việc làm, đáp ứng yêu cầu bức xúc về đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội. Một trong 6 mục tiêu của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt ngày 29/4/2003 là cố gắng giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên; nâng cao thu nhập cho thanh niên và gia đình trẻ. Trong đó nêu rõ chỉ tiêu cụ thể là: "Tạo thêm nhiều việc làm mới, phấn
đấu khoảng 1 - 1,1 triệu thanh niên được giải quyết việc làm mỗi năm”. Từ năm 2005 đã có Quyết định 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Theo quyết định này, mỗi nông dân bị thu hồi đất được hỗ trợ 300 nghìn đồng /người /tháng. Kinh phí trên được phân bổ về các cơ sở dạy nghề ở địa phương chứ không cấp trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, các cơ sở dạy nghề ở địa phương lại không mặm mà với việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp. Vậy là người dân mất đất cũng chẳng thể “đổi nghiệp”. Trước đây, Hà Nội cũng đã xây dựng đề án về một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Với 4 giải pháp: Thành lập quỹ hỗ trợ, ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế những hỗ trợ này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi nông dân than phiền không có việc làm, nhưng lại chỉ một số ít biết tổ chức học, chuyển nghề. Rõ ràng, trước một bối cảnh đầy thách thức mới như hiện nay thì chúng ta cần phải đánh giá lại toàn diện các giải pháp.
Bên cạnh đó, do phần lớn thanh niên ngoại thành không có tay nghề, trình độ nên sau khi bị mất đất, họ xin vào các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn đều bị trả về vì không thể đáp ứng yêu cầu công việc. Một số rất ít thanh niên được chính quyền cho tham gia vào các lớp đào tạo nghề thì xin được vào các công ty, xí nghiệp để làm công nhân nhưng chẳng làm được bao lâu vì công ty, xí nghiệp không có việc làm thường xuyên, trả lương bèo bọt, không có chế độ đãi ngộ, ưu tiên.Trước thực trạng này, thời gian qua nhiều địa phương trong vùng quy hoạch đô thị ở Hà Nội đã quyết định lập phương án liên kết với các trường dạy nghề để tạo điều kiện cho con em nông dân được theo học sau khi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Để đảm bảo cho người dân mất ruộng có việc làm, các địa phương cần thống nhất ưu tiên cho con em những hộ có ruộng bị thu hồi được hưởng chính sách đào tạo và tìm việc làm trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp và tại các khu chung cư. Ngoài
các chính sách hỗ trợ về việc làm, địa phương cũng đầu tư, mở rộng thêm các chợ thương mại để tạo môi trường kinh doanh, buôn bán cho bà con nông dân, giải quyết một phần lao động dôi dư ở địa phương.
Tại kế hoạch thực hiện Chương trình 05-Ctr/TU về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn giai đoạn 2006-2010, những hướng đi khá cụ thể cũng đã được xác định như: Triển khai các dự án vùng hoa tập trung Tây Tựu (Từ Liêm); vùng rau an toàn Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì); Đặng Xá, Văn Đức (Gia Lâm); Vân Nội, Nam Hồng (Đông Anh); Thanh Xuân (Sóc Sơn). Các vùng trũng ở một số huyện ngoại thành cũng có hướng chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản. Hình thành vùng chăn nuôi bò chất lượng cao ở Sóc Sơn, Gia Lâm... Để chuyển dịch cơ cấu lao động, Chương trình 05 - Ctr/TU cũng đã xác định việc xây dựng các trung tâm đào tạo nhân lực kết hợp giải quyết việc làm tại 4 huyện ngoại thành. Việc xây dựng các trung tâm được gắn kết với thực hiện đề án dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và xây dựng đề án chuyển đổi nghề, giải quyết lao động cho vùng bị mất đất.
Bên cạnh việc tìm hướng để hiện đại hoá cho sản xuất và cơ sở hạ tầng, một vấn đề không kém phần quan trọng đó là xác lập và thực hiện quy hoạch kiến trúc không gian nông thôn ngoại thành phù hợp với quá trình đô thị hoá, hài hoà giữa tính truyền thống và hiện đại. Giữ gìn một số làng cổ, làng nghề, khu di tích lịch sử - văn hoá, xây dựng mới làng, xã sinh thái để phát triển du lịch là thế mạnh tiềm năng và quý giá của vùng ngoại thành. Chương trình cho vay tín dụng để đi lao động nước ngoài; chương trình tín dụng để nâng cấp mở rộng cơ sở dạy nghề, mua sắm thiết bị mở rộng cơ sở; Chương trình tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp...
Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt đề án “ Phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2006-2010, định hướng 2015”, đặt ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể nhằm phát triển thị trường lao động, nâng cao trình độ lao động và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Sau gần 2 năm thực hiện, đề án đã đạt được những kết quả khả quan, hoạt động phát triển thị trường
lao động được đẩy mạnh, giải quyết việc làm cho 172.000 người (2006-2007), đạt 102% kế hoạch, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ 6,06 (2006) xuống còn 5,74% (2007). Một số định hướng, chính sách đã đi vào cuộc sống, tạo môi trường cho thị trường lao động hoạt động năng động và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các chính sách phát triển dịch vụ việc làm đã góp phần hình thành mạng lưới các trung tâm, doanh nghiệp, tổ chức liên kết, phối hợp tham gia có hiệu quả. Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm phong phú, đa dạng trên toàn thành phố đã mang lại hàng chục nghìn cơ hội việc làm cho người lao động. Riêng năm 2007, với 3 phiên giao dịch trên sàn giao dịch việc làm do Hà Nội tổ chức, đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia, trong đó gần 5.000 người đã tìm được việc làm ngay trong ngày giao dịch.
Thực hiện đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động thanh niên nông thôn khu vực ngoại thành Hà Nội giai đoạn 2010 – 2015. Đã tổ chức dạy nghề 3.764 lớp đào tạo trình độ sơ cấp cho 132.109 người, trong đó: Nghề phi nông nghiệp 2.072 lớp/72.880 người chiếm 55,2 %; Nghề nông nghiệp 1.692 lớp/ 59.229 người chiếm 44,8 %, gồm các đối tượng: Đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng 3.257 người; Bị thu hồi đất 16.612 người; Người khuyết tật 867 người; Hộ nghèo 8.647 người; Dân tộc thiểu số 5.429 người; Trong 6 năm 2010 - 2015 UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư nâng cao năng lực cho 9 cơ sở dạy nghề với tổng số kinh phí 34.500 triệu đồng (nguồn kinh phí trung ương 7.500 triệu đồng, nguồn kinh phí địa phương 27.000 triệu đồng), bao gồm: Trung tâm dạy nghề huyện Thạch Thất 2.500 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Sóc Sơn 1.500 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Thanh Trì 3.000 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Ứng Hòa 3.000 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Mê Linh 3.000 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Ba Vì 15.000 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Gia Lâm 1.000 triệu đồng; Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng 500 triệu đồng; Trường Trung cấp nghề cơ khí
I: 5.000 triệu đồng. Trong 09 cơ sở được đầu tư có 8 cơ sở đã hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động; 01 cơ sở chưa hoàn thành là Trung tâm dạy nghề huyện Ba Vì.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã quyết định một số giải pháp lớn về việc Đoàn tham gia phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết việc làm cho thanh niên. Hàng năm Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình tuyên truyền, hướng nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên, một số chương trình, mô hình điểm: Câu lạc bộ khuyến nông-lâm-ngư nghiệp của thanh niên nông thôn. Hình thức của câu lạc bộ này ra đời do sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm hỗ trợ thanh niên nông thôn (thuộc Trung ương Đoàn) với Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm và các Trung tâm khuyến nông- lâm-ngư nghiệp; phong trào thanh niên xung phong xây dựng kinh tế đảm nhận các dự án thuộc Chương trình 733 (khai thác và sử dụng bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng); mô hình thanh niên lập nghiệp ven đường Hồ Chí Minh; mô hình trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi theo Quyết định số 3554/2000/QĐ-TTg ngày 28/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các đội tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi tại 125 xã nghèo đặc biệt khó khăn.
Hoạt động của thanh niên tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, tham gia khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tạo việc làm, tổ chức các lớp học xoá mù chữ, phổ cập giáo dục, như Dự án phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh niên thiếu niên nông thôn, (gọi tắt là “Dự án Thánh Gióng”) do Trung ương Đoàn TNCS HCM xây dựng và thực hiện, trong đó có Hà Nội là thành phố được chọn thí điểm. Đó cũng là một chương trình nhằm nâng cao chất lượng cho thanh niên ngoại thành, tạo điều kiện cho họ tìm được việc làm trong khu vực phi nông nghiệp. Thành đoàn Hà Nội đã đặt ra mục tiêu của chương trình là phổ cập tin học căn bản, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về sử dụng và khai thác mạng Internet cho 100% thanh niên nông thôn; hướng dẫn thiếu nhi làm quen với máy vi tính; tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề tin học căn bản cho thanh niên; biên tập và phát hành sách danh bạ các trang web hữu ích...
Hỗ trợ hướng nghiệp, tư vấn đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên ngoại thành Hà Nội thông qua hoạt động tại các Trung tâm dạy nghề và Trung tâm
dịch vụ việc làm.Tư vấn đào tạo nghề nghiệp là một trong các nhiệm vụ của tổ chức giới thiệu việc làm, đựoc thể hiện trong Bộ Luật lao động, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm và tư vấn học nghề, kết hợp tư vấn nghề với giới thiệu việc làm cho người lao động đặc biệt là thanh niên nông thôn.
Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên nông thôn ngoại thành xuất khẩu lao động.Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để người lao động đi làm viẹc ở nước ngoài theo Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/07/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Đây là một hướng đi mới giúp TNNT ngoại thành Hà Nội có điều kiện tăng thu nhập cho gia đình và tích luỹ kinh nghiệm lao động tiên tiến ở nước ngoài. Hỗ trợ đối với thanh niên ngoại thành là bộ đội xuất ngũ.Mỗi năm khu vực ngoại thành có hàng trăm thanh niên nông thôn nhập ngũ và hàng trăm thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Việc quan tâm, hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ được Đảng và Nhà nước và các cấp chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. Đối với thanh niên trước khi xuất ngũ đã được tuyên truyền hướng nghiệp, sau khi xuất ngũ thì được miến giảm học phí, được hỗ trợ để tham gia học nghề.