2.3. Phân tích thực trạng quản lý nhà nướcvề giải quyết việc làm cho lao động nữ
2.3.4. Về xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, dự án phát triển sản xuất
Trong những năm qua Núi Thành đã có nhiều cố gắng trong phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế để giải quyết việc làm cho người lao động. Bước đầu đã định hướng được các nghành nghề phát triển, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và của huyện nói riêng.
Tính đến cuối năm 2017 toàn huyện có 224 doanh nghiệp đang hoạt động ở các thành phần kinh tế và đã GQVL cho trên 18.000 lao động đang làm việc. Ngoài ra, các hợp tác xã, trang trại, làng nghề, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, tiểu thủ công nghiệp đã GQVL cho hàng chục ngàn lao động trong huyện.
Núi Thành đã xác định một trong những giải pháp cơ bản để GQVL cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng là đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng để khuyến khích và thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau. Một trong những hướng trọng tâm được huyện xác định là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực cấp phép kinh doanh, thuế...; nâng cao năng lực, trình độ, cải thiện thái độ phục vụ của cán bộ chính quyền. Nhờ đó, các chưong trình, dự án của Trung ương, tỉnh cũng như của địa phương, của doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được triển khai một cách thuận lợi trên địa bàn; góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng.
Có thể kể ra một số chương trình, dự án thu hút nhiều lao động như: các chương trình, dự án của Trung ương triển khai trên địa bàn huyện; các chương trình xây dụng các khu công nghiệp, dịch vụ, thu hút được lao động tại địa phương có việc làm ổn định lâu dài như: Công ty ThaCo Trường Hải, các doanh nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Cụm công nghiệp Nam Chu Lai, Bắc Chu Lai...
Dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Giai đoạn 2013-2017, Chương trình mục tiêu việc làm và dạy nghề đã bố trí kinh phí thực hiện: ngân sách tỉnh:
1.204 triệu đồng, ngân sách huyện: 1.203,2 triệu đồng cho hoạt động vay vốn tạo việc làm. Nhờ thực hiện có hiệu quả, chương trình đã góp phần quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu kế hoạch về giải quyết việc làm cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng có tác động làm thay đổi nhận thức về việc làm cho chính phụ nữ.
Để tạo điều kiện cho người lao động, nhất là người dân tộc thiểu số có việc làm ổn định, huyện Núi Thành yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn phải có cơ chế, cách thức tuyển dụng phù hợp với lao động tại chỗ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Núi Thành đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, ngành, người sử dụng lao động và người lao động. Điều kiện, môi trường làm việc của người lao động ngày càng được cải thiện, số vụ tai nạn lao động ngày càng giảm, đặc biệt là những tai nạn lao động nghiêm trọng. Người lao động ngày càng được quan tâm tới sức khoẻ, được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.
Các cơ sở sản xuất ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu sản xuất các mặt hàng truyền thống có sức cạnh tranh trên thị trường như: mây tre đan, nước mắm… Các sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài huyện.
Ngoài những nghề truyền thống của địa phương, một số nghề mới du nhập đã phát triển tốt như: sản xuất viên nén bột cưa, chế biến tinh bột sắn, gạch nung, kỹ nghệ sơn… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.
Một số mô hình, trang trại như: Nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng triều, nuôi heo F1, nuôi gà thả vườn, bò sinh sản, trồng chuối …. Được duy trì và nhân rộng ở các địa phương trong toàn huyện.
2.3.5.Về công tác khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tạo việc là cho lao động nữ.
Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy cũng như chương trình qui hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện đến năm 2020; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với UBND triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần ổn
định tình hình KT-XH trên địa bàn huyện.
Hội Liên hiệp phụ nữ: Trong 5 năm qua, từ 2013 đến nay đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động về hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho lao động nữ, mở 13 lớp học nghề cho 438 lượt hội viên, giới thiệu 3.486 lao động vào làm việc tại các công ty trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó Hội còn phối hợp với chính quyền địa phương các tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp đối với lao động trong vùng dự án theo từng nhóm tuổi, nhóm lao động, nhất là nhóm tuổi từ 40 trở lên có trình độ học vấn thấp. Tín chấp cho trên 6 ngàn lượt phụ nữ vay vốn với số vốn trên 75 tỷ đồng để tạo việc làm cho lao động nữ.
Hội Nông dân: Đã mở được 12 lớp dạy nghề và chuyển giao khoa học công nghệ cho hộ nông dân, thành lập câu lạc bộ sinh vật cảnh, trồng nấm, trồng hoa, nuôi tôm.... Tín chấp cho 2.318 hộ nông dân vay vốn giải quyết việc làm với số tiền là 35 tỷ đồng.
Hội Cựu chiến binh: Đã đẩy mạnh họat động phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các mô hình kinh tế vườn, kinh tế hộ gia đình... 5 năm qua, đã hỗ trợ cho 1.450 lượt hội viên cựu chiến binh vay trên 12 tỷ đồng vốn phát triển kinh tế gia đình.
Đoàn Thanh niên : Đã đẩy mạnh họat động phát triển kinh tế thông qua các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại...5 năm qua, đã hỗ trợ cho 2.727 lượt đoàn viên vay trên 29 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên.
Hoạt động của cơ sở dạy nghề: Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đã được quan tâm hơn. Thực hiện chính sách đào tạo nghề miễn phí tại cơ sở dạy nghề tập trung cho lao động thuộc diện di dời giải tỏa, hộ nghèo khó khăn trên địa bàn huyện. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn trưa. Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tiếp nhận và đào tạo lao động phổ thông thuộc đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách gắn với giải quyết việc làm cho họ sau thời gian học nghề tại doanh nghiệp. Tổ chức việc kết nối giữa các trường và các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo địa chỉ, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, đã đào tạo được 4.649 lao động trong đó có 1.395 lao động nữ. Theo ông Nguyễn Hậu - P.Giám đốc NHCS-XH huyện
“...thông qua hoạt động ủy thác từ tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn cho vay của ngân hàng đã đến được với từng hộ dân, những thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn huyện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội,...”(PVS)