- Điều kiện tự nhiên
Tỉnh Quảng Bình nằm ở vĩ độ từ 16độ55’ đến 18độ05’Bắc và kinh độ 105độ 37’ đến 106độ 59’Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Đông giáp biển với bờ biển dài 116,04 km, phía Tây giáp nước CHDCND Lào với 201,87 km đường biên giới. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 8.065,3 km2, dân số năm 2016 có 877.702 người.
Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 159 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 16 phường, 07 thị trấn và 136 xã. Hệ thống giao thông có 4 trục dọc là đường sắt, Quốc lộ 1A; 2 nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh, các đường nhánh theo hướng Đông-Tây nối liền các xã phía Đông và phía Tây của tỉnh. Các tuyến trục giao thông ngang, dọc này nối liền các cảng biển Gianh và Nhật Lệ, Hòn La, khu kinh tế Hòn La, thành phố Đồng Hới, các thị trấn huyện lỵ gắn với hệ thống cảng biển và khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo; Quốc lộ 12A nối các trọng điểm này của tỉnh với nước bạn Lào, vùng Đông-Bắc Thái Lan, Myanma. Đặc biệt, cảng hàng không Đồng Hới đã được đưa vào khai thác năm từ 2008 đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Sự phong phú và đa dạng về địa hình là điều kiện để tỉnh phát triển kinh tế theo hướng kết hợp giữa biển và đất liền.
- Đặc điểm dân số, văn hóa- xã hội
Quảng Bình chủ yếu là người Kinh và một bộ phận dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru-Vân Kiều gồm những tộc người như: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem, v.v... sống tập trung ở hai
huyện miền núi Tuyên Hoá và Minh Hoá và một số xã miền Tây Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Dân cư Quảng Bình phân bố không đều giữa các huyện, thị xã, thành phố, trong đó 80,42% sống ở vùng nông thôn và 19,58% sống ở thành thị.
Quảng Bình là vùng đất đã từng chứng kiến quá trình khai hoang lập làng, mở nước về phương Nam của nước Đại Việt, là ranh giới giao tranh thời Trịnh-Nguyễn. Trong phong trào Cần Vương, vùng đất Quảng Bình là nơi tụ nghĩa của các tầng lớp nhân dân đứng lên chống Pháp. Hàng loạt các sỹ phu yêu nước như Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Mai Lượng, Đề Én, Đề Chít,…đã chiêu tập nghĩa quân, lập căn cứ, kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp, góp phần cùng nhân dân cả nước tạo thành phong trào chống Pháp với quy mô rộng lớn.
Quảng Bình còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, bởi sự giao thoa của các nền văn hóa cổ đại cùng những lễ hội dân gian truyền thống với những nghi lễ hết sức đa dạng, phong phú theo từng địa phương. Chính vì thế, Quảng Bình đang ôm trong lòng khối tài sản vô giá về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống DTLS-VH phong phú với nhiều giá trị to lớn về mặt sử liệu, văn hóa và giáo dục.
Bên cạnh đó, Quảng Bình là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ - như Vũng Chùa-Đảo Yến, Hòn La, đặc biệt Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với nhiều hang động đẹp, kỳ ảo… là tiềm năng to lớn cho việc phát triển nhiều loại hình văn hóa - du lịch; nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy, lễ hội Cầu Ngư ở Bảo Ninh, lễ hội Rằm Tháng ba ở Minh Hóa, lễ hội Đập trống của tộc người Ma- Coong ở xã Thượng Trạch…các lễ hội này có ý nghĩa lớn về lịch sử-văn hóa, có giá trị trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, động viên mọi người lao động sản xuất và hấp dẫn khách du lịch.
- Tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực kinh tế - xã hội
Quảng Bình có bờ biển dài 116,04 km ở phía Đông và có chung biên giới với Lào 201,87 km ở phía Tây, có cảng Hòn La, cảng Hàng không Đồng Hơi, Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 12 và tỉnh lộ 20, 16 chạy từ Đông sang Tây qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và một số cửa khẩu phụ khác nối liền với Nước CHDCND Lào.
Vùng ven biển Quảng Bình là nơi tập trung phần lớn tiềm năng du lịch của tỉnh. Ba trong số 4 khu danh thắng nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thuộc vùng ven biển: Đèo Ngang, Lý Hoà, cửa biển Nhật lệ với quần thể di tích và danh thắng của thành phố Đồng Hới. Các khu danh thắng ngoài vẻ đẹp kỳ vĩ do thiên nhiên ban phú còn có giá trị bảo tồn về kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ và lịch sử. Ven biển Quảng Bình có 9 bãi tắm và nhiều điểm nghỉ ngơi nổi tiếng như cửa Nhật Lệ-Bảo Ninh, Vũng Chùa-Đảo Yến, bãi tắm Đá Nhảy và một số bãi tắm còn ở dạng tiềm năng ở khu vực Nam Lệ Thuỷ như suối nước nóng Bang,…. Đặc biệt kề cạnh với bãi tắm Nhật Lệ có hồ nước ngọt Bàu Tró cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn về cảnh quan và di tích lịch sử. Những điểm và quần thể du lịch ven biển càng được phát huy tác dụng khi đặt trong tổng thể du lịch Quảng Bình gắn với việc khai thác tiềm năng du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bên cạnh đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhân dân Quảng Bình luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương. Trong đó, có nền kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế từng bước được nâng lên; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện rõ rệt; các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác xoá đói
giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội đạt kết quả khá; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững...