tích lịch sử - văn hóa
- Việc phân cấp quản lý DTLS-VH là một chủ trương đúng đắn nhằm phát huy trách nhiệm của các cấp chính quyền và tranh thủ sự ủng hộ, hưởng ứng của toàn xã hội. Vì thế, cần phải thực hiện tốt việc phân cấp quản lý cho các địa phương theo một lộ trình với những tiêu chí, điều kiện cụ thể cho việc phân cấp đi đôi với quy hoạch, đào tạo cán bộ.
Việc phân cấp phải được tiến hành từng bước, thận trọng và có lộ trình để rút kinh nghiệm những vấn đề còn hạn chế. Cụ thể: Cấp tỉnh tập trung quản lý một số di tích có giá trị khoa học và lịch sử lớn mang tầm quốc gia và khu vực như: cụm di tích thuộc đường Hồ Chí Minh, di tích khảo cổ Bàu Tró, Chùa Hoàng Phúc, danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng...; Cấp huyện quản lý các di tích quốc gia còn lại và các di tích được xếp hạng cấp tỉnh; Cấp xã quản lý các di tích cấp tỉnh như đình, chùa, miếu, di tích tín ngưỡng, tôn giáo thuộc địa bàn cơ sở mình. Đồng thời, bàn giao đầy đủ các hồ sơ có liên quan đến di tích để cơ sở làm căn cứ, tạo điều kiện cho các địa phương quản lý sau khi nhận bàn giao. Đảm bảo sau khi phân cấp, trách nhiệm quản lý, tu bổ và phát huy giá trị của di tích đạt hiệu quả tốt hơn, đồng bộ hơn.
Đối với các di tích thuộc sở hữu của cá nhân, dòng họ thì không thể phân cấp quản lý toàn diện mà thực hiện phân cấp có mức độ. Vì thế, chỉ phân cấp trách nhiệm bảo vệ, trông coi di tích, ngăn chặn các hành vi vi phạm di tích, còn các nhiệm vụ khác như tiến hành các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và khai thác di tích được giao cho Ban quản lý di tích tỉnh hoặc chính quyền cấp huyện, xã thực hiện.
- Quản lý hoạt động trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Tu bổ DTLS-VH không chỉ là khôi phục một công trình kiến trúc cổ
truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ. Tu bổ di tích có nhiệm vụ bảo vệ và gia cường về mặt kỹ thuật để cho DTLS-VH luôn được giữ trong trạng thái bảo quản ổn định mà không làm thay đổi hình dáng lịch sử vốn có của nó. Vì thế, quá trình thi công tu bổ, tôn tạo DTLS-VH cần tuân thủ các nguyên tắc khoa học, đảm bảo tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích. Đồng thời, phải đảm bảo làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của điều kiện khí hậu và thời gian.
Để thực hiện tốt nội dung trên, cần nghiên cứu liên ngành để có sự hiểu biết cặn kẽ di tích về các mặt: Giá trị, tình trạng bảo quản, hoàn cảnh lịch sử và đặc thù văn hoá ở địa phương nơi có di tích dự kiến được tu bổ. Trên cơ sở trao đổi, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, các ngành khoa học có liên quan để có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất. Mặt khác, chỉ tiến hành tu bổ, phục hồi di tích khi có cơ sở cứ liệu khoa học chính xác như tài liệu viết, ảnh chụp, bản dập v.v... Đảm bảo phần mới phục hồi phải phù hợp và tạo thành một khối thống nhất với phần nguyên gốc còn lại với mục đích tăng cường độ bền vững của di tích. Tránh phục hồi và tái tạo lại toàn bộ hay từng phần di tích đã bị mất đi, bị làm sai lệch hay biến đổi hình dáng. Trong quá trình tu bổ di tích phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích.
Đồng thời, quản lý các nguồn thu xã hội hóa đảm bảo sử dụng hiệu quả để tái đầu tư, tôn tạo di tích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, sai phạm trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Chú trọng việc bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ nhằm kiểm tra về mặt kỹ thuật, phát hiện, ngăn chặn hoặc loại trừ nguyên nhân gây hại cho di tích.