Quan điểm về bảo tồn DSVH của Đảng có vai trò rất quan trọng tạo tiền đề cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách và ban hành các quyết định liên quan tới các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn quan tâm, đề cao giá trị của DSVH trong sự phát triển văn hóa của dân tộc với quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Trong quá trình đổi mới, Đảng khẳng định không chỉ tiến hành đổi mới về kinh tế mà còn đổi mới trong nhận thức và tư duy: Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, gắn chặt với phát triển văn hóa. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa VII (năm 1993), Đảng đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội” và đề ra nhiệm vụ: ."... Nhà nước có kế hoạch xây dựng các bảo tàng, bảo vệ và tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, xây dựng các tượng đài về các anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa ở Thủ đô và các thành phố lớn".
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa VIII (năm 1998), Đảng đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và khẳng định: “DSVH là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng
dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo ra những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể” [18]. Trên cơ sở đó, trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Đảng xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Trong đó xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy DSVH dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa. Tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và văn hóa phi vật thể....
Tại kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa IX, Đảng đã đề ra mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới: “Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại”
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng xác định tiếp tục phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế; đặc biệt chú trọng đến đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, DSVH vật thể, phi vật thể; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy với kế thừa và phát triển...Đồng thời tăng cường QLNN về văn hóa [19].
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đưa ra nhiệm vụ: “bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH truyền thống, cách mạng, trong đó tiếp
tục phát huy giá trị các DSVH vật thể và phi vật thể của dân tộc. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hoá, văn nghệ, bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hoá trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ và người nước ngoài” [20].
Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; Làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" [21]. Với những quan điểm trên đã khẳng định: nền văn hóa mà chúng ta xây dựng mang bản sắc dân tộc, vừa phản ánh đậm cốt cách truyền thống dân tộc, vừa hiện đại phù hợp với trào lưu tiến bộ chung của nhân loại và có thể tựu chung lại thành các quan điểm sau:
- Mối quan hệ giữa chính trị, kinh tế và văn hóa không thể tách rời và phải được đặt dưới sự thống nhất của Đảng. Trong đó, khẳng định văn hóa là động lực quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là cốt lõi trong tư tưởng văn hóa nước ta.
- Phải đảm bảo dân chủ, tự do cho mọi sự sáng tạo và hoạt động văn hóa dưới sự định hướng của Đảng.
- Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa đó phải bảo tồn và phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp dân tộc, đảm bảo tính thống nhất và đa dạng của văn hóa các dân tộc cộng đồng Việt Nam.
- Phát triển kế thừa các giá trị văn hóa dân tộc gắn liền tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại để làm phong phú nền văn hóa nước ta.
- Nâng cao tính chiến đấu của các hoạt động văn hóa, khẳng định những nhân tố mới và những giá trị cao đẹp của dân tộc ta.
- Văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ tri thức giữ vai trò quan trọng.