1.3. Kinh nghiệm quản lý nhà nƣớc đối với doanh nghiệp ngoài quốc
1.3.2. Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh
Trong quản lý nhà nước đối với DNNQD thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước do đã sớm có kinh nghiệm trong tiếp cận với nền kinh tế hàng hóa. Kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh được tóm lược trên ba nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, quyết tâm chính trị của Đảng bộ thành phố, HĐND và UBND thành phố rất cao trong việc tạo môi trường tối ưu cho doanh nghiệp hoạt động, các vấn đề khúc mắc, những nguyện vọng cũng như bức xúc của doanh nghiệp được tiếp thu và giải quyết nhanh chóng, lãnh đạo thành phố dành thời gian trực tiếp lắng nghe và đối thoại với doanh nghiệp từ đó có những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và hiệu quả. Đối với các vấn đề mâu thuẫn phát sinh giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh luôn đề cao nguyên tắc hài hòa lợi ích và sử dụng biện pháp giáo dục tuyên truyền vận động, nhờ đó xử lý tốt và dứt điểm các vấn đề bức xúc của xã hội.
Thứ hai, thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược dài hạn với tầm nhìn xa trong phát triển cộng đồng DNNQD của thành phố. Ở vào vị trí không chỉ là trung tâm kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long mà còn là trung tâm kinh tế của cả nước và một trong những trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực tập trung sức hoàn thành thắng lợi mục tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 2015 - 2020, thành phố Hồ Chí Minh đã vạch ra chiến lược rất rõ ràng cụ thể trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp
cả về số lượng và chất lượng, trong đó tiếp tục tập trung mũi nhọn vào các ngành nghề có thế mạnh của địa phương như sản xuất công nghiệp, máy móc, thương mại, dịch vụ, công nghệ cao, xây dựng và công nghiệp hóa chất, chiến lược phát triển cộng đồng doanh nghiệp thành phố cũng gắn liền với chiến lược hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế.
Thứ ba, thành phố Hồ Chí Minh có chính sách khuyến khích rất mạnh mẽ đối với hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, lĩnh vực công nghệ cao. Trong phát triển DNNQD thì việc phát triển về số lượng doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh chủ trương chung của Chính phủ là tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trẻ, doanh nhân trẻ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng nhan số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Thông qua báo cáo kết quả tình hình phát triển kinh tế xã hội hàng năm của thành phố có thể thấy rằng thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhiều các doanh nghiệp trẻ có khao khát khởi nghiệp với những ý tưởng, kế hoạch táo bạo, cộng đồng doanh nghiệp thành phố vừa tăng nhanh về số lượng vừa đảm bảo về chất lượng.