8. Cấu trúc của luận văn:
1.2.2. Khái niệm giáo dục pháp luật
GDPL là vấn đề lý luận cơ bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong khoa học giáo dục cũng như trong sự nghiệp giáo dục ở nước ta. Khái niệm GDPL thường được quan niệm là một dạng hoạt động gắn liền với việc triển khai thực hiện pháp luật cũng như trong hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật và có nhiều quan niệm khác nhau.
GDPL là hình thức cụ thể, là cái riêng, cái đặc thù và cũng là cái chung, cái phổ biến trong mối quan hệ với giáo dục. Cụ thể là:
GDPL nhằm hình thành tri thức, tình cảm pháp luật ở mỗi cá nhân, hình thành thói quen xử sự, nếp sống phù hợp với quy định của pháp luật, từ đó tự giác tuân thủ pháp luật, có thái độ, hành vi đúng đắn, tích cực trong việc sử dụng pháp luật. Như vậy, mục đích của GDPL là hình thành môi trường chủ quan thuận lợi, phù hợp từ đó chủ thể định hướng hành vi xã hội của mình theo những chuẩn mực mà pháp luật quy định, góp phần tích cực tăng cường hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.
Xét trên các vấn đề chủ thể, khách thể, đối tượng, hình thức và phương pháp giáo dục thì GDPL cũng có những nét riêng. Chủ thể GDPL trước hết phải có những tri thức cần thiết về pháp luật và đời sống pháp luật; phải hiểu
được nhân thân, hoàn cảnh, môi trường sống của đối tượng; phải biết cách truyền tải kiến thức pháp luật đến đối tượng; phải là hình mẫu trong việc tuân thủ theo pháp luật. Đặc biệt, chủ thể giáo dục phải có khả năng minh họa những vấn đề xảy ra trong đời sống mà có ý nghĩa pháp lý dưới những thuật ngữ, những nguyên tắc, những quy định pháp luật cụ thể. Nếu thiếu khả năng này, chủ thể giáo dục mất đi ý nghĩa thực tiễn.
Xét về vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục thì GDPL có vai trò chi phối rất lớn đối với các dạng giáo dục chính trị - xã hội khác. Trong điều kiện xã hội hiện nay, nó là một trong những tiêu chí đánh giá nội dung và một số môn học trừu tượng như: giáo dục thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, giáo dục tâm lý… Chính vì vậy, GDPL có sức mạnh, khả năng tác động ưu thế hơn so với ý thức, thái độ của đối tượng giáo dục. Điều này có ý nghĩa đối với đối tượng GDPL ở mọi lứa tuổi, giúp họ nhận thức đầy đủ về pháp luật như: bản chất, giá trị, thuộc tính… Từ đó các đối tượng GDPL sẽ có khả năng nhận thức hành vi, việc làm của mình và tự kiềm chế hành vi để thực hiện đúng các quy định của pháp luật mà nhà nước đã đề ra.
Từ những điều trên, có thể nói về GDPL như sau: GDPL là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ đích của chủ thể giáo dục thông qua các hình thức, phương pháp khác nhau, tác động lên đối tượng giáo dục một cách có hệ thống nhằm hình thành ở họ tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với pháp luật hiện hành, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật.