Kỹ năng sống và giáo dục kỹ năng sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vĩnh thạnh, tỉnh bình định (Trang 25 - 28)

8. Cấu trúc luận văn

1.2.3.Kỹ năng sống và giáo dục kỹ năng sống

1.2.3.1 Khái niệm kỹ năng sống

Hiện nay có khá nhiều quan niệm về kỹ năng sống, tùy từng góc nhìn khác nhau, người ta có những quan niệm khác nhau về kỹ năng sống như:

Theo từ điển Wikipedia, “Kỹ năng sống là tập hợp các kỹ năng của con người có được thông qua việc học hoặc việc trải nghiệm trực tiếp trong cuộc sống, dùng để giải quyết những vấn đề mà con người thường phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Kỹ năng sống là khả năng có hành vi thích ứng và tích cực, giúp các cá nhân có thể ứng xử hiệu quả trước các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày” [28].

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF): “Kỹ năng sống là cách tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới. Cách tiếp cận này lưu ý đến sự cân bằng về tiếp thu kiến thức, hình thành thái độ và kỹ năng” [25].

Theo Tổ chức Giáo dục, Xã hội và Văn hóa Quốc tế (UNESCO): “Kỹ năng sống gắn với 4 trụ cột của giáo dục, đó là: Học để biết, gồm các kỹ năng tư duy như: tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả…; Học làm người, gồm các kỹ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin…; Học để sống với người khác gồm các kỹ năng xã hội như: giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông; Học để làm, gồm các kỹ năng thực hiện công việc và các nhiệm vụ như: Kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm [24].

Kế thừa và phát triển khái niệm kỹ năng sống từ các tổ chức trên. Ở Việt Nam cũng có khái niệm về kỹ năng sống từ một số nhà nghiên cứu như:

Tác giả Nguyễn Thanh Bình cho rằng “Kỹ năng sống là năng lực bao hàm cả tri thức, thái độ, hành vi, hành động trong lĩnh vực đó. Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì kỹ năng sống là khả năng áp dụng những hiểu biết và kỹ năng để giải quyết có hiệu quả các vấn đề. Còn hiểu kỹ năng sống là khả năng tâm lý xã hội thì năng lực tâm lý xã hội đề cập tới khả năng của con người biểu hiện những cách ứng xử chính xác khi tương tác với nguời khác trong các tình huống khác nhau của môi trường xung quanh dựa trên nền văn hóa nào đó” [1; tr.12].

Theo các tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa, Phan Thị Thảo Hương cho rằng “Kỹ năng sống là những kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh, tích cực cho phép mỗi cá nhân đối mặt với những thách thức của cuộc sống hằng ngày” [14;tr.81].

Từ những khái niệm trên cho thấy kỹ năng sống bao gồm một loạt các kỹ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của con người. Bản chất của kỹ năng sống là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả. Nói cách khác, kỹ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, là khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

1.2.3.2 Giáo dục kỹ năng sống

Giáo dục kỹ năng sống được hiểu theo nghĩa rộng, hẹp khác nhau ở cấp độ xã hội và cấp độ nhà trường. Ở cấp độ nhà trường, khái niệm giáo dục kỹ năng sống nêu ra quá trình tổng thể được thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục.

Giáo dục kỹ năng sống là một quá trình với những hoạt động giáo dục cụ thể nhằm tổ chức, điều khiển, để HS biết cách chuyển dịch kiến thức (cái học sinh biết) và thái độ, giá trị (cái HS suy nghĩ, cảm thấy, tin tưởng) thành

hoạt động thực tế (làm gì và làm cách nào) một cách tích cực và mang tính chất xây dựng.

Giáo dục kỹ năng sống là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến học sinh nhằm giúp học sinh có những kiến thức về cuộc sống, có những thao tác, hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội như quan hệ của cá nhân với xã hội, của cá nhân với lao động, của cá nhân với mọi người chung quanh và của cá nhân với chính mình, giúp cho nhân cách mỗi học sinh được phát triển đúng đắn đồng thời thích ứng tốt nhất với môi trường sống. Trên cơ sở đó hình thành cho HS những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực, loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong các mối quan hệ, trong các tình huống và hoạt động hằng ngày. Giáo dục kỹ năng sống còn là sự kết hợp giữa hoạt động dạy học trên lớp và hoạt động thực hành tạo nên hài hòa, cân đối giữa quá trình sư phạm toàn diện, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục.

Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ rõ: “Hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong quy định này được hiểu là hoạt động giáo dục giúp cho người học hình thành và phát triển những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong việc ứng xử các tình huống của cuộc sống cá nhân và tham gia đời sống xã hội, qua đó hoàn thiện nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng các giá trị sống” [6].

Công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong học đường hiện nay và trong thời gian tới đối với ngành Giáo dục là một nhiệm vụ rất được coi trọng, nhất là thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, những kỹ năng mềm đã góp phần hình thành nên những con người có ích cho cộng đồng và nếu điều đó được rèn luyện cho các em học sinh ngay tại trên ghế nhà trường sẽ giúp cho các em có được những kỹ năng sống cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non không phải là nói trẻ biết thế nào là đúng, thế nào là sai như ta thường làm. Cũng không phải là rao truyền những lời hay ý đẹp để chúng vào tai này rồi ra tai kia. Các phương pháp cổ điển như giảng bài, đọc chép sẽ thất bại hoàn toàn vì chúng chỉ cung cấp thông tin, mà từ thông tin và nhận thức đến thay đổi hành vi thì khoảng cách còn rất lớn.

Giáo dục kỹ năng sống là giúp trẻ nâng cao năng lực để tự lựa chọn giữa những giải pháp khác nhau. Quyết định phải xuất phát từ trẻ. Vì thế, học phải hết sức gần gũi với cuộc sống hay ngay trong cuộc sống. Nội dung phải xuất phát từ nhu cầu và kinh nghiệm của trẻ. Trẻ cần có điều kiện để cọ sát các ý kiến khác nhau, trao đổi kinh nghiệm, tập tành, thực hành, áp dụng. Trẻ phải tham gia chủ động vì có thế trẻ mới thay đổi hành vi.

Thông qua giáo dục kỹ năng sống, một số kỹ năng đã triển khai hiệu quả, như: rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, kỹ năng làm việc sinh hoạt theo nhóm; rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe, kỹ năng phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích; rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tai nạn xã hội...

Như vậy, có thể hiểu giáo dục kỹ năng sống là một quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan đến kiến thức và thái độ, giúp cá nhân có ý thức về bản thân, giao tiếp, quan hệ xã hội, thực hiện công việc, ứng phó hiệu quả với các yêu cầu thách thức của cuộc sống hàng ngày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vĩnh thạnh, tỉnh bình định (Trang 25 - 28)