2.5.1. Bộ công cụ thu thập số liệu
- Công cụ thu thập số liệu trước và sau khi tiến hành can thiệp là bộ công cụ được thiết kế theo mục tiêu và dựa trên tài liệu tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại cơ sở y tế của Bộ Y Tế năm 2015 gồm 70 câu chia làm 5 phần:
+ Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu (13 câu) + Kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ (15 câu)
+ Kiến thức về chế độ ăn bổ sung cho trẻ (30 câu)
+ Kiến thức dinh dưỡng khi trẻ biếng ăn và bị bệnh (9 câu) + Tiếp cận thông tin và các dịch vụ y tế (3 câu).
Để kiểm định tính giá trị của bộ công cụ, tác giả đã xin ý kiến của 5 chuyên gia trong lĩnh vực chuyên Khoa Nhi có thâm niên công tác trên 5 năm, bao gồm (02 thạc sỹ bác sỹ Nhi, 02 bác sỹ Nhi và 1 cử nhân điều dưỡng), sau đó tính ra hệ số CVI và chỉ số CVI = 0,94.
- Tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá:
Nhận thức về chế độ dinh dưỡng cho trẻ được đánh giá bằng phần B, C, D của bộ công cụ gồm 54 câu.
- Phương pháp cho điểm đánh giá nhận thức
Nghiên cứu sử dụng phương pháp gán điểm để đánh giá nhận thức của đối tượng nghiên cứu. Bộ công cụ đánh giá kiến thức gồm 54 câu hỏi. Mỗi một câu trả lời đúng đối tượng được 01 điểm, trả lời sai, câu bỏ qua hoặc không biết sẽ không có điểm. Tổng điểm cao nhất là 54 điểm. Tỉ số điểm được xác định bằng cách chia số điểm đối tượng đạt được cho 54. Tỷ lệ bà mẹ trả lời đúng các câu hỏi và xếp loại thành 4 nhóm để đánh giá điểm và mức độ nhận thức của bà mẹ trước và sau can thiệp, dựa vào thang điểm sau:
Mức độ Điểm
Kém ≤ 26
Trung bình 27 – 35
Khá 36 – 43
Tốt 44 - 54
- Thử nghiệm trước bộ công cụ thu thập số liệu
Thử nghiệm bộ công cụ thu thập số liệu được thực hiện trong 4 tuần trước khi bắt đầu thu thập số liệu. Tiến hành điều tra thử 30 đối tượng phù hợp tiêu chuẩn lựa chọn (30 đối tượng này không nằm trong 114 đối tượng nghiên cứu được điều tra sau). Để xác định độ tin cậy của bộ công cụ thu thập số liệu, nhà nghiên cứu đã nhập số liệu vào phần mềm SPSS 16.0 và phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha và kết quả Cronbach’s Alpha của bộ công cụ là 0.942.
- Phương pháp thu thập số liệu
Phương pháp thu thập số liệu: Sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp đối tượng thông qua bộ công cụ (phụ lục 02).
2.5.2. Bộ công cụ can thiệp
- Các nội dung can thiệp gồm 3 nội dung chính và được xây dựng dựa trên tài liệu “Nuôi dưỡng trẻ nhỏ” của Bộ Y Tế năm 2015 (phụ lục 03).
+ Kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ: Lợi ích của NCBSM, đặc điểm diễn biến của sữa mẹ, các khuyến nghị NCBSM.
+ Kiến thức về chế độ ăn bổ sung cho trẻ: Khái niệm, thời điểm, nguyên tắc cho trẻ ăn bổ sung, chế độ ăn bổ sung...
+ Kiến thức dinh dưỡng khi trẻ biếng ăn và bị bệnh.
- Hình thức can thiệp: Sử dụng phương pháp truyền thông trực tiếp. - Tiến hành truyền thông giáo dục
+ Truyền thông giáo dục theo nhóm: Những bà mẹ thuộc đối tượng nghiên cứu có con vào viện cùng 1 ngày sẽ lập thành một nhóm.
+ Buổi truyền thông được thực hiện bởi nghiên cứu viên với một nhóm các bà mẹ vào 16h – 16h45 phút các ngày trong tuần từ thứ 2 đến chủ nhật tại phòng giao ban của Khoa Nhi.
+ Phương pháp truyền thông: Thuyết trình, thảo luận nhóm.
+ Phương tiện truyền thông: Tờ rơi, tranh lật gồm các nội dung về nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Các tờ rơi này được lấy mẫu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia và của Bộ Y Tế.