Thay đổi nhận thức về nuôi con bằng sữa mẹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi nhận thức của bà mẹ về nuôi dưỡng con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh điện biên năm 2017 (Trang 81 - 84)

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ ngay cả khi mẹ bị bệnh, có thai, có kinh hay gầy yếu. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà trẻ cần trong khoảng thời gian 6 tháng đầu. Nhận rõ được lợi ích quan trọng của NCBSM, các hoạt động can thiệp đã tập trung vào việc cung cấp các nội dung kiến thức về NCBSM: Cho trẻ bú càng sớm càng tốt sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến khi trẻ được 2 năm tuổi theo khuyến cáo của Bộ Y Tế [5]. Kết quả điều tra cho thấy can thiệp giáo dục truyền thông tỏ ra có tác dụng khá nhanh đối với các bà mẹ, tỷ lệ nhận thức đúng về cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau khi sinh tăng 48,3% ngay sau can thiệp; từ 45,6% lên 93,9% và giảm xuống còn 86,8% sau can thiệp 1 tuần. Kết quả sau can thiệp của nghiên cứu này tương đồng với nghiên cứu của hai tác giả Lê Thị Hương và Trần Thị Lan (2010) về hiệu quả cải thiện dinh dưỡng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi tại hai huyện Đakrông và Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị - trong đó có hợp phần thúc đẩy NCBSM hoàn toàn - được thực hiện vào tháng 12/2010, có mức tăng sau can thiệp là 13,6%, các tỷ lệ bà mẹ cho

con bú sớm trước 1 giờ sau khi sinh ở điều tra ban đầu và điều tra kết thúc là: 79,7% và 93,3% [22]. Nghiên cứu của Trần Xuân Cảnh năm 2012 tại Yên Bái cho kết quả gần tương tự từ 76,6% lên 88,9% [7]. Nghiên cứu của TTCSSKSS tại huyện Văn Chấn cho kết quả tỷ lệ bà mẹ cho bú sớm 1 giờ trước khi sinh trong điều tra đầu và điều tra kết thúc đều thấp hơn trong nghiên cứu này: 68,6% và 80,7% [35]. Nhận thức về vắt bỏ sữa non trước lần đầu cho con bú đã được cải thiện đáng kể sau can thiệp, tỷ lệ bà mẹ nhận thức đúng: Không vắt bỏ sữa non trước lần đầu cho con bú ở điều tra ban đầu là 47,4% tăng lên 79,8% ngay sau can thiệp (tăng 41,5%) và còn 78,9% sau can thiệp 1 tuần. Kết quả này ở nghiên cứu của Trần Xuân Cảnh tại Yên Bái là 76,0% lên 94,4%, tăng 18,4% [7]; trong nghiên cứu của TTCSSKSS tỉnh Yên Bái tại Văn Chấn là 70,6% ở điều tra ban đầu và 100,0% ở điều tra kết thúc [36]; trong nghiên cứu của Lê Thị Hương và Trần Thị Lan tại huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa, tương ứng là 78,6% và 96,6%, tăng 18,0% [22]; trong một nghiên cứu khác của TTCSSKSS tỉnh Yên Bái thực hiện tháng 3/2012, về đánh giá hiệu quả sau 1 năm thực hiện các can thiệp thúc đẩy, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số tại 5 xã thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, tuơng ứng là 67,4% và 95%, tăng 27,6% [36].

Các kết quả trên cho thấy rằng, trước khi có các hoạt động truyền thông, tư vấn, nhận thức cho con bú sớm ngay sau khi sinh và cho con bú sữa non của các bà mẹ tại vùng miền núi với tỷ lệ cao người dân tộc còn có những hạn chế nhất định. Nhưng sau khi có các hoạt động truyền thông, tư vấn thì nhận thức của các bà mẹ về vấn đề này đã được cải thiện rất rõ rệt. Sau khi được truyền thông, tư vấn hầu hết các bà mẹ nhận thức tốt về lợi ích của việc cho trẻ bú sớm, đặc biệt là lợi ích của sữa non đối với trẻ. Nếu so với số liệu chung của quốc gia: Tỷ lệ cho con bú sớm (trong vòng 1 giờ) là 54,3 % và tỷ lệ bà mẹ không vắt bỏ sữa non trước lần đầu cho con bú là 79,9% do VDD và UNICEF công bố năm 2013, thì các kết quả đạt được sau can thiệp trong nghiên cứu này là rất khả quan [41].

Qua bảng 3.16 cho ta thấy, trước can thiệp, tỷ lệ bà mẹ nhận thức đúng cho trẻ bú theo nhu cầu là 43% tăng lên 91,2% ngay sau can thiệp và còn 81,6% sau can

thiệp 7 ngày. Kết quả này tương đương với khảo sát Nguyễn Tiến, Võ Đức Chu (2008) [8] có 81,7% bà mẹ cho trẻ bú theo nhu cầu.

Qua bảng 3.16. Trước can thiệp, số bà mẹ nhận thức đúng về cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là 46,5% tăng lên 85,1% ngay sau can thiệp và còn 71,9% sau can thiệp 1 tuần. Nghiên cứu của Trần Xuân Cảnh tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái năm 2012 cho kết quả từ 49,4% ở điều tra ban đầu lên 82,3% ở điều tra kết thúc [7]. Nghiên cứu của Phạm Thị Thúy Hà tại huyện Tam Nông, Phú Thọ năm 2014 cho kết quả là 8,1% [14]; nghiên cứu của TTCSSKSS tỉnh Yên Bái tại Văn Yên có chỉ số trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn với kết quả: 8,3% ở điều tra ban đầu và 74,6% ở điều tra kết thúc [36]. So với số liệu điều tra giám sát dinh dưỡng năm 2013 của VDD, thì tỷ lệ nhận thức trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn sau can thiệp trong nghiên cứu này cao hơn khá nhiều, vì con số do VDD công bố chỉ đạt 32,1% [41].

Nhận thức đúng cho trẻ bú kéo dài khi trẻ ≥ 24 tháng của các bà mẹ trong nghiên cứu này: Trước can thiệp chiếm tỷ lệ 32,5% tăng lên 79,8% và còn 64% sau can thiệp 1 tuần; nghiên cứu của Phạm Thị Thúy Hòa tại huyện Tam Nông, Phú Thọ cho kết quả là 11,1% [14]; nghiên cứu của Trần Xuân Cảnh tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho kết quả từ 18,2% lên 26,0 [7]. So sánh với nguồn số liệu điều tra giám sát dinh dưỡng năm 2013 của VDD, tỷ lệ trẻ được tiếp tục bú đến năm 2 tuổi là 22,6% [41]. Như vậy, ở lần điều tra kết thúc, tỷ lệ bà mẹ nhận thức đúng cho trẻ bú kéo dài đên khi trẻ ≥ 24 tháng tuổi cao hơn số liệu của VDD đưa ra.

Nhận thức đúng không cho trẻ bú bình trong nghiên cứu này của các bà mẹ: Trước can thiệp chiếm tỷ lệ 36,8% tăng lên 79,8% ngay sau can thiệp và còn 50,9% sau can thiệp 1 tuần, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001; tỷ lệ này trong nghiên cứu của Trần Xuân Cảnh cho kết quả 91,7% ở điều tra ban đầu và ở điều tra kết thúc, tỷ lệ này tiếp tục tăng cao hơn: 96,5% [7]. Tương tự, kết quả nghiên cứu của TTCSSKSS tại huyện Văn Yên cũng cho thấy tỷ lệ trẻ không bú bình ngày hôm trước khá cao ở điều tra ban đầu: 87,8% và tăng lên 96,0% ở điều tra kết thúc [36]. Có thể nói rằng việc cho trẻ bú bình còn phổ biến với các bà mẹ trong nghiên cứu

của chúng tôi và đây cũng là thực tế chung tại các vùng đồng bằng, và sau truyền thông giáo dục dinh dưỡng, số bà mẹ nhận thức rằng không nên cho con bú bình giảm thấp hơn.

Qua các kết quả trên cho thấy sau can thiệp, nhận thức về NCBSM của các bà mẹ đã thay đổi rất tích cực, tuy nhiên còn một số các bà mẹ nhận thức còn hạn chế kể cả sau khi can thiệp và vẫn cần được cải thiện tiếp tục.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi nhận thức của bà mẹ về nuôi dưỡng con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh điện biên năm 2017 (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)