Báo chí và báo điện tử

Một phần của tài liệu 1. Nguyễn Đăng Thy-Luận văn Truyền thông về bất động sản trên báo điện tử hiện nay (Trang 29 - 32)

7. Kết cấu của luận văn

1.1.4. Báo chí và báo điện tử

Theo Điều 3, Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 2016: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống, xã hội, thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.”, trong đó:

Báo điện tử là loại báo xuất hiện trên Internet (World Wide Web). Internet là mạng thông tin diện rộng, bao trùm toàn cầu, hình thành trên cơ sở kết nối các máy tính điện tử, cho phép liên kết con người lại bằng thông tin và kết nối nguồn tri thức đã tích lũy được của toàn nhân loại trong một mạng lưu thông thống nhất.

Thế kỷ XIX là thế kỷ thống trị của báo in. Sang thế kỷ XX, phát thanh, truyền hình lại chiếm lĩnh ngôi vị thống trị cùng với đài radio và tivi. Từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, mạng Internet ra đời đã có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống con người và báo chí cũng không nằm ngoại lệ. Hệ quả tất yếu là một sản phẩm kết hợp giữa báo chí - Internet: báo điện tử ra đời, đã và đang làm thay đổi không nhỏ bộ mặt của báo chí thế giới, trong đó có Việt Nam.

Từ điển Wikipedia định nghĩa: “Báo điện tử là báo mà người ta đọc nó trên máy tính, điện thoại di động, iPod, iPhone... khi có kết nối internet. Báo điện tử khác với báo in báo giấy là tin tức thường xuyên được cập nhật, nhanh chóng nên luôn luôn có tin mới. Nó khác so với trang thông tin điện tử về tần suất cập nhật, nguồn gốc và độ tin cậy của thông tin, số người thường xuyên truy cập... Báo điện tử cho phép mọi người trên thế giới tiếp cận và đọc nó không phụ thuộc vào không gian và thời gian”.

Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa, “báo điện tử là những tác phẩm báo chí dưới dạng chữ viết, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động hoặc âm thanh về một sự kiện nào đó được cung cấp trực tiếp trên mạng internet đồng thời hoặc ngay sau khi xảy ra sự kiện, được cập nhật liên tục về diễn biến của sự kiện”.

Tác giả Nguyễn Thị Trường Giang trong cuốn Báo mạng điện tử - Những vấn đề cơ bản “Báo điện tử là một loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức của một trang web và phát hành trên mạng internet”. [9, tr. 26]

Theo Điều 3, Luật Báo chí năm 2016 “Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử”.

Vậy khác với báo giấy, báo điện tử là loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức một trang web và phát hành dựa trên nền tảng Internet, có ưu thế trong chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng, tức thời, đa phương tiện và mang tính tương tác cao. Báo điện tử được xuất bản bởi tòa soạn điện tử, còn người đọc báo dựa trên máy tính,

điện thoại di động, máy tính bảng... có kết nối internet. Báo điện tử cho phép mọi người trên khắp thế giới tiếp cận tin tức nhanh chóng vì nó không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Sự phát triển của báo điện tử đã làm thay đổi thói quen đọc tin và ít nhiều có ảnh hưởng đến việc phát triển báo in truyền thống.

Xét về dung lượng truyền tải, báo điện tử có những lợi thế mà báo in, thậm chí cả phát thanh - truyền hình cũng phải kính nể. Báo điện tử không bị giới hạn khuôn khổ, số trang nên có khả năng chuyển tải thông tin không giới hạn. Do đó, báo điện tử có thể cung cấp một lượng thông tin lớn, phong phú và chi tiết. Những thông tin trên báo điện tử được xâu chuỗi lại với nhau theo các chủ đề thông qua siêu liên kết, được lưu trữ lâu dài và khoa học theo ngày tháng, chủ đề, chuyên mục…

Về công nghệ, báo điện tử có thể tích hợp nhiều hình thức đa phương tiện - từ chữ viết, âm thanh cho đến hình ảnh tĩnh và động, video, đồ họa, các chương trình tương tác. Và nếu nói đến tốc độ của của thông tin thì báo điện tử là nhà vô địch. Chẳng cần chờ đến giờ ra báo, giờ phát sóng và thao tác thì quá đơn giản (và đỡ tốn kém) nhờ những công nghệ hiện đại. Thông tin trên báo điện tử “có thể sống động, nóng hổi đến từng giờ, từng phút, thậm chí từng giây”.

Có thể kể thêm một số đặc điểm khác của báo điện tử mà các loại hình báo chí khác không có được hoặc khó cạnh tranh nổi. Chẳng hạn, tính tương tác của báo điện tử rất cao. Một tin tức gửi đi có thể nhanh chóng nhận lại ngay phản hồi của rất nhiều độc giả, nhận xét về nội dung thông tin, chia sẻ tình cảm với người trong cuộc hoặc thậm chí phản ứng ngay với tòa soạn về cách đưa tin... Đài phát thanh và đài truyền hình có những chuyên mục giao lưu, đàm thoại cho phép người xem, người nghe trao đổi trực tiếp qua điện thoại, nhưng chắc chắn không thể so sánh nổi với cách trao đổi qua internet.

Báo điện tử còn cho phép một tính năng đặc biệt: Lưu trữ và tìm kiếm. Với phát thanh và truyền hình thì đương nhiên là hết sức khó khăn, với báo in cũng không ít trở ngại nếu muộn lục tìm lại một thông tin từ các số báo trước. Ngay cả khi đã cầm trên tay tờ báo, lại là những tờ báo dày, thì việc tìm lại thông tin cũng không hề đơn giản chút nào. Với báo điện tử, ai cũng biết chỉ cần gõ từ khóa và nhấn nút Enter để dễ dàng

tìm lại những bài viết cách đây cả chục năm, hoặc những bài viết của nhiều nguồn về một vấn đề nào đó.

Trong xu thế công nghệ thông tin phát triển, phương thức chuyển tải thông tin cũng có nhiều thay đổi. Đối với công chúng trẻ, do chịu tác động nhiều bởi các phương tiện truyền thông hiện đại, thói quen và xu hướng lựa chọn phương tiện truyền thông và yêu cầu tiếp nhận thông tin cũng khác nhau. Nội dung bài báo phải ngắn gọn, đa chiều, hình thức hấp dẫn hơn.

Trong cuốn sách “Báo chí và truyền thông đa phương tiện” (2017), tác giả Nguyễn Thị Trường Giang đã trình bày 3 yêu cầu để truyền tải thông tin hiệu quả, gồm: Thông tin dễ gây chú ý; chân thực, dễ hiểu để tiếp nhận; việc sử dụng đa phương tiện giúp cho quá trình tiếp nhận thông tin của công chúng ngắn hơn, tiết kiệm cho được nhiều thời gian hơn.

Với báo điện tử, hiệu quả truyền tải thông điệp được nâng cao rõ rệt nhờ vào những yếu tố đa phương tiện. Một sản phẩm đa phương tiện khi nó tích hợp nhiều trong số các phương tiện truyền tải thông tin sau: Văn bản (text), hình ảnh tĩnh (still image), hình ảnh động (animation), đồ họa (graphic), âm thanh (audio), video và chương trình tương tác (interactive program). Ngoài ra, họ còn cảm nhận, bàn luận, chia sẻ, phản hồi... về những gì mình đọc, nghe, thấy một cách nhanh chóng. Công chúng thích cảm giác hài lòng, được đáp ứng tức thì, được làm một điều gì ngay lập tức và biết điều mình nói được lắng nghe.

Trong luận văn này khái niệm báo điện từ được hiểu là một loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức của một trang web và phát hành trên mạng internet, có khả năng tích hợp nhiều loại hình báo chí khác và tốc độ cung cấp thông tin nhanh, cùng tính tương tác cao.

Một phần của tài liệu 1. Nguyễn Đăng Thy-Luận văn Truyền thông về bất động sản trên báo điện tử hiện nay (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(169 trang)
w