7. Kết cấu của luận văn
2.2.3. Phương thức truyền tải thông điệp về bất động sản trên các báo khảo sát 1 Về hình thức thể hiện
2.2.3.1 Về hình thức thể hiện
Nội dung và hình thức là hai mặt của vấn đề, có mối quan hệ mật thiết với nhau như: thể loại biểu hiện, ngôn ngữ văn tự, ngôn ngữ phi văn tự (hình ảnh, audio, clip)... trong đó, thể loại được xem là công cụ quan trọng nhất trong việc lựa chọn cách thể hiện nội dung, cũng là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt với công tác nghiên cứu báo chí. Đồng thời là sự tập trung cao nhất của nhiều đặc trưng trong hình thức thể hiện như: ngôn ngữ, kết cấu...
Để đạt được hiệu quả cao nhất mà báo chí hướng tới, việc lựa chọn thể loại nào cho phù hợp với chủ đề, phong cách tờ báo và nhu cầu của công chúng có ý nghĩa hàng đầu. Thực tế hoạt động báo chí cũng cho thấy, đa số tác phẩm báo chí hay, có sức tác động lớn, để lại ấn tượng sâu sắc ngoài nội dung đều có hình thức thể hiện tốt. Theo thống kê của tác giả luận văn, việc truyền thông về bất động sản trên báo điện tử thể hiện chủ yếu thông qua các thể loại chính đó là: tin, bài phản ánh, phóng sự và phỏng vấn.
2.2.3.2 Thể loại
Theo tác giả Vũ Quang Hào, “Thể loại là sự thống nhất mang tính quy luật, lặp đi lặp lại của các yếu tố trong một loạt các tác phẩm báo chí” [12, tr. 27]. Thể loại có thể tạo ra một kênh giao tiếp giữa tác giả và công chúng, cho nên sử dụng các thể loại như thế nào để có thể tạo ra được sự hấp dẫn, thu hút công chúng và đạt được hiệu quả thông tin là điều hết sức quan trọng đối với mỗi bài báo.
Qua khảo sát ba báo: VnExpress, SGGP và Reatimes thời gian từ 01/2020 đến 12/2020 tác giả luận văn đã thu được kết quả về các thể loại như sau (xem biểu đồ 2.15):
Biểu đồ 2.15: Thống kê các thể loại được sử dụng để truyền thông về bất động sản trên các báo được chọn khảo sát từ 01/2020 đến 12/2020
Nhìn vào biểu đồ 2.15, có thể thấy các thể loại được sử dụng để truyền thông về bất động sản trên các báo được chọn khảo sát từ 01/2020 đến 12/2020 bao gồm có: Tin, bài phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, Infographic/Emagazine và một số thể loại khác như bình luận, chùm ảnh,... Trong kết quả thu được trên, trong 600 tác phẩm thì thể loại tin và bài phản ánh chiếm tỉ lệ cao nhất với 522 tác phẩm (chiếm 87%); phóng sự có 28 tác phẩm (chiếm 4,67%); phỏng vấn có 30 tác phẩm (chiếm 5 %); thể loại báo chí mới gồm Infographic/Emagazine có 15 tác phẩm (chiếm 2,5%); các thể loại khác chỉ có 5 bài (0,83%).
Về thể loại Tin, đây là thể loại báo chí ngắn gọn nhưng mạng lượng thông tin nhiều. Tin phản ánh nhanh sự kiện vừa, đang hoặc sắp xảy ra những sự việc có ý nghĩa xã hội và được nhiều người quan tâm; đồng thời, đáp ứng nhu cầu của công chúng về nhận biết những cái mới xảy ra để biết và có những hành động đúng đắn. Về đặc điểm của tin, so với các thể loại khác, tin là thể loại xuất hiện sớm nhất, có tính phổ biến nhất, thể hiện rõ nhất sự nhạy bén, tính xác thực của báo chí trong phản ánh sự kiện mới. Do vậy, truyền thông về bất động sản sử dụng thể loại này sẽ cung cấp cho công chúng những vấn đề, sự kiện nóng hổi nhất. Các tin thường có độ dài từ 100-1000 chữ.
Biểu đồ 2.16: Thống kê thể loại tin được sử dụng để truyền thông về bất động sản trên các báo được chọn khảo sát từ 01/2020 đến 12/2020
Qua khảo sát trên VnExpress, SGGP, Reatimes thời gian từ 01/2020 đến 12/2020 tỉ lệ này chiếm 41,83%% trong đó báo VnExpress thể loại này có đến 107 tin (chiếm 43%), báo SGGP có 79 tin (chiếm 31%) và Reatimes có 65 tin (chiếm 26%).
Ở thể loại tin, truyền thông về bất động sản trên VnExpress chủ yếu xuất hiện ở tin quy hoạch, tin về các sai phạm, một số ít tin về bồi thường tái định cư và tin về doanh nghiệp. Một số ví dụ cụ thể gồm: “Tạm dừng quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong” đăng ngày 26/6/2020, “Khánh Hòa xin dừng lập quy hoạch Bắc Vân Phong” đăng ngày 24/12/2020, “Tổng Giám đốc địa ốc Khang Gia bị truy nã” đăng ngày 5/12/2020, “Đại gia địa ốc muốn thoái vốn nghìn tỷ khỏi dự án vùng ven” đăng ngày 8/12/2020. Đặc điểm tin trên VnExpress có số từ lớn, từ 500 từ trở lên và có mở rộng thông tin.
Tương tự VnExpress, thể loại tin ở Reatimes xuất hiện chủ yếu ở tin quy hoạch và một số tin về bồi thường tái định cư như “Thanh Hóa quy hoạch khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ với diện tích 1.660 ha” đăng ngày 9/11/2020, “Khánh Hòa: Điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 khu đô thị ven vịnh Cam Ranh” đăng ngày 5/12/2020, “Khánh Hòa phê duyệt khu tái định cư cách trung tâm TP. Nha Trang 5km” đăng ngày 26/6/2020.
Thể loại tin trên SGGP không tập trung vào một nội dung nhất định mà trải đều ở các mảng quy hoạch, bồi thường tái định cư, bảng giá đất, doanh nghiệp, các sai phạm và có cả ở thị trường. Đặc trưng tin trên SGGP là ngắn, có đôi khi chỉ khoảng 100 từ và không mở rộng như VnExpress hay Reatimes.
Về thể loại Phản ánh, đây là dạng bài không thể hiện rõ đặc trưng thể loại báo chí nào. Tuy nhiên, sự kiện, vấn đề xuất hiện trong bài phản ánh mang tính chất toàn diện. Trước hết về quy mô, nó bao quát một cách tương đối toàn bộ không gian, thời gian mà sự kiện, vấn đề diễn ra. Về thời gian, nội dung bài phản ánh mô tả sự kiện, vấn đề từ khi hình thành cho đến thời điểm chúng được nhà báo nhận thức để phản ánh. Về không gian, nội dung bài phản ánh phản ánh, phân tích sự kiện, vấn đề ở phạm vi rộng nhất của nó. Các bình diện, các mối quan hệ, toàn bộ quá trình lịch sử cũng như xu hướng vận động của sự kiện, vấn đề được phân tích, đánh giá trong bối cảnh cụ thể, ít nhất là gắn liền những mối quan hệ chính yếu của chúng với các tiến trình, các hiện tượng xung quanh.
Biểu đồ 2.17: Thống kê thể loại bài được sử dụng để truyền thông về bất động sản trên các báo được chọn khảo sát từ 01/2020 đến 12/2020
Bài phản ánh là thể loại được các báo mạng điện tử thuộc diện khảo sát sử dụng nhiều nhất với 271 tác phẩm (chiếm 45,17%) trong đó: VnExpress thể loại này có đến 78 bài (chiếm 29%), báo SGGP có 105 bài (chiếm 39%) và Reatimes có 88 bài (chiếm 32%).
Các bài viết thuộc thể loại phản ánh chiếm tỷ lệ cao do có những ưu điểm nhất định. Trước hết, trong bài phản ánh có thể đưa ra chính kiến và quan điểm của tác giả về những giải pháp hay những gợi ý, kiến nghị liên quan đến cách giải quyết vấn đề. Bài phản ánh chủ yếu phản ánh vấn đề, sự kiện đã tương đối định hình, cho phép phóng viên có thể thấy được một cách khá đầy đủ các bình diện, khía cạnh về nội dung khởi nghiệp sáng tạo rất đa dạng và phong phú.
Thông thường mỗi bài phản ánh truyền thông về bất động sản trên báo điện tử chỉ từ 500-1200 chừ. Truyền thông về bất động sản trên báo điện tử nếu quá ngắn sẽ không đủ để chuyển tài thông tin chi tiết, cụ thể, nhưng nếu dài quá, vòng vo không tập trung thì người tiếp nhận khó nhớ, khó thực hiện theo. Cho nên, trong các thể loại báo chí, bài phản ánh được dùng nhiều khi là hợp lý.
Là thể loại bài, nên với truyền thống báo in, truyền thông về bất động sản trên SGGP chiếm số lượng chủ đạo và chủ yếu xuất hiện ở thông tin thị trường, kế đó đến thông tin về các sai phạm, các thông tin quy hoạch, bồi thường tái định cư, bảng giá đất, doanh nghiệp có tỷ lệ bài phản ánh tương đương. Một số ví dụ cụ thể gồm: “Nhà đầu tư tranh thủ dịch Covid-19 để săn nhà đất giá rẻ” đăng ngày 16/4/2020, “Xung lực khiến giá bất động sản thành phố Thủ Đức tăng mạnh” đăng ngày 22/10/2020, “Thêm một dự án nhập nhằng pháp lý suýt ra thị trường” đăng ngày 25/12/2020.
Đứng thứ hai về lượng bài phản ánh là Reatimes, các loại thông tin thường sử dụng bài phản ánh đứng đầu là thông tin thị trường như bài viết “Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi vào cuối năm 2020” đăng ngày 13/12/2020; Sau đó đến thông tin các sai phạm doanh nghiệp qua bài “Mua nhà La Casta bị hụt 9% diện tích: Chủ đầu tư không sai, lỗi do lập hợp đồng? “ đăng ngày 17/10/2020, “Điểm tựa nào cho doanh nghiệp vượt bão Covid-19 lần thứ 2?” đăng ngày 18/09/2020; Nhóm cuối là thông quy hoạch, bồi thường tái định cư và bảng giá đất. Điểm đặc biệt của các bài phản ánh thông tin các sai phạm trên Reatimes có nhiều điểm giống bài điều tra. Do cả VnExpress và SGGP đều không phân rõ dạng bài điều tra nên tác giả xin được phép xếp các bài viết có khả năng là điều tra trên Reatimes vào chung dạng bài phản ánh.
Số lượng bài phản ánh trên báo điện tử VnExpress không nhiều như tin (78/107), nguyên nhân do VnExpress khai thác mở rộng tin nên đôi khi tin đã làm thay nhiệm vụ
cho bài phản ánh. Bài phản ánh của VnExpress tập trung vào thông tin thị trường, một số ít thông tin doanh nghiệp và quy hoạch. Bài phản ánh trên VnExpress thường có nguồn từ các báo cáo của các công ty tư vấn, hiệp hội hoặc các khảo sát do VnExpress thực hiện như “Bất động sản khởi sắc cuối năm” đăng ngày 24/12/2020, “Nhà giá rẻ tăng cả chục triệu đồng mỗi m2” đăng ngày 25/12/2020 “Giá thuê nhà phố giảm mạnh giữa mùa dịch” đăng ngày 14/3/2020. Tỷ lệ bài do phóng viên khảo sát thực tế có nhưng không nhiều như bài “Sốt đất dù dự án còn trên giấy” của phóng viên Hoàng Thắng đăng ngày 26/3/2020.
Phóng sự là thể loại phản ánh năng động, nó đào sâu vào việc thông tin chỉ dẫn, tư vấn có định hướng, phân tích cụ thể. Bản chất của phóng sự là để lột tả bản chất sự kiện, con người. Phóng sự không chỉ dừng lại ở việc thông báo hình thù sự kiện thông qua các con số, dữ liệu để công chúng báo chí biết mà còn làm rõ những tình tiết bản chất bên trong sự kiện, giúp công chúng không những biết nó xảy ra như thế nào mà còn hiểu tại sao nó lại xảy ra như vậy. Hiệu quả tác động xã hội của thể loại này cao hơn so với các thể loại báo chí khác.
Với thông tin truyền thông về bất động sản trên báo điện tử các phóng sự còn có vai trò tích cực trong việc chỉ ra những mặt trái, hạn chế của thị trường, quy hoạch từ đó giúp cho người dân/doanh nghiệp tham khảo, cân nhắc trong đầu tư, kinh doanh.
Biểu đồ 2.18: Thống kê thể loại phóng sự được sử dụng để truyền thông về bất động sản trên các báo được chọn khảo sát từ 01/2020 đến 12/2020
Theo biểu đồ 2.18, tác giả luận văn nhận thấy thế loại này có 28 bài (chiếm 4,67%) trong đó: Reatimes có đến 14 bài (chiếm 50%), báo SGGP có 11 bài (chiếm 39%) và báo điện tử VnExpress có 3 bài (chiếm 11%).
Tỷ lệ bài viết thuộc thể loại Phóng sự tuy chiếm 4,67% nhưng đó là sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên của các báo. Thể loại này được xem là một thể loại quan trọng, được công chúng yêu thích nhất của báo chí. Tuy nhiên với truyền thông về bất động sản thì thể loại này chỉ xếp thứ hai.
Qua khảo sát cho thấy, các bài phóng sự trên Reatimes gồm có phóng sự điều tra và phóng sự ảnh. Các bài phóng sự chủ yếu nằm ở loại thông tin về các sai phạm như bài viết “Nhiều khuất tất cần được làm rõ tại Khu tái định cư Hòa Liên 4” đăng ngày 11/09/2020, “Hàng loạt bất cập tại chung cư Hồ Gươm Plaza (Hà Nội): Ai cho phép tồn tại 272 căn hộ do chủ đầu tư ‘tự vẽ’?” đăng ngày 15/12/2020. Trên Reatimes còn có các bài phóng sự ảnh như bài “Xuống cấp, nhếch nhác khu nhà ở tái định cư” đăng ngày 30/7/2020.
Với SGGP, thể loại phóng sự được chia hẳn ra một chuyên mục riêng như hình 2.2.
Hình 2.2: Thể loại phóng sự được phân mục riêng trên báo SGGP
Phóng sự trên SGGP được chia thành nhiều kỳ, từ 3-4 kỳ và do nhóm phóng viên thực hiện như loạt 3 bài “Bát nháo phân lô, bán nền tại Nam Trung bộ - Tây Nguyên”
đăng liền trong 3 ngày 14,15,16 tháng 12/2020 hay bộ 4 bài “Lỏng lẻo quản lý đất công ở Đông Nam bộ” đăng từ ngày 28-31/12/2020.
Thể loại Phỏng vấn thể hiện dưới hình thức hỏi - đáp giữa nhà báo với một nhân vật nào đó về một sự kiện; vấn đề quan trọng hoặc quan điểm, ý kiến, phẩm chất của con người tiêu biểu. Thể loại này được sử dụng khi cần cung cấp thông tin nhanh chóng về một sự kiện, vấn đề vừa hoặc đang di ễn ra. Khi một chủ trương, chính sách mới được ban hành cần phỏng vấn để giải thích, làm rõ các vấn đề liên quan. Hoặc khi có sự kiện, vấn đề xảy ra mà công chúng chưa thống nhất cách hiểu, hoặc hiểu chưa đủ, phỏng vấn sẽ cung cấp thông tin, giúp công chúng hiểu đúng, hiểu đủ để có cách ứng xử phù hợp; khi muốn tôn vinh việc làm, hình ảnh của nhân vật nào đó.
Biểu đồ 2.19: Thống kê thể loại phỏng vấn được sử dụng để truyền thông về bất động sản trên các báo được chọn khảo sát từ 01/2020 đến 12/2020
Qua khảo sát trên báo điện tử thuộc diện khảo sát, tác giả luận văn thu được kết quả có 30 bài phỏng vấn (chiếm 5%) trong đó: Reatimes có đến 23 bài (chiếm 77%), VnExpress có 4 bài (chiếm 13%) và SGGP có 3 bài (chiếm 10%).
Trên thực tế thể loại phỏng vấn trên báo điện tử VnExpress nhiều hơn con số thống kê. Tuy nhiên phần lớn các bài viết về thể loại này trên VnExpress mang tính PR-Quảng cáo cho doanh nghiệp hoặc sản phẩm bất động sản do đó không nằm trong tiêu chí khảo sát.
Ngoài ra theo tác giả, nguyên nhân các báo ít khai thác về thể loại này vì trong truyền thông về bất động sản trên báo điện tử đối tượng được phỏng vấn thường là những nhà quản lí, những chuyên gia, luật sư, những người am tường vấn đề nhằm cung cấp cho công chúng, các doanh nghiệp những kiến thức chuyên ngành, các tài liệu, chi tiết rất xác thực, cụ thể về sự kiện, hiện tượng cũng như các vấn đề về chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước về hoặc khi xảy ra những vụ việc sai phạm của các doanh nghiệp mang tính chất ngiêm trọng.
Về phía Reatimes, do là tờ báo trực thuộc của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nên có nhiều mối quan hệ với các chuyên gia về bất động sản. Từ đó việc thực hiện các bài phỏng vấn và truyền thông bất động sản sẽ dễ dàng hơn VnExpress và Sài Gòn Giải Phóng.
Ngoài các thể loại như: Tin, bài phản ánh, phóng sự, phỏng vấn thường được sử dụng để truyền thông về bất động sản trên báo điện tử thuộc diện khảo sát, những năm trở gần đây tác giả luận văn còn ghi nhận thể loại báo chí mới đang được bạn đọc yêu thích trên báo điện tử là Emagazine và Infographic.
Bài Emagazine là kiểu bài báo đa phương tiện (multimedia) có thể bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Ở đó, người ta sử dụng tít hiệu ứng (thường được chèn trong ảnh đầu bài - gọi là cover), chữ viết trở nên linh hoạt với những phần trích dẫn được bố trí đẹp mắt, ảnh thường được thiết kế toàn màn hình (theo chiều ngang). Đây là kiểu bài bắt kịp được xu hướng của báo chí hiện nay, đặc biệt là báo điện tử: đó