Truyền thông về thị trường bất động sản

Một phần của tài liệu 1. Nguyễn Đăng Thy-Luận văn Truyền thông về bất động sản trên báo điện tử hiện nay (Trang 68 - 72)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.2.4 Truyền thông về thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản là một khái niệm rộng lớn, đặc biệt với bất động sản, thông tin truyền thông về thị trường thường xuyên “cài, cắm” thông tin PR- Quảng cáo cho dự án, sản phẩm. Trong phạm vi đề tài của luận văn này tác giả nghiên cứu thông tin truyền thông về thị trường bất động sản theo định hướng giá bất động sản. Đồng thời đánh giá tác động của Covid – 19 đến truyền thông thị trường bất động sản.

So với 6 chủ đề truyền thông được khảo sát, tỷ lệ tin bài truyền thông thị trường bất động sản xếp ở vị trí thứ 1 với 193/600 tin,bài, chiếm 32,17%. Số liệu này cũng phù hợp với mức độ quan tâm hàng đầu của bạn đọc từ kết quả của “Khảo sát về truyền thông bất động sản trên báo điện tử hiện nay” do tác giả luận văn thực hiện.

Biểu đồ 2.7: Lượng tin, bài truyền thông về thông tin thị trường trên các báo điện tử khảo sát thời gian từ tháng 1/2020-12/2020

Điểm chung về truyền thông bất động sản của 3 tờ báo khảo sát đều có nguồn chính từ Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng; Các Công ty tư vấn về bất động sản như Savills, CBRE, JLL, DKRA; Các Hiệp hội bất động sản như VNRea, HoRea, VARs… Trong đó, VnExpress có số lần khai thác nguồn nhiều hơn SGGP và Reatimes.

Biểu đồ 2.8: Thống kê các nguồn tin của truyền thông về thị trường trên các báo điện tử sản khảo sát thời gian từ tháng 1/2020-12/2020

Biểu đồ 2.9: Lượng tin, bài về tác động dịch Covid-19 đến truyền thông về thị trường trên các báo điện tử sản được khảo sát thời gian từ tháng 1/2020-12/2020

Về ảnh hưởng của dịch Covid đến thị trường, trong quý I, II đã có hàng loạt bài viết truyền thông về tác động mạnh mẽ của dịch Covid -19 đến thị trường như bài viết “Bất động sản nghỉ dưỡng điêu đứng vì Covid-19” đăng ngày 26/3/2020 trên VnExpress của phóng viên Trung Tín trích dẫn báo cáo của Savills: “Savills vừa công bố nghiên cứu tác động của đại dịch đối với ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Trong đó, công ty dự báo kịch bản tồi tệ nhất 10 năm đang đến gần khi tình trạng hạn chế di chuyển được thực hiện quyết liệt để ngăn dịch bệnh lây lan. Các chính sách liên quan đến việc di chuyển bằng đường hàng không, cấp thị thực và các biện pháp phòng ngừa Covid-19 là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành này.” [Báo VnExpress, ngày 26/3/2020].

Hay tác động trực tiếp đến doanh nghiệp như bài viết “Doanh nghiệp đầu tiên ngưng chi trả lợi nhuận cho thuê condotel vì dịch” của phóng viên Lương Thiện đăng trên báo SGGP, bài viết cho biết ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES (thuộc Tập đoàn FLC) vừa có thông báo ngừng trả lợi nhuận tiền thuê tại các dự án condotel vì dịch

Covid-19. “Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ của khách hàng để duy trì hoạt động, giải pháp cụ thể như: Tạm thời dừng chi trả lợi nhuận theo nội dung đã cam kết tại các dự án nghỉ dưỡng The Coastal Hill Quy Nhơn, Condotel Quảng Bình, Condotel Hạ Long (năm đầu)… Về thời hạn trả lợi nhuận sẽ diễn ra ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố hết dịch, khi các cơ sở kinh doanh FLC hoạt động trở lại. Ngoài ra, khách hàng có thể cân nhắc chuyển đổi phần lợi nhuận sang voucher nghỉ dưỡng, vé máy bay hoặc đổi trừ vào các sản phẩm bất động sản khác của tập đoàn.” [Báo SGGP, ngày 3/4/2020].

Ngược lại với VnExpress và SGGP, Reatimes dù có những bài viết về tác động của dịch Covid-19 nhưng luôn nhìn theo điểm sáng. Đây có thể là chủ trương của tờ Tạp chí có Cơ quan chủ quản là Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Minh chứng cụ thể qua loạt bài viết như: “Bất chấp dịch bệnh, nhà đầu tư đổ xô về vùng ven tìm kiếm đất nền có sổ” đăng ngày 21/3/2020; Bài viết “Sàn giao dịch bất động sản mùa dịch: Nơi èo uột, chốn ‘lên hương’” đăng ngày 23/3/2020; Bài viết “Cơ hội nào cho bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch?” đăng ngày 4/4/2020;…

Tuy nhiên bước sang quý III và quý IV/2020, gió đã đổi chiều, các bài báo cho thấy sự tăng giá mạnh mẻ của bất động sản trong hai quý cuối năm 2020 như bài viết của phóng viên Quốc Đại trên trên Reatimes có tiêu đề “Căn hộ cao cấp vẫn tăng giá bất chấp dịch COVID-19”. Bài viết dựa trên các báo cáo của Bộ Xây dựng, Công ty JLL,CBRE,… để đưa ra nhận định mặc dù chịu ảnh hưởng chung do Covid-19, nhưng phân khúc căn hộ cao cấp tại TP.HCM vẫn trên đà tăng giá vì nguồn cung khan hiếm. “Số liệu vừa công bố của Bộ Xây dựng về thị trường nhà ở, bất động sản quý 3/2020 cho thấy, giá nhà ở nhìn chung vẫn trong xu hướng tăng. Trong đó, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng lần lượt 0,24% và 0,35% so với quý trước. Trong khi đó, báo cáo quý 3/2020 của JLL cho thấy, so với mức giá chào bán sơ cấp của cùng kỳ năm trước, giá căn hộ tại TP.HCM vẫn trong xu hướng đi lên mạnh mẽ. Trong 3 tháng qua, các dự án nhà chung cư chào bán ra thị trường sơ cấp ghi nhận mức giá trung bình 2.423 USD/m2, tăng hơn 17% theo năm. Đây cũng là mức tăng

cao hơn biên độ trung bình của thị trường căn hộ phía Nam 5 năm qua.” [Reatimes, ngày 10/12/2020].

Bài viết của Phóng viên Tâm Anh đăng ngày 24/12/2020 trên VnExpress với tiêu đề “Bất động sản khởi sắc cuối năm” dẫn nguồn từ từ báo cáo của Bộ Xây dựng, VNRea, HoRea, DKRA để dẫn chứng thị trường tăng trưởng sau dịch “Giới chuyên gia cho rằng, thị trường địa ốc đang dần vượt qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 và trên đà phục hồi khi thị trường quý IV diễn ra tích cực và sôi động hơn so với các quý trước đó. Từ phân khúc nhà ở đến nghỉ dưỡng đều đang có những động thái tích cực. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý III, số lượng dự án và căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tại 56 địa phương tăng khoảng 82% so với quý trước. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, nguồn cung căn hộ mới cũng khả quan hơn nhiều so với những tháng đầu năm. Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường bất động sản TP HCM sẽ tăng thêm 9.147 căn trong quý IV/2020. DKRA cũng dự báo, nguồn cung mới phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP HCM trong quý IV có thể sẽ tăng so với quý III, dao động ở mức 800 - 1.000 căn.” [Báo VnExpress, ngày 24/12/2020].

Tổng kết sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thì trường được phản ánh rõ nét qua bài viết “Giá bất động sản tăng bất thường năm 2020” đăng trên VnExpress ngày 29/12/2020 của phóng viên Trung Tín như sau: “Bất chấp dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, nhiều ngành nghề điêu đứng trong năm 2020, giá nhà đất vẫn tăng vọt khiến nhiều chuyên gia quan ngại về nghịch lý bất thường này. Nhìn lại lịch sử thăng trầm của thị trường bất động sản, mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn, bất động sản cũng khủng hoảng và kéo theo hiện tượng giảm giá. Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhiều người chờ bắt đáy giá nhà đất do tác động của Covid-19, thực tế đã ngược với kỳ vọng của số đông, khi giá tài sản chỉ giảm nhỏ giọt trên thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) và vẫn leo thang, thậm chí tăng mạnh trên thị trường sơ cấp (chào bán lần đầu).” [Báo điện tử VnExpress, ngày 29/12/2020].

Một phần của tài liệu 1. Nguyễn Đăng Thy-Luận văn Truyền thông về bất động sản trên báo điện tử hiện nay (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(169 trang)
w