Hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước bằng pháp luật phụ thuộc nhiều vào chất lượng của pháp luật trong lĩnh vực mà pháp luật điều chỉnh nói riêng và cả hệ thống pháp luật nói chung. Đối với hoạt động thương mại, quản lý nhà nước bằng pháp luật đòi hỏi pháp luật thương mại cũng như cả hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật lập pháp và phải ổn định tương đối. Pháp luật hoàn chỉnh được hiểu là cả hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật thương mại nói riêng phải có đủ các văn bản luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng như quan hệ pháp luật thương mại; tính đồng bộ của pháp luật đòi hỏi trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật thương mại nói riêng không còn những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, triệt tiêu nhau; chất lượng cao và ổn định tương đối của pháp luật được hiểu là các văn bản pháp luật phải được trình bày bảo đảm yêu cầu của kỹ thuật lập pháp, nội dung của pháp luật phù hợp với thực tế trong một khoảng thời gian nhất định, không thể có tình trạng vừa ban hành phải sửa đổi ngay vì lạc hậu, không phù hợp thực tế.
Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động thương mại ở CHDCND Lào, cả về lý luận và thực tiễn, đều cho thấy, muốn có hiệu quả cần phải khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có pháp luật trong lĩnh vực thương mại. Pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, chất lượng cao là tiền đề, là cơ sở pháp lý cho hoạt động trong lĩnh vực thương mại được thực hiện theo yêu cầu của pháp chế xã hội chủ nghĩa bảo
đảm đúng đường lối của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của đất nước, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật thương mại nói riêng ở CHDCND Lào hiện nay cần xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh và chủ động hội nhập khu vực và quốc tế đồng thời gắn với thực tiễn của đất nước Lào. Không thể nóng vội, chủ quan duy ý chí thoát ly thực tiễn. Phải điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm thị trường và đời sống thương mại ở CHDCND Lào để có những quy định phù hợp thực tiễn, khả thi. Đương nhiên trong nội dung pháp luật thương mại cũng cần hướng đến những giá trị phổ quát, tiến bộ, văn minh của nhân loại trong quan hệ thương mại để bảo đảm yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, không thể dựa dẫm vào trình độ chậm phát triển mãi được. Tóm lại, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật thương mại nói riêng là điều kiện cần thiết tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm quản lý nhà nước bằng pháp luật có hiệu lực, hiệu quả hơn.