Ngày 2 tháng 12 năm 1975 là mốc lịch sử trọng đại đối toàn thể nhân dân Lào, đất nước được độc lập và chính thức lấy tên nước là CHDCND Lào. Nhà nước dân chủ nhân dân Lào, tổ chức và hoạt động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức xã hội và đoàn thể quần chúng. Trong đó Đảng NDCM Lào là “hạt nhân lãnh đạo” toàn diện. Cấu trúc Nhà nước là bộ phận lớn nhất của hệ thống chính trị. Đây là công cụ điều tiết các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ chính trị và quan hệ kinh tế. Hệ thống nhà nước CHDCND Lào được xây dựng 3 cấp: Trung ương, tỉnh và huyện được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc thống nhất, tạo thành một cơ chế đồng bộ, “kiêm nhiệm”, vừa đảm bảo sự tập trung thống nhất quyền lực, vừa đảm bảo sự phân công phân cấp về trách nhiệm và quyền hạn.
Nhà nước dân chủ nhân dân do dân bầu ra là biểu hiện tập trung nhất quyền lực của nhân dân, là công cụ thực hiện có hiệu lực nhất quyền lực nhân dân, không chỉ trong quan hệ chính trị đối nội, mà cả trong quan hệ quốc tế.
Vì vậy, hệ thống chính trị CHDCND Lào mang tính thống nhất cao, thực hiện quyền lực nhân dân, phát huy tính tích cực chính trị cao của quần chúng lao động. Đến cuối năm 1991, Hiến pháp Lào được ban hành bằng sắc lệnh của Chủ tịch nước ký ngày 15-8-1991 và Lào quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội khóa III (1991-1995) ngày 20-12-1991 theo tinh thần Hiến pháp 1991 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội mới. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân các bộ tộc Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào.
Đối với thể chế chính trị ở Lào, việc xác định một Đảng duy nhất lãnh đạo, một hệ thống quyền lực thống nhất là hoàn toàn đúng đắn nhưng khi vận hành cả hệ thống chính trị thì việc phân biệt vai trò, chức năng của Đảng và chính quyền cấp tỉnh, bộ, ngành còn hết sức phức tạp. Điều này cần có các giải pháp cụ thể để phân biệt danh giới mối quan hệ giữa vai trò, chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng tổ chức thực hiện của chính quyền. Thực tế ở Lào vẫn còn tồn tại tình trạng chồng chéo, chờ đợi nhau hoặc động chạm giữa cấp ủy với chính quyền. Nếu xử lý không nhuần nhuyễn vấn đề này thì rất dễ bị dư luận trong và ngoài nước phê phán.
Trong sinh hoạt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ được duy trì tuyệt đối ở mọi lúc, mọi nơi. Nhìn chung, dân chúng và các đảng viên ở Lào luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng NDCM Lào và pháp luật của Nhà nước. Nhân dân Lào nói chung rất hiền lành, mến khách, thật thà, không lừa dối, luôn tôn trọng chính quyền. Hơn nữa không gian sinh tồn rộng, điều kiện sống được thiên nhiên ưu đãi, tuy không giàu sang, phú quý nhưng luôn có cái ăn, cái mặc; không bị sức ép về dân số, lao động, việc làm đến mức căng thẳng như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Đây là những yếu tố thuận lợi cho quản lý nhà nước bằng pháp luật nói chung và quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động thương mại nói riêng.