với hoạt động thương mại
Thương mại là một bộ phận của kinh tế quốc dân. Chức năng quản lý của Nhà nước về thương mại là những nhiệm vụ tổng hợp mà nhà nước phải thực hiện để thúc đẩy thương mại phát triển bền vững. Cụ thể như sau:
Một là, chức năng tạo lập môi trường: Nhà nước tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển theo xu hướng tự do hóa thương mại ngày nay. Trước hết và quan trọng nhất là môi trường về chính trị - xã hội ổn định. Đồng thời nhà nước phải tạo lập môi trường pháp lý, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, cùng một sân chơi chung, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Nhà nước kết hợp các quy luật kinh tế khách quan với chủ trương chính sách, cơ chế nhằm phát huy tác dụng chức năng và nhiệm vụ thương mại, mở rộng thị trường, khuyến khích phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hàng hóa và dịch vụ của xã hội.
Hai là, chức năng định hướng chiến lược và hướng dẫn phát triển thương mại: Nhà nước định hướng chiến lược phát triển thương mại phù hợp điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và phù hợp xu thế của thời đại và điều kiện kinh tế, thương mại khu vực và toàn cầu. Hướng dẫn ban hành những chủ trương, chính sách và mục tiêu chiến lược cho sự phát triển của thương mại.
Ba là, chức năng tổ chức: Tổ chức là một chức năng quan trọng của quản lý nhà nước về thương mại, nhất là trong điều kiện của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập hiện nay, đảm bảo trật tự và ổn định trong hoạt động kinh doanh, ngăn ngừa những hoạt động vô tổ chức hay hành động tự do vô chính phủ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hoạt động kinh doanh.
Bốn là, chức năng điều tiết: Nhà nước điều tiết hoạt động thương mại trong nền kinh tế thị trường trên cơ sở tuân thủ các quy luật khách quan của kinh tế thị trường vừa tham gia bổ sung cho thị trường khi cần thiết. Nhà nước cung cấp hàng hóa công cộng và dịch vụ công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo, củng cố nền dân chủ, công bằng và phúc lợi xã hội, xây dựng nền tảng văn minh thương mại, bảo hộ quyền lợi người tiêu dùng, giảm bớt khoảng cách chênh lệch giầu nghèo giữa các tầng lớp dân cư.
Năm là, chức năng kiểm tra: Nhà nước thực hiện chức năng kiểm tra kiểm soát hoạt động thương mại, nhằm đảm bảo trật tự, kỷ luật kỷ cương; uốn nắn những hiện tượng và hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa những hành động tiêu cực, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn tránh thuế...
nhằm bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật, cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi của Nhà nước, của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Về mặt phương pháp luận, trong quá trình tổ chức nền kinh tế nói chung, thương mại nói riêng cần phải phân định được hai chức năng: Chức năng quản lý nhà nước về thương mại và chức năng quản lý kinh doanh. Hai chức năng này do hai loại tổ chức khác nhau thực hiện. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Chức năng quản lý kinh doanh do các doanh nghiệp thực hiện. Hai chức năng này cũng như hai loại tổ chức trên đây vừa độc lập với nhau vừa có quan hệ mật thiết, hỗ trợ, tác động lẫn nhau. Trong quá trình tổ chức nền kinh tế cần phải phân định và nhận thức được mối quan hệ giữa hai chức năng này, không nhận thức rõ vấn đề này sẽ dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng.
Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung hai chức năng này không được phân biệt một cách thật rõ ràng. Các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp sâu vào các quyết định sản xuất kinh doanh, nhưng lại không chịu trách nhiệm về sự can thiệp ấy. Hoạt động kinh doanh bị gò bó trong các hệ thống kế hoạch và chỉ tiêu pháp lệnh mang tính chất bắt buộc. Các đơn vị kinh doanh không có quyền tự chủ trong quyết định sản xuất và kinh doanh. Sự lẫn lộn giữa hai
chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh đã thủ tiêu động lực, tính năng động, sáng tạo của các đơn vị kinh tế, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, khủng hoảng về kinh tế - xã hội trong hệ thống nền kế hoạch kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp của các nước XHCN trước đây.
Chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng quản lý kinh doanh có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại với nhau. Đó là mối quan hệ giữa quản lý điều tiết vĩ mô với tổ chức hoạt động vi mô của nền kinh tế. Các cơ quan quản lý hành chính kinh tế định hướng và điều phối các hoạt động sản xuất kinh doanh theo mục tiêu chiến lược, hạn chế các hậu quả xấu và sự phá sản của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp căn cứ vào định hướng và hành lang đã được tạo dựng để tổ chức các hoạt động và tác động trở lại các cơ quan quản lý phải điều chỉnh các chế tài của mình cho thích ứng với thực tiễn kinh doanh.