7. Kết cấu của đề tài
3.3. Xây dựng mối quan hệ tốt giữa độc giả và người làm công tác lưu trữ
Có nhiều ý kiến không hài lòng khi đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vì thái độ của một số viên chức phòng Đọc. Một số độc giả cho rằng thái độ phục vụ của một số viên chức phòng Đọc còn chưa nhiệt tình, hòa nhã. Tại Điều 7 Chương II của Quy định về đạo đức, ứng xử của viên chức làm công tác lưu trữ ban hành kèm theo Quyết định số 916/QĐ-BNV ngày 20/4/2016 của Bộ Nội vụ đã quy định cụ thể những việc phải làm của viên chức làm lưu trữ đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là: “lịch sự, hòa nhã, văn minh, chân thành, cởi mở khi giao tiếp; chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho độc giả đến khai thác tài liệu và tôn trọng,
lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của người đến công tác” [13;4]. Vì vậy, để
khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cần xây dựng một đội ngũ cán bộ lưu trữ không chỉ làm nghiệp vụ chuyên môn tốt mà còn là những cán bộ tâm huyết, nhiệt tình và biết cống hiến để trong mắt độ giả “các cơ quan lưu trữ là một điểm đến văn hóa”. Hơn nữa, cần hướng dẫn độc giả khai thác tài liệu để tạo điều kiện thuận lợi giúp người có nhu cầu khai thác sử dụng tài liệu có cơ hội, điều kiện tiếp xúc với tài liệu được nhanh hơn, thuận tiện và dễ dàng hơn. Để làm tốt những điều đó, các cơ quan lưu trữ cần quán triệt tư tưởng thống nhất là khi làm nghiệp vụ lưu trữ, các cán bộ lưu trữ cần gần gũi với quần chúng nhân dân, phục vụ cho nhân dân, lấy nhu cầu của nhân dân làm nhiệm vụ quan trọng để làm cho mối quan hệ giữa các viên chức lưu trữ và độc giả ngày càng tốt đẹp hơn. Quan trọng nhất là mỗi cán bộ lưu trữ cần phải nhận thức được trách nhiệm cao cả của mình đối với sứ mệnh “gìn giữ và bảo vệ ký ức lịch sử của dân tộc”, có thể áp dụng tiêu chuẩn 4s trong giao tiếp là tươi cười, lịch sự, mau lẹ và chân thành (Smile, Smart, Speed, Sincerity) cho mỗi cán bộ lưu trữ mỗi khi tiếp xúc và làm việc với độc giả.