THỰC TRẠNG KSC THƯỜNG XUYÊN NSNN ĐỐI VỚI ĐVSNCL QUA KBNN SƠN TRÀ
2.3.3.2. Về hệ thống pháp lý
Thứ nhất, Nghị định 16/2015/NĐ-CP thay đổi căn bản phương thức tự chủ đầu tư ngân sách với lĩnh vực dịch vụ công, do đây là việc mới nên gặp rất nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành triển khai thận trọng trong văn bản hướng dẫn và một số đơn vị có tâm lý chưa sẵn sàng, vẫn mong ngân sách hỗ trợ. Khi các đơn vị tự chủ ngân sách, ngân sách Nhà nước sẽ được cơ cấu lại, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách khó khăn như lĩnh vực y tế. Tổng chi ngân sách nhà nước với các lĩnh vực không giảm, nhưng cơ cấu ngân sách Nhà nước có thay đổi,
thay vì chi trực tiếp đơn vị sự nghiệp công, hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách công, đối tượng chính sách nghèo, người có công, vùng sâu xa khó khăn thì nay dịch chuyển sang hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, nghĩa là sẽ thúc đẩy nhanh quá trình mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ trên được xác định là do Nghị định 16/2015/NĐ-CP ban hành những quy định khung làm căn cứ để xây dựng, ban hành các quy định phù hợp với đặc thù hoạt động của các lĩnh vực chuyên ngành. Mặc dù vậy, nhiều bộ, ngành, cơ quan còn nhận thức chưa đầy đủ các quy định mới, lúng túng khi xây dựng các quy định để cụ thể hóa nội dung các quy định khung tại Nghị định. Nhiều cơ quan sao chép nguyên văn các nội dung quy định của Nghị định vào quy định của ngành nên các quy định này chưa gắn với đặc thù hoạt động của ngành.
Thứ hai, chưa thực hiện KSC thường xuyên gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của ĐVSNCL do việc lập, quyết định, phân bổ và quản lý ngân sách chưa thực sự gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của ĐVSNCL; do chưa cơ chế KSC theo mức độ rủi ro đối với từng loại hình đơn vị sử dụng NSNN, nội dung chi và giá trị khoản chi, gắn với việc tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng NSNN và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KBNN.
Thứ ba, việc thanh toán qua thẻ tín dụng còn chưa phổ biến, chưa tận dụng được triệt để các lợi ích do thanh toán thẻ mang lại, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sử dụng của các ĐVSNCL và hạn chế của mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ (POS/EDC) hiện nay; về việc thanh toán tự động theo ủy nhiệm chi của ĐVSNCL cho nhà cung cấp đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị đã sử dụng (điện, nước, viễn thông…), nguyên nhân do hệ thống KBNN chưa ký phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà ĐVSNCL đã sử dụng.
Thứ tư, do tỷ lệ trượt giá, lạm phát qua các năm tăng lên càng làm cho hệ thống hệ thống tiêu chuẩn, chế độ, định mức đã lạc hậu lại càng lạc hậu hơn, không phù hợp với thực tế giá cả thị trường. Việc giao quyền quyết định tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi giữa Trung ương và địa phương cũng có sự khó khăn, không thống
nhất, nên đã ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí còn gặp khó khăn, vướng mắc cho công tác kiểm soát chi của KBNN, cũng như việc quyết định chi tiêu của ĐVSNCL.
Thứ năm, do mỗi Bộ, ngành và địa phương có những đặc thù khác nhau về thời điểm, địa điểm nên các tiêu chuẩn, chế độ, định mức luôn thay đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, công tác triển khai, chấp hành các tiêu chuẩn, chế độ, định mức khi thay đổi, bổ sung chưa được chú trọng, chưa có một đầu mối thống nhất, chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát kịp thời và nghiêm túc.
Thứ sáu, do trách nhiệm giữa người chuẩn chi (thủ trưởng đơn vị) và người KSC (KBNN) chưa được phân định rõ ràng. Ví dụ: các quy định về trách nhiệm các bên tham gia quản lý chi NSNN mới chỉ được đề cập ở mức độ chung, chưa cụ thể, chi tiết. Trong các văn bản chưa hướng dẫn rõ các sai phạm nào thuộc trách nhiệm của người KSC (KBNN), của cơ quan quản lý cấp trên hay của ĐVSNCL. Chính vì vậy, việc xác định người chịu trách nhiệm trước những sai phạm trong quản lý chi NSNN hiện nay không rõ ràng, kéo theo việc xác định trách nhiệm vật chất trước những sai phạm đó cũng hết sức khó khăn. KBNN được giao trách nhiệm cao trong KSC NSNN nhưng tính hiệu lực trong KSC chưa cao. Đó là, thực hiện chức năng KSC, KBNN đã không ngừng nâng cao chất lượng KSC, kiên quyết từ chối thanh toán hàng trăm tỷ đồng nếu không có trong dự toán, hoặc không đúng chế độ quy định. Tuy nhiên, việc kiểm soát lại theo bảng kê thanh toán hoặc quy chế chi tiêu nội bộ, mà bảng kê thanh toán thì không phản ánh trung thực khách quan việc sử dụng NSNN; quy chế chi tiêu nội bộ thì chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định mà chỉ do ĐVSNCL tự xây dựng. Hơn nữa, việc từ chối của KBNN về bản chất cũng chỉ là việc thông báo cho ĐVSNCL biết để hiệu chỉnh, bổ sung hoặc thay thế nội dung chi mà thôi chứ hoàn toàn không thu hồi được khoản đã chi sai, vì vậy hiệu lực của công tác KSC qua KBNN chưa cao.
Thứ bảy, nguyên nhân dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm các quy định quản lý, cấp phát, quyết toán chi NSNN, các khoản chi sai phải thu hồi giảm chi là do thiếu các biện pháp, chế tài xử lý đối với những vi phạm trong việc chấp hành chế độ chi tiêu NSNN; thủ trưởng ĐVSNCL thiếu trách nhiệm khi ra quyết định
chuẩn chi; việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa rõ ràng và chồng chéo.
Thứ tám, về cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt, nhìn chung các đơn vị SNCL trên địa bàn quận Sơn Trà đã thực hiện nghiêm chỉnh việc chi trả các khoản tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng ... của cán bộ công chức thuộc đơn vị qua tài khoản trung gian của ĐVSNCL mở tại ngân hàng thương mại cũng như thanh toán chuyển khoản trực tiếp cho người cung cấp hàng hoá dịch vụ theo quy định tại Thông tư 136/2018/TT-BTC. Tuy nhiên còn một số nội dung chi chưa thực hiện chuyển khoản được mà phải thực hiện theo phương thức là đơn vị tạm ứng bằng tiền mặt tại Kho bạc về chi trả cho đối tượng thụ hưởng, như các khoản học bổng cho học sinh, sinh viên của các trường; chi cho cán bộ thôn, tổ dân phố ở xã, phường; chi cho các đối tượng được NSNN hỗ trợ … dù các đối tượng này có tài khoản tại ngân hàng, nhưng ĐVSNCL vẫn phải tạm ứng bằng tiền mặt về để chi, do muốn chuyển khoản cho các đối tượng này thì phải chuyển trực tiếp cho từng người thụ hưởng, như vậy sẽ rất nhiều hồ sơ, chứng từ (có khi một lần chuyển khoản là vài trăm người) gây mất thời gian, lãng phí cho ĐVSNCL và cho KBNN.