Tình hình phân cấp chi trả BHXH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý chi bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố thái nguyên (Trang 66 - 71)

5. Bố cục của luận văn

3.2.1. Tình hình phân cấp chi trả BHXH

3.2.1.1. Quy trình chi trả chế độ BHXH

Thông thường hệ thống BHXH được tổ chức theo nhiều cấp từ Trung ương xuống địa phương. Trong đó mỗi cấp vừa chịu sự ràng buộc bởi các chế độ, thể lệ chung, vừa có tính chất tự chủ. Phân cấp chi BHXH được hiếu là sự phân định phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn và các chế độ BHXH của các cấp cơ quan BHXH trong việc tổ chức thực hiện chi trả chế độ BHXH. Cơ quan BHXH Trung ương là cơ quan quản lý, quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, loại chế độ, đối tượng quản lý cho BHXH các cấp địa phương cũng như đơn vị có liên quan. Cơ quan BHXH địa phương có trách nhiệm tổ chức chi trả trợ cấp các chế độ BHXH theo phân cấp của cơ quan BHXH Trung ương.

Sơ đồ 3.2: Quy trình chi trả chế độ BHXH hàng tháng

(Nguồn: BHXH Việt Nam,2014)

(1): Hàng tháng, Bộ tài chính cấp kinh phí từ nguồn NSNN cho BHXH Việt Nam để chi trả các chế độ BHXH cho các đối tượng thụ hưởng từ

01/01/1995 trở về trước. Kết thúc năm tài chính, BHXH Việt Nam phải tổng hợp báo cáo quyết toán chi BHXH của toàn ngành gửi Bộ tài chính kiểm tra và phê duyệt chi BHXH.

(2): Hàng tháng, BHXH Việt Nam cấp kinh phí cho BHXH tỉnh để thực hiện chi trả các chế độ BHXH cho NLĐ, BHXH tỉnh được mở tài khoản ”chuyên chi BHXH” tại ngân hàng NN & PTNT và chỉ được phép sử dụng tiền trong tài khoản để chi trả cho các đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH tỉnh trực tiếp quản lý và cấp cho cơ quan BHXH huyện để có kinh phí chi trả cho các đối tượng thụ hưởng mà BHXH huyện trực tiếp quản lý.

(3): Tương tự như tại BHXH tỉnh, BHXH huyện được mở tài khoản ”chuyên chi BHXH” để tiếp nhận kinh phí do BHXH tỉnh chuyển về dùng để chi cho các đối tượng hưởng các chế độ BHXH do BHXH huyện quản lý và BHXH tỉnh ủy quyền.

(4): BHXH tỉnh, BHXH huyện thực hiện tiếp nhận hồ sơ do NLĐ và người SDLĐ lập gửi đến, thực hiện thẩm định, quản lý và tổ chức chi trả cho đối tượng được hưởng.

(5): Hàng tháng BHXH huyện lập báo cáo danh sách giảm hưởng BHXH theo mẫu: đối tượng giảm do chết, hết hạn hưởng, đối tượng không nhận lương hưu và trợ cấp BHXH quá 3 tháng liên tục, đối tượng vi phạm pháp luật bị kết án tù giam, đối tượng di chuyển, biến động nội bộ huyện báo cáo về phòng chế độ BHXH, trường hợp đối tượng hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng quá 15 tuổi, BHXH huyện lập danh sách kèm theo giấy xác nhận còn đi học.

(6): Căn cứ vào kết quả giải quyết chế độ BHXH của tháng trước và những biến động về đối tượng, mức hưởng và báo cáo đối tượng giảm do BHXH huyện gửi lên; Phòng chế độ BHXH lập hồ sơ kế hoạch chi lương hưu và trợ cấp BHXH, danh sách báo tăng, giảm, danh sách điều chỉnh tăng giảm hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, danh sách đối tượng hưởng trợ cấp một lần và truy lĩnh.

(7): Phòng Kế hoạch – Tài chính căn cứ vào hồ sơ kế hoạch chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, lập Bảng tổng hợp danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, kế hoạch chi lương hưu và trợ cấp BHXH; Danh sách thu hồi

kinh phí theo từng chế độ, từng nơi nhận trợ cấp (xã, phường) và thời gian hưởng sai; Bảng tổng hợp đề nghị cấp kinh phí và sau đó trước ngày 02 hàng tháng, trực tiếp bàn giao hồ sơ kế hoạch chi lương hưu và trợ cấp BHXH cho BHXH huyện.

(8): BHXH huyện sau khi nhận Danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, kiểm tra lại và tiến hành rút tiền từ Ngân hàng NN&PTNT cung cấp để chi trả trực tiếp tại Đại diện chi trả cho đối tượng theo từng phường/ xã, trên địa bàn.

(9): Đối với đối tượng đăng ký nhận lương hưu qua tài khoản ATM thì trước ngày mồng 10 hàng tháng BHXH huyện chuyển kinh phí và Danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho ngân hàng cung ứng dịch vụ. Chậm nhất ba ngày kể từ khi nhận được kinh phí cơ quan BHXH chuyển đến, ngân hàng tiến hành chuyển tiền vào tài khoản ATM cho từng đối tượng. Định kỳ, tháng 5 và tháng 11 hàng năm BHXH huyện chuyển Danh sách chi trả cho Ban chi trả trên địa bàn xã, phường, thị trấn để lấy chữ ký xác nhận của đối tượng hưởng đang nhận lương hưu trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM.

(10): BHXH huyện căn cứ vào hồ sơ kế hoạch chi trả lương hưu do BHXH tỉnh chuyển xuống, chủ động thông báo lịch chi trả, lịch cấp tiền cho các Đại lý chi trả và lập kế hoạch tiền mặt trước 02 ngày dự kiến rút tiền mặt với Ngân hàng NN&PTNT cùng cấp để đảm bảo lượng tiền mặt chi trả.

(11): Đại lý chi trả nhận Danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, tạm ứng tiền để chi trả cho đối tượng theo địa bàn. Hàng tháng, đối tượng hưởng chế độ BHXH trực tiếp đến Đại lý chi trả nhận lương hưu hoặc trợ cấp BHXH.

Chậm nhất sau 07 ngày kể từ ngày nhận được tiền của cơ quan BHXH. Đại lý chi trả phải cùng với BHXH huyện đối chiếu và lập Bảng thanh quyết toán chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, nộp Danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng có ký nhận của người lĩnh tiền cùng những giấy ủy quyền hết hạn nhận tiền đối tượng chưa nhận nếu có.

(12): Sau mỗi kỳ chi trả, BHXH huyện lập báo cáo về tình hình chi trả chế độ BHXH hàng tháng gửi về BHXH tỉnh.

3.2.1.2. Phân cấp quản lý chi BHXH

BHXH thành phố Thái Nguyên được phân cấp quản lý chi BHXH đối với các đối tượng hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27/5/2016 của BHXH Việt Nam; quy trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ tại Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của BHXH Việt Nam. Việc phân cấp thực hiện quản lý chi BHXH tại thành phố Thái Nguyên đang được thực hiện như sau:

* Phân cấp quản lý đối tượng hưởng:

BHXH thành phố Thái Nguyên có nhiệm vụ quản lý và giám sát các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp trên toàn thành phố Thái Nguyên. Hàng tháng, BHXH thành phố phối hợp cùng với đơn vị Bưu điện thành phố theo hợp đồng đã ký để thực hiện nắm bắt thông tin các đối tượng hưởng để tổng hợp cho cơ quan BHXH tỉnh các trường hợp giảm, thực hiện tổng hợp người hưởng thay đổi phương thức nhận chế độ.

Phân cấp chi trả các chế độ BHXH:

- Chi chế độ ốm đau, thai sản (bao gồm nghỉ DSPHSK sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật do TNLĐ-BNN) cho người lao động; chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ khi trở lại làm việc cho đơn vị sử dụng lao động do BHXH thành phố quản lý thu theo phân cấp.

- Chi trả các chế độ BHXH cho người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, tự đóng tiếp BHXH, nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề để duy trì việc làm cho đơn vị SDLĐ do BHXH thành phố quản lý thu theo phân cấp.

- Chi BHXH một lần đối với người hưởng chế độ BHXH hàng tháng ra nước ngoài định cư; chi truy lĩnh BHXH một lần khi người hưởng nộp giấy đề nghị tại cơ quan BHXH thành phố.

- Ghi thu, ghi chi số tiền đóng BHYT của người hưởng chế độ BHXH hàng tháng theo phân cấp.

- Hàng tháng thực hiện công tác giám sát chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần do Bưu điện chi trả theo lịch đã quy định tại các xã, phường

và thực hiện quyết toán với Bưu điện thành phố sau mỗi kỳ chi trả.

- Hàng tháng, tiếp nhận các nguồn kinh phí thuộc ngân sách và quỹ BHXH để thực hiện chi và quyết toán với BHXH tỉnh.

Trong cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành BHXH không có cơ quan BHXH cấp xã, phường, thị trấn do đó không có tổ chức cán bộ chuyên trách trực tiếp để chi trả tại các địa bàn mà phải thực hiện thông qua các đại lý chi trả là Bưu điện. BHXH thành phố Thái Nguyên là đơn vị quản lý đối tượng và giám sát Bưu điện thực hiện chi trả và quản lý đối tượng.

BHXH thành phố Thái Nguyên tổ chức bộ máy cơ quan theo đúng thẩm quyền được BHXH Việt Nam phân cấp, với số lượng biên chế hiện nay được BHXH tỉnh Thái Nguyên giao còn thiếu so với nhu cầu nhiệm vụ, tuy nhiên để hoàn thành nhiệm vụ chung, ngoài việc phân công cho từng viện chức, lao động hợp đồng chịu trách nhiệm từng mảng công tác riêng nhưng vẫn phải hỗ trợ nhau lúc cần thiết.

Quy trình chi các chế độ BHXH tại BHXH thành phố Thái Nguyên được tiến hành hợp lý, đúng theo quy định của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Thái Nguyên và áp dụng linh hoạt cho phù hợp với điều kiện hiện tại của thành phố và của các đối tượng hưởng chế độ BHXH trên địa bàn. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác chi BHXH đã góp phần đẩy mạnh việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết các chế độ BHXH để thực hiện giải quyết đúng - đủ - kịp thời các chế độ BHXH đối với NLĐ.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người hưởng, hiện nay BHXH thành phố Thái Nguyên đang thực hiện 2 hình thức chi trả chính là chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp. Trong thời gian qua, việc tổ chức quản lý và chi các chế độ ở BHXH thành phố Thái Nguyên về cơ bản đã áp ứng được yêu cầu của các đối tượng. Với mạng lưới hệ thống bưu điện bao phủ đến cấp xã phường, thị trấn, đội ngũ nhân viên bưu điện sẵn có, nhiều kinh nghiệm trong phục vụ khách hàng nên việc chi trả và quản lý đối tượng hưởng BHXH có nhiều thuận lợi, đảm bảo thường xuyên cập nhật, nắm bắt kịp thời, thường xuyên tình hình biến động của đối tượng hưởng trợ cấp BHXH, đảm bảo quản lý thông tin đối tượng hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho

các đối tượng hưởng BHXH. Tuy nhiên, thời gian chi trả tại mỗi điểm vẫn chưa được bố trí vào một ngày ổn định trong tháng, thường xuyên thay đổi khiến người thụ hưởng không thể chủ động, sắp xếp công việc đến nhận. Công tác quyết toán chi BHXH bằng tiền mặt, tuy ký hợp đồng chi chế độ BHXH với Bưu điện nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn trong quá trình vận chuyển tiền mặt với số lượng lớn. Nhân viên Bưu điện chưa thông suốt về văn bản liên quan đến chế độ BHXH khi người dân cần tư vấn, giúp đỡ. Trường hợp đối tượng tuất hàng tháng, hưu trí…người nhận thay dựa vào giấy ủy quyền nên khó xác định được đối tượng đã chết chưa, có trường hợp người hưởng chết đã lâu nhưng vẫn chi trả hàng tháng cho người thân thông qua giấy ủy quyền.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý chi bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố thái nguyên (Trang 66 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)