“Phát triển Giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Đây là quan điểm chỉ đạo đổi mới về giáo dục của nước ta hiện nay và có thể thấy được quan điểm này tập trung nhấn mạnh vào việc phát triển tối đa phẩm chất năng lực của người học. Đa dạng hoá các phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại nhằm phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động, sáng tạo đồng thời khả năng biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào những điều kiện hoàn cảnh thực tế. Ngoài ra, hình thức học tập cũng được mở rộng hơn, từ học chủ yếu trên lớp được đẩy mạnh ra môi trường học tập bên ngoài như tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khoá...[59]
Hiện nay, GDMN Việt Nam đã “Tiếp tục đổi mới và chuẩn hoá nội dung GDMN, chú trọng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách”. Chương trình GDMN đã xác định rằng các nội dung của 5 lĩnh vực giáo dục chủ yếu được tổ chức theo hướng tích hợp theo các chủ đề gần gũi với cuộc sống xung quanh trẻ, phù hợp với từng hoàn cảnh địa phương nơi trẻ sinh sống nhằm mục đích phát triển toàn diện các lĩnh vực cho trẻ.
Xu hướng mới trong GDMN hiện nay nhấn mạnh nhiều vào việc trẻ “Học như thế nào” hơn là việc “Trẻ học cái gì”. Do đó, “Học thông qua chơi” là cách học đúng với bản chất học của trẻ dưới 6 tuổi nhất nhằm tạo ra điều kiện học với tâm thế thoải mái nhất cho trẻ. Việc học được diễn ra một cách tự nhiên, gây được nhiều hứng thú cũng như kích thích sự tò mò, ham hiểu biết, lòng say mê và sự tích cực ở trẻ; trẻ được tự do tiếp nhận tri thức từ cuộc sống thông qua nhiều cách thức trải nghiệm khác nhau, làm cho việc học của trẻ trở nên phong phú và đa dạng hơn. Và môi trường đóng một vai trò vô cùng trong cách học này, trẻ học được rất nhiều thông qua môi trường vật chất và môi trường tâm lý - xã hội. Cần cho trẻ được tự do tương tác giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với cô giáo, thông qua việc tương tác đó trẻ học được nhiều điều mới lạ trong
cuộc sống theo cách riêng của từng trẻ. Hãy cho trẻ có quyền được sai và chấp nhận việc mình sai, vì trẻ sẽ học được nhiều cái đúng từ những cái sai như vậy, kiến thức trong trẻ sẽ được lưu giữ lâu hơn thông qua việc trực tiếp trải nghiệm hơn là nhớ máy móc. Trẻ mầm non theo xu hướng mới hiện nay không còn là những đứa trẻ ngồi trong lớp để chờ được biết thêm kiến thức mới mà trẻ đã được tham gia rất nhiều hoạt động bên ngoài như bơi lội, đi công viên, xem biểu diễn nghệ thuật, các khu vui chơi định hướng nghề... Tất cả điều đó làm nâng cao sự hiểu biết và lòng ham học hỏi ở trẻ.
Cùng với việc đổi mới trong việc dạy và học, cùng với các phương pháp và hình thức tổ chức ngày càng đa dạng hơn trong việc giáo dục trẻ mầm non, bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải nhắc đến vấn đề đánh giá trẻ trong giai đoạn hiện nay. Không còn nữa kiểu đánh giá truyền thống chỉ tập trung vào kiến thức và kỹ năng của trẻ như thế nào, vào việc chỉ đánh giá kết quả giữa năm học và cuối kỳ, việc đánh giá chỉ tập trung vào trẻ và những sản phẩm cuối cùng mà trẻ tạo ra. Đánh giá trong giai đoạn hiện nay tập trung nhiều vào việc đánh giá quá trình hoạt động của trẻ thông qua việc thường xuyên tổ chức các nhiệm vụ học tập cho trẻ để đo đạc khả năng của trẻ, đồng thời chú trọng nhiều hơn đến các kinh nghiệm cũng như sự tiến bộ theo từng giai đoạn của trẻ. Việc đánh giá theo quá trình như vậy nhằm mục đích thu thập những thông tin về năng lực của trẻ cũng như chất lượng giảng dạy của giáo viên, để từ đó điều chỉnh kịp thời các kế hoạch giáo dục nhằm giúp trẻ tiến bộ hơn trong quá trình học tập.[59]