Ở tuổi mẫu giáo nhỡ, tư duy trực quan - hình tượng phát triển mạnh đã giúp trẻ giải quyết một số bài toán thực tiễn. Nhưng trong thực tế, những thuộc tính bản chất của sự vật và hiện tượng mà trẻ cần tìm hiểu lại bị che giấu không thể hình dung được bằng hình ảnh. Kiểu tư duy này không đáp ứng được nhu cầu nhận thức đang phát
triển mạnh ở trẻ mẫu giáo lớn, cho nên bên cạnh việc phát triển tư duy trực quan - hình tượng vẫn mạnh mẽ như trước đây, còn cần phải phát triển thêm một kiểu tư duy trực quan - hình tượng mới rất phù hợp với khả năng và nhu cầu phát triển của trẻ ở cuối tuổi mẫu giáo: Đó là kiểu tư duy trực quan - sơ đồ [14].
Kiểu tư duy này tạo ra cho trẻ một khả năng phản ánh những mối liên hệ tồn tại khách quan, không bị phụ thuộc vào hành động hay ý muốn chủ quan của bản thân đứa trẻ. Sự phản ánh những mối liên hệ khách quan là điều kiện cần thiết để lĩnh hội những tri thức vượt ra ngoài khuôn khổ của việc tìm hiểu từng vật riêng lẻ với những thuộc tính sinh động của chúng để đạt tới tri thức khái quát. Tuy tư duy trực quan - sơ đồ vẫn giữ tính chất hình tượng nhưng đã mất đi những chi tiết rườm rà, chỉ còn giữ lại những thuộc tính chủ yếu, những mối liên hệ khách quan, giúp trẻ phản ánh một cách khái quát về những sự vật chứ không phải là từng vật riêng lẻ.
Kĩ năng sử dụng các hình tượng được sơ đồ hóa là một thành tựu lớn trong sự phát triển tư duy của trẻ. Nó cho phép trẻ đi sâu vào những mối quan hệ phức tạp của sự vật và mở ra khả năng nhìn thấy mặt bản chất của sự vật và hiện tượng mà tư duy trực quan - hình tượng bình thường không cho phép nhìn thấy.
Tư duy trực quan - sơ đồ giúp trẻ lĩnh hội những tri thức ở trình độ khái quát một cách có hiệu quả, từ đó mà hiểu được bản chất của sự việc, nhưng kiểu tư duy này vẫn nằm trong phạm vi cuả kiểu tư duy trực quan - hình tượng nói chung và do đó nó bị hạn chế khi trẻ cần giải bài toán đòi hỏi phải tách biệt những thuộc tính, những mối quan hệ mà không thể hình dung một cách trực quan dưới dạng hình tượng được nữa. Nhưng dù sao thì kiểu tư duy trực quan - sơ đồ cũng biểu hiện một bước phát triển đáng kể trong tư duy của trẻ mẫu giáo. Đó là dạng trung gian quá độ để chuyển từ kiểu tư duy hình tượng lên một kiểu tư duy mới, khác về chất đó là tư duy lôgic (hay còn gọi là tư duy trừu tượng). Kiểu tư duy này sẽ được phát triển ở giai đoạn sau này, ở lứa tuổi học sinh.
Cả tư duy trực quan - hành động lẫn tư duy trực quan - hình tượng đều liên hệ mật thiết với ngôn ngữ. Vai trò của ngôn ngữ ở đây rất lớn. Nó giúp trẻ nhận ra bài toán cần phải giải quyết, giúp trẻ đặt kế hoạch để tìm ra cách giải quyết và nghe những lời giải thích hướng dẫn của người lớn... Nhưng thực ra trong cả hai kiểu tư duy đó,
hành động tư duy vẫn chủ yếu là dựa trực tiếp vào hành động và biểu tượng, còn ngôn ngữ chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi.
Muốn cho ngôn ngữ trở thành phương tiện chủ yếu của tư duy, cho phép giải những bài toán trí tuệ mà không cần sử dụng trực tiếp đến hành động và biểu tượng, trẻ cần phải lĩnh hội những khái niệm mà loài người đã xây dựng nên, tức là những tri thức về các dấu hiệu chung và bản chất của sự vật cũng như hiện tượng trong hiện thực đã được củng cố bằng các từ.
Đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi:
Nhìn chung trẻ 5-6 tuổi đã có khả năng nắm được ý nghĩa của từ vựng thông dụng, phát âm gần đúng với sự phát âm của người lớn, biết dùng ngữ điệu phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp và đặc biệt nắm được hệ thống ngữ pháp phức tạp bao gồm những quy luật ngôn ngữ tinh vi nhất về phương tiện cú pháp và về phương tiện tu từ, trẻ nói mạch lạc và thoải mái. Vốn từ của trẻ 5-6 tuổi tăng lên đáng kể. Trẻ có khoảng 3000 - 4000 từ vào cuối tuổi. Việc phát triển vốn từ cho trẻ không chỉ cung cấp từ mới cho trẻ mà cần giúp trẻ mở rộng nghĩa của từ mà trẻ đã biết. Bên cạnh đó, việc luyện cho trẻ phát âm đúng và dùng ngữ điệu đúng thích hợp được diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoạt động của trẻ. Trước hết là trong giao tiếp hằng ngày của trẻ với người lớn, với bạn bè. Trong việc tổ chức cho trẻ chơi, trong hoạt động học tập và đặc biệt trong khi kể chuyện cho trẻ nghe và khi trẻ kể chuyện cho người khác nghe chúng ta cần dạy trẻ phát âm đúng và sử dụng những ngữ điệu thích hợp. Bên cạnh đó, rèn trẻ nói đúng ngữ pháp ở độ tuổi này rất cần thiết, trong giao tiếp hằng ngày hay trong quá trình tổ chức các hoạt động cho trẻ, người lớn phải tập cho trẻ nói đúng cấu trúc câu: có chủ ngữ, có vị ngữ, sử dụng trạng từ, bổ ngữ phù hợp. Cần phải tạo nhiều tình huống, cơ hội để trẻ giao tiếp, bộc lộ những ý muốn, hiểu biết của mình với người lớn, bạn bè bằng lời nói của chính trẻ, quan sát trẻ nói với nhau qua đó sửa sai uốn nắn cho trẻ. Yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5-6 tuổi là cần phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ, trong quá trình giao tiếp và trong quá trình tổ chức cho trẻ hoạt động để kích thích trẻ nói năng mạch lạc, người lớn cần tạo điều kiện để trẻ nói rõ ràng, sắp xếp các ý theo một trình tự hợp lý, nêu bật được các ý cần nhấn mạnh để người nghe hiểu một cách dễ dàng.
Qua việc tìm hiểu về đặc điểm tư duy của trẻ 5-6 tuổi, chúng tôi thấy rằng để đánh giá trẻ cần phải lựa chọn các phương pháp phù hợp với khả năng tư duy trực quan của trẻ. Ở giai đoạn này, giáo viên thường giao các bài tập cụ thể hoặc nhiệm vụ thực tiễn để đánh khả năng cũng như sự phát triển của trẻ nhằm so sánh với mục tiêu đã đề ra trong chương trình giáo dục để từ đó có hướng giải quyết tình hình giáo dục tốt hơn. Nhưng việc giao các dạng bài tập như vậy để đánh giá còn mang hơi hướng chủ quan của người đánh giá. Vì vậy, chúng tôi mong muốn từ những hiểu biết về khả năng tư duy của trẻ như trên, có thể đánh giá trẻ theo một tiêu chuẩn đã được kiểm định nhằm mục đích có cách nhìn nhận chính xác hơn về kết quả đánh giá đạt được. Đó là lí do chúng tôi mong muốn cải biên bài trắc nghiệm hình học Van Hiele của Usiskin để đánh giá kết quả giáo dục TDHH của trẻ 5-6 tuổi.