Đôi nét về địa bàn nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng trắc nghiệm hình học van hiele của usiskin vào đánh giá kết quả giáo dục tư duy hình học cho trẻ 5 6 tuổi​ (Trang 49 - 50)

Thành phố Hồ Chí Minh luôn phát triển không ngừng cả về kinh tế lẫn giáo dục. Từ 14.992 lớp học với 595 trường vào năm 1975 thì đến 2015, Thành phố đã có 27.901 lớp học với 938 trường. Qua đó, đảm bảo chỗ học cho 1.122.447 trẻ phổ thông (so với 742.763 trẻ vào năm 1975). Đi đầu trong công tác phổ cập giáo dục. Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2002 (trong khi cả nước hoàn thành vào năm 2010). Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông (năm 2009) và cũng vừa được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hàng năm, Thành phố đều thực hiện rà soát, kiểm tra việc hoàn thành phổ cập ở tất cả 24 quận, huyện. Đến nay, 24/24 quận, huyện đã hoàn thành và được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1; tỷ lệ trẻ 11 – 14 tuổi vào học bậc trung học cơ sở là 97,8%; tỷ lệ trẻ 14 – 17 tuổi theo học bậc trung học phổ thông là 91%.

Đối với ngành mầm non, chất lượng chăm sóc giáo dục ngày càng được nâng cao, rút ngắn dần khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành, công lập và ngoài công lập. Nhiều trường mầm non ngoại thành được xây mới khang trang sạch đẹp (huyện Củ Chi, Bình Chánh), nhiều trường ngoài công lập hiện đại có chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tốt, thu hút đông trẻ. Nhiều cơ sở được cải tạo, sửa chữa đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ, đẹp và an toàn. Các trường được mua sắm bổ sung các trang thiết bị hiện đại, thuận tiện cho việc sử dụng, giảm tải cường độ lao động cho đội ngũ. Về việc đào tạo giảng dạy, thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm gần đây đã áp dụng chương trình GDMN mới và bước đầu đạt được một số chuyển biến tích cực khi thực hiện chương trình “Lấy trẻ làm trung tâm”. Các CBQL và cả GVMN đã linh hoạt nhiều hơn trong quá trình lên kế hoạch và soạn thảo giáo án giảng dạy hướng vào đặc điểm và phù hợp với tình hình của trẻ tại địa phương nhiều hơn. Các kế hoạch giáo dục này mang độ mở và thoáng hơn, không còn cứng nhắc như trước đây, qua đó việc

truyền đạt kiến thức và việc tiếp thu tri thức của trẻ trở nên nhẹ nhàng và năng động hơn. Tuy nhiên, song song với việc giáo dục thì chúng ta cần phải đánh giá trình độ cũng như khả năng của mỗi đứa trẻ theo chương trình giảng dạy. Về vấn đề này, hiện nay cho thấy các giáo viên thực hiện chưa được tốt công tác đánh giá trẻ để xác định mức độ phát triển của trẻ so với mục tiêu chương trình đã đề ra, đặc biệt là việc đánh giá về kết quả giáo dục TDHH của trẻ. Qua đó, chúng tôi tiến hành điều tra thực trạng về đánh giá khả năng TDHH của trẻ 5-6 tuổi theo nhận thức của các GVMN và CBQL, đồng thời tìm hiểu thực trạng việc các GVMN sử dụng các công cụ như thế nào để đánh giá khả năng TDHH của trẻ 5-6 tuổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng trắc nghiệm hình học van hiele của usiskin vào đánh giá kết quả giáo dục tư duy hình học cho trẻ 5 6 tuổi​ (Trang 49 - 50)