Trong đề tài này, chúng tôi tiến hành phỏng vấn sâu 5 CBQL của các trường công lập và tư thục nhằm làm rõ các nội dung về “Đánh giá của CBQL về khả năng TDHH của trẻ 5-6 tuổi” và “Công cụ/ phương pháp/ bài đánh giá khả năng TDHH cho trẻ 5-6 tuổi”. Xuyên suốt phần phân tích về kết quả sau khi điều tra thực trạng trên GVMN, chúng tôi cũng phân tích kèm theo một số nội dung phỏng vấn sâu các CBQL trong mục 2.3.1. và 2.3.2. Vì vậy, ở mục này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích và làm rõ hơn về các câu hỏi được phỏng vấn riêng đối với CBQL. Trong quá trình phỏng vấn sâu các CBQL, chúng tôi có gửi cho các cô xem bảng tóm tắt về các cấp độ phát triển TDHH theo lý thuyết của Van Hiele để các cô có cái nhìn tổng thể về lý thuyết này. Theo các cô, lý thuyết của Van Hiele về TDHH này có một số điểm tương đồng với Chương trình GDMN của Việt Nam. Cô H.T.H.H, hiệu phó chuyên môn trường công
lập nhận định rằng “Theo tôi TDHH của Van Hiele có vài điểm tương đồng với Chương trình GDMN Việt Nam, đó là việc trẻ biết về khái niệm các hình, gọi tên và biết được đặc điểm nhận dạng bên ngoài của các hình hình học (Lớp Mầm và Chồi); Trẻ biết dùng các hình hình học để lắp ráp thành những hình theo mẫu hoặc sáng tạo theo ý thích (Lớp Lá). Tóm lại, trẻ mầm non có thể nhận dạng, gọi tên, ứng dụng các hình đã học vào việc nhận dạng trong thực tế”. Bên cạnh đó, cô N.T.N.T cho biết “Cuối lớp Mầm, trình độ của trẻ có thể tương ứng với cấp độ đầu tiên của Van Hiele, trẻ đã biết những khái niệm cơ bản ban đầu, trẻ biết gọi tên và nhận dạng đặc điểm bên ngoài, liên kết các hình ảnh có dạng hình hình học. Vì vậy, theo ý kiến của bản thân tôi thì Chương trình GDMN 2009 có nhiều điểm tương đồng với lý thuyết của Van Hiele, nếu phát triển tốt, trẻ cuối lớp Lá có thể đạt được ở cấp độ 2”. Do đó, ở bước đầu tìm hiểu về lý thuyết TDHH Van Hiele và được trao đổi ý kiến với các CBQL có thâm niên lâu năm trong nghề, chúng tôi nhận thấy rằng có mối quan hệ tương quan giữa Chương trình GDMN Việt Nam và lý thuyết TDHH của Van Hiele xuất phát từ Mỹ, qua điều đó chúng tôi nhận ra mình có thể đưa lý thuyết này vào Việt Nam, cùng kết hợp với nội dung Chương trình GDMN để giảng dạy và làm cho TDHH của trẻ được phát triển tốt hơn. Theo chúng tôi, nếu có điều kiện để phân tích kỹ hơn về hai chương trình sẽ tìm ra được cách thức kết hợp để đưa đến cách dạy và học hiệu quả nhất về môn hình hình học cho trẻ mầm non.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu kỹ hơn về việc “Trình độ của các giáo viên có ảnh hưởng đến việc phát triển TDHH của trẻ không?”. Trên thế giới cũng đã có những nghiên cứu xem xét mức độ ảnh hưởng của trình độ nhận thức về TDHH theo Van Hiele của giáo viên với kết quả đánh giá khả năng nhận thức của trẻ về TDHH. Trong nghiên cứu này chúng tôi chỉ dừng ở việc tìm hiểu liệu trình độ của giáo viên có ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của trẻ trong lĩnh vực hình học thông qua phỏng vấn sâu các CBQL. Theo kết quả thu được thì đa phần các CBQL khẳng định là có và đóng vai trò khá quan trọng. Để lý giải nhận định trên, cô Đ.T.M trao đổi rằng: “Giáo viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm nhưng khả năng tiếp thu kiến thức mới còn nhiều hạn chế, trong khi đó giáo viên trẻ có nhiều kiến thức nhưng lại chưa tích cực và rất sợ sai, sợ giáo viên cũ nên chưa phát huy được hết khả năng và sự sáng tạo của bản
thân, việc này cũng gây thiệt thòi trong quá trình học tập của trẻ”. Theo Cô B.T.V thì “Nhận thức của giáo viên rất quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức cho trẻ, nếu nhận thức về kiến thức không đúng sẽ dạy sai kiến thức cho trẻ, ví dụ như một số GVMN hiện nay vẫn còn mắc sai lầm trong việc nhằm lẫn giữa Hình tròn và hường tròn”. Cùng với nhận định đó, Cô M.T.T.A cho rằng: “Trình độ của giáo viên có ảnh hưởng nhiều, giáo viên phải có kiến thức vững chắc về TDHH mới có thể đi sâu vào các kiến thức hình học để dạy trẻ”. Chúng tôi cũng mang nhận định như ý kiến của các CBQL trên và đều nhất trí cho rằng giáo viên phải có kiến thức về hình học tốt, tránh nhầm lẫn các khái niệm trong hình học. Việc đó đòi hỏi BGH thường xuyên phải bồi dưỡng các giáo viên trong việc nâng cao tay nghề lẫn chuyên môn để kiến thức của giáo viên ngày càng tốt hơn.
Tiểu kết chương 2
Qua khảo sát thực trạng tìm hiểu đánh giá của GVMN về khả năng TDHH ở trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, chúng tôi nhận thấy rằng đa phần giáo viên và các CBQL đã nhận thức được tầm quan trọng của nội dung hình học trong việc hình thành biểu tượng toán cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi tại trường mầm non. Trong các nội dung của hình học, các giáo viên thấy rằng một số trẻ gặp khó khăn nhiều ở phần hình khối, tuy nhiên các giáo viên cũng linh động trong việc sử dụng các phương pháp và hình thức khác nhau để giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn.
Khi tìm hiểu thực trạng việc sử dụng các công cụ/ phương pháp/ biện pháp được GVMN sử dụng để đánh giá khả năng TDHH của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, chúng tôi thấy được rằng các giáo viên cũng rất quan tâm đến việc sử dụng các phương pháp để đánh giá khả năng TDHH của trẻ, và nổi bật nhất là việc giáo viên tự thiết kế ra các bài tập dựa vào Chương trình GDMN 2009 và đánh giá trẻ tại lớp của mình. Tuy nhiên, các dạng bài tập này chỉ được sử dụng cho trẻ tại lớp và cách đánh giá vẫn còn mang tính chủ quan.
Trước thực trạng trên, chúng tôi bước đầu xem xét khả năng ứng dụng trắc nghiệm hình học Van Hiele của Usiskin nhằm đánh giá kết quả giáo dục TDHH của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi tại Việt Nam thông qua việc tiến hành cải biên và đưa vào thử nghiệm trên trẻ.
Chương 3. BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TRẮC NGHIỆM HÌNH HỌC VAN HIELE CỦA USISKIN
VÀO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TƯ DUY HÌNH HỌC CHO TRẺ MẦM NON 5 – 6 TUỔI