So sánh nội dung hình thành các biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5-

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng trắc nghiệm hình học van hiele của usiskin vào đánh giá kết quả giáo dục tư duy hình học cho trẻ 5 6 tuổi​ (Trang 44 - 48)

ở Việt Nam với lý thuyết TDHH của Van Hiele

Chương trình giáo dục về nội dung toán hình dạng cho trẻ 5-6 tuổi ở Việt Nam đã thực hiện đổi mới với nội dung chương trình theo cách tích hợp với chủ đề. Chương trình giáo dục phát triển và mở rộng theo kiểu “Vòng tròn đồng tâm” theo từng bậc học và từng độ tuổi nhất định, có tính hệ thống đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Chương trình về toán cho trẻ mầm non chỉ dừng lại ở việc hình thành các biểu tượng về toán ban đầu cho trẻ, không bắt ép trẻ phải học theo hình thức của bậc học phổ thông. Nhiệm vụ của giáo viên là giúp trẻ hình thành được các biểu tượng toán trong đầu và từ đó biết vận dụng vào thực tiễn một cách linh hoạt, biết giải quyết các tình huống có vấn đề. Ở mỗi độ tuổi sẽ tương ứng với một nội dung giảng dạy nhất định, trẻ 3-4 tuổi bước đầu làm quen và nhận biết các hình phẳng trong khi đó trẻ 5-6 tuổi được nâng lên ở mức độ cao hơn là nhận biết về các hình khối trong không gian và trên thực tiễn, nhiệm vụ này đòi hỏi trẻ ở những độ tuổi dưới phải nắm thật rõ các nội dung về hình phẳng vì hình khối được cấu thành từ các hình phẳng. Do đó, tuy rằng trẻ mẫu giáo nói chung và trẻ 5-6 tuổi nói riêng, ngay từ bậc học mầm non đã được tiếp xúc và làm quen với các hình hình học như hình phẳng và hình khối nhưng khi bước chân vào tiểu học, trẻ vẫn sẽ tiếp tục học về các hình này nhưng ở mức độ cao hơn. Ưu điểm nổi trội của nội dung về hình dạng trong chương trình GDMN là đã mạnh dạn cho trẻ được làm quen và trải nghiệm với đa dạng các hình hình học (4 loại hình phẳng và 4 loại hình khối), từ việc làm quen nhận biết đó trẻ dễ dàng ứng dụng một cách sáng tạo và linh hoạt vào cuộc sống thực tiễn của trẻ, trẻ không còn bỡ ngỡ nhiều khi tiếp xúc với các hình hình học này ở bậc học cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm nổi trội của chương trình làm quen với toán về hình dạng, cũng có một mặt hạn chế nhỏ, theo chúng tôi nhận thấy đó là việc trẻ làm quen với các hình hình học dựa vào độ tuổi. Tiền đề đầu tiên là trẻ 3-4 tuổi sẽ nhận biết và gọi tên được các hình

phẳng, đồng thời nhận dạng được các hình đó trong thực tế. Nếu như trẻ không nắm vững các biểu tượng về hình phẳng ở lứa tuổi nhỏ thì trẻ không thể nào thực hiện được việc so sánh sự giống và khác nhau giữa các hình phẳng khi ở độ tuổi 4-5 tuổi. Tượng tự vậy, nếu kiến thức và biểu tượng về hình phẳng của trẻ ở độ tuổi từ 3-5 tuổi không vững sẽ rất khó cho trẻ khi học về hình khối khi lên 5-6 tuổi. Đây là một chuỗi kiến thức được thực hiện theo độ tuổi, do đó đòi hỏi ở giáo viên rất nhiều trong việc giúp trẻ nắm vững các biểu tượng này.

Theo lý thuyết TDHH của Van Hiele, ông không phân định các nội dung dạy học theo độ tuổi mà chỉ dựa vào năng lực nhận biết cũng như kinh nghiệm của trẻ để từ đó phân trẻ theo từng cấp độ. Qua quá trình điều tra và phỏng vấn ở chương 2 (mục 2.3.4), đa phần các GVMN và CBQL nhận thấy rằng trong 5 cấp độ TDHH của Van Hiele, trẻ 5-6 tuổi nếu có biểu tượng tốt sẽ đạt được ở cấp độ 3; vì vậy chúng tôi xin đi vào phân tích 3 cấp độ đầu tiên:

Cấp độ 1: Ở cấp độ này, trẻ nhận thức hình dạng bằng hình ảnh của chúng, dựa vào dấu hiệu nổi bật đường bao của các hình hoặc bằng cách so sánh với những vật mẫu hoặc dựa trên kinh nghiệm của trẻ, chẳng hạn trẻ biết đây là hình chữ nhật vì nó giống với cái cửa, hình này là hình tam giác vì giống với mũ của anh hề,... Ở cấp độ này, trẻ có thể gọi tên được các đồ vật có dạng hình hình học; nhận biết các hình như hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn nhưng chúng không nhận ra được các đặc điểm về số cạnh, số góc, số đo các cạnh của hình. Đồng thời, trẻ có thể phân biệt hình dạng của các vật thể có dạng hình vuông với dạng hình tròn ở đặc điểm không bản chất như "là hình tròn vì nó lăn được, hình kia thì không lăn được",... Trẻ đánh giá về các hình dựa trên tri giác các đối tượng, không bằng suy luận logic. Trẻ không đồng nhất các hình hình học với các đồ vật giống chúng, biết sử dụng các hình hình học như những hình chuẩn để so sánh, lựa chọn, xác định hình dạng của mọi vật xung quanh.

Cấp độ 2: Ở trẻ xuất hiện khả năng phân tích hình hình học. Thông qua kinh nghiệm trong các hoạt động thực tiễn và giáo dục, trẻ bắt đầu nhận thức các tính chất của hình hình học, các tính chất này là cơ sở để phân tách lớp các hình hình học. Hình hình học được cấu thành bởi các thành phần về cạnh, góc và được nhận biết bởi các đặc điểm đó, chẳng hạn trẻ có thể phát biểu “hình chữ nhật đó có hai cạnh ngắn có độ

dài bằng nhau, hai cạnh dài có độ dài bằng nhau”. Tuy nhiên, trẻ không thể đưa ra được các phán đoán đúng về mối quan hệ giữa các hình hình học, chưa nhận thức được khái niệm về các hình hình học. Ví dụ như khi mô tả một hình hình học, trẻ có thể kể ra toàn bộ những đặc điểm của hình mà trẻ biết nhưng không biết đặc điểm nào là cần và đủ của hình hình học.

Cấp độ 3: Trẻ có thể đưa ra các phán đoán đúng về mối quan hệ giữa các hình hình học, phát biểu các điều kiện cần và đủ để một hình là hình vuông, hình chữ nhật,.... Bằng tri giác có thể nhận biết, tuy nhiên không thể chứng minh toàn bộ một bài toán nhận dạng hình, trẻ không hiểu logic của một bài chứng minh hình học, về giả thiết, kết luận. Ở cấp độ này trẻ có thể hiểu một hình vuông là một trường hợp riêng của hình chữ nhật nhưng chưa thể giải thích bằng logic khái niệm.

Nếu phân tích sâu chúng ta có thể thấy rằng, chương trình làm quen với toán hình dạng cho trẻ 5-6 tuổi tương đồng nhiều nhất với cấp độ 1 của lý thuyết TDHH Van Hiele. Trẻ gọi tên, nhận dạng các hình hình học dựa vào việc tri giác các đặc điểm đặc trưng của các hình đó. Thông qua việc nhận biết các hình hình học giúp cho trẻ nhận dạng được các đồ vật, các đối tượng xung quanh trẻ dựa trên chuẩn các hình. Tuy nhiên, điểm đặc trưng nổi bật nhất của lý thuyết TDHH Van Hiele là không phân theo lứa tuổi mà theo cấp độ, điều này thì khác hoàn toàn với chương trình GDMN Việt Nam. Ở Van Hiele đòi hỏi trẻ phải nắm thật chắc và sâu các kiến thức cũng như biểu tượng ở cấp độ dưới thì trẻ mới được phép bước tiếp lên cấp độ cao hơn, do đó một khi trẻ đã tiến lên được cấp độ cao hơn thì giáo viên không cần phải lo lắng nhiều về kiến thức ở cấp độ dưới của trẻ; điều này còn bị ảnh hưởng bởi khả năng của từng trẻ cũng như vốn kinh nghiệm tích luỹ của trẻ theo thời gian. Lý thuyết TDHH Van Hiele giống như việc xây dựng một ngôi nhà, nếu bạn muốn xây dựng một ngôi nhà thật rộng, thật cao với nhiều tầng lầu thì điều kiện tiên quyết bắt buộc bạn phải có là cần xây dựng nền móng của ngôi nhà thật vững chắc. Đây là điểm nổi trội ở lý thuyết Van Hiele và rất thu hút chúng tôi, vì vậy chúng tôi rất mong muốn có thể tiếp cận được lý thuyết này nhiều hơn và nghiên cứu sâu hơn nhằm mục đích có thể cải thiện thêm cho việc học toán hình hình học cho trẻ mầm non.

Tiểu kết chương 1

Ngày nay, việc sử dụng Trắc nghiệm để đánh giá trẻ khá phổ biến trên thế giới và Trắc nghiệm TDHH Van Hiele của Usiskin đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới nhằm đánh giá khả năng TDHH của trẻ. Nhưng Trắc nghiệm TDHH này vẫn còn khá mới lạ đối với GDMN ở nước ta. Điều này làm cho chúng tôi mong muốn được nghiên cứu sâu hơn và có thể sử dụng Trắc nghiệm TDHH này vào việc đánh giá trẻ ở nước ta.

Trong chương 1, chúng tôi đã hệ thống hoá những cơ sở lí luận liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Chúng tôi đã làm rõ khái niệm về Trắc nghiệm TDHH Van Hiele cũng như khái niệm về đánh giá trong GDMN hiện nay. Trên cơ sở đó, chúng tôi làm rõ hơn về Trắc nghiệm trong việc đánh giá, về khả năng TDHH của trẻ 5-6 tuổi và quan trọng hơn là Trắc nghiệm TDHH của Usiskin.

Ngoài ra, chúng tôi đã đi sâu vào phân tích và so sánh nội dung hình thành các biểu tượng về hình dạng cho trẻ 5-6 tuổi ở Việt Nam với lý thuyết TDHH của Van Hiele, những điểm tương đồng của cả hai chương trình, những mặt mạnh và những điểm còn hạn chế của cả chương trình Việt Nam lẫn lý thuyết TDHH Van Hiele. Để từ đó có thể tìm ra được những nội dung có thể bổ trợ cho nhau của cả hai chương trình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục về toán hình học cho trẻ mầm non nói chung và trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi nói riêng.

Việc nghiên cứu cơ sở lí luận về TDHH của trẻ 5-6 tuổi cũng như Trắc nghiệm TDHH của Usiskin trong chương 1 là cơ sở vững chắc cho phép chúng tôi đi sâu tìm hiểu về thực trạng đánh giá TDHH của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, từ đó tiến hành thử nghiệm Trắc nghiệm TDHH của Usiskin cho trẻ 5-6 tuổi nhằm đánh giá khả năng TDHH của trẻ đạt ở mức độ nào trong các cấp độ của Van Hiele.

Chương 2. THỰC TRẠNG ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC TƯ DUY HÌNH HỌC CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 – 6 TUỔI

TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH

Chương 2 của luận văn trình bày quá trình nghiên cứu thực trạng và phân tích kết quả khảo sát dựa trên các thông tin thu thập được từ phiếu hỏi và phỏng vấn. Những kết quả từ quá trình điều tra thực trạng và nghiên cứu lí luận sẽ là cơ sở cho việc cải biên trắc nghiệm và bước đầu thử nghiệm ứng dụng trắc nghiệm TDHH vào đánh giá kết quả giáo TDHH cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng trắc nghiệm hình học van hiele của usiskin vào đánh giá kết quả giáo dục tư duy hình học cho trẻ 5 6 tuổi​ (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)