- Mục tiêu của giải pháp là Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Kế Sách theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường; từng bước chuyên môn hóa và tạo việc làm ổn định cho nông dân, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
- Tổ chức thục hiện: Để đạt được mục tiêu về tái cơ cấu nông nghiệp, các cấp lãnh đạo huyện cần xác định mục tiêu này không thể tách rời mục tiêu xây dựng nông thôn mới, do đó cần tập trung đồng bộ các giải pháp về xây dựng nông thôn mới cũng như tuyên truyền, quán triệt trong nhân dân về chủ trương, đường lối của Nhà Nước để có được sự đồng tình hợp tác trong nhân dân.
+ Cụ thể hóa các mục tiêu như sau:
Đối với lĩnh vực trồng trọt: Trên cơ sở quy hoạch ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định cây ăn trái là thế mạnh của huyện Kế Sách. Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng về thủy lợi, bờ bao, giao thông nông thôn kết nối với các tuyến đường chính giúp xe tải trọng lớn có thể vào các vùng chuyên canh để vận chuyển. Hiện nay các tuyến đừng đến các vùng trồng cây ăn trái dần được mở rộng và hoàn thiện giúp cho việc thu mua được thuận tiện hơn, nông dân an tâm trong sản xuất từ đó mới có thể nhân rộng những mô hình trồng cây đặc sản của địa phương.
Tổ chức lại sản xuất nhằm hình thành vùng chuyên canh với các loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế, có thị trường như: Bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, cam Sành, nhãn... theo chuỗi ngành hàng gắn với xây dựng thương hiệu. Cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái có giá trị KT cao, phù hợp điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng thương hiệu bưởi Kế Thành và cam sành Ba Trinh gắn với sản xuất theo hướng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Triển khai dự án “Cải tạo vườn tạp,
vườn kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái có giá trị KT cao”. Nhân rộng vườn kiểu mẫu đang được thực hiện tại các xã nông thôn mới.
Đẩy mạnh chuyển giao các quy trình canh tác tiến bộ khoa học kỹ thuật, phù hợp với từng loại cây ăn trái, nhất là kỹ thuật xử lý ra hoa rải vụ; xây dựng mô hình và mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến và kinh doanh trái cây cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống từ đầu vào tới đầu ra cho một loại trái cây theo cánh đồng lớn.
Phát triển và nhân rộng các mô hình trồng màu trồng màu nhưng cần quan tâm và hỗ trợ người dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, cần có sự hợp tác với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ thì mới tăng mạnh được diện tích cây màu.
+ Tái cơ cấu trong chăn nuôi trên địa bàn huyện gồm 2 hướng chính:
Thứ nhất là phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại theo quy hoạch được phê duyệt;
Thứ hai, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp để vừa tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân vừa hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi bằng cách nhân rộng mô hình đệm lót sinh học đối với heo và gà nuôi quy mô gia trại; cải tiến phương pháp nuôi vịt chạy đồng theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu dịch bệnh, đặc biệt là khống chế bệnh cúm gia cầm không để xảy ra trên diện rộng.
Tái cơ cấu nông nghiệp không thể tách rời xây dựng nông thôn mới và ngược lại nếu không tái cơ cấu hiệu quả thì không thể xây dựng nông thôn mới. Do đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới dựa trên các tiêu chí đã đề ra.