1.3. Lý luận về vấn đề giới tính
1.3.2. Nguồn gốc giới tính
1.3.2.1. Nguồn gốc sinh học:
Giới tính của con người trước hết do các tế bào sinh sản quyết định. Trong tế bào sinh sản của nam (tinh trùng) có chứa hai loại nhiễm sắc thể quy định giới tính: nhiễm sắc thể X quy định giới nữ và nhiễm sắc thể Y quy định giới nam. Ở tế bào sinh dục nữ (trứng) chỉ chứa một loại nhiễm sắc thể giới tính X. Nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể X thụ tinh với trứng thì đứa trẻ sinh ra sẽ là nữ, còn nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y thụ tinh với trứng thì đứa trẻ sinh ra sẽ là nam. Các nhiễm sắc thể X và Y quy định các tính trạng nam và nữ, làm cho thai nhi có cấu tạo đặc trưng của cơ thể nam hay cơ thể nữ trong quá trình phát triển của nó.
Do cấu tạo khác nhau nên hoạt động sinh lý mỗi giới có những đặc điểm khác nhau. Các tuyến sinh dục và hoocmon tiết ra từ các tuyến này sẽ quy định
những đặc điểm sinh lý cơ thể riêng biệt và góp phần tạo nên những nét tính cách đặc trưng cho mỗi giới. Sự trưởng thành về mặt sinh lý cơ thể tạo nên đặc điểm giới tính nhất định. Đến một độ tuổi nhất định, tuyến sinh dục sẽ hoạt động và cường độ hoạt động càng lúc càng mạnh cho đến khi vào thời kỳ trưởng thành (chín muồi) sẽ tạo nên những chức năng sinh lý đặc biệt của cơ thể: hoạt ộng tình dục, sinh sản... Dù rằng tuyến sinh dục ở người hình thành từ tuần thứ ba trong đời sống ở tử cung nhưng mãi đến tuổi dậy thì (khoảng 13, 14 tuổi ở nữ và 15, 16 tuổi ở nam) mới hoạt động tích cực thực sự. Và như thế, chính các tuyến sinh dục như buồng trứng hay tinh hoàn lại tạo nên "giới tính đích thực" bởi vì phản ánh khả năng của tuyến sinh dục sản sinh ra tinh trùng hay trứng hay sản sinh ra hoocmon giới tính nam hay nữ đặc thù và chính các hoocmon này ảnh hưởng quyết định đến cấu trúc về sự phát triển của các cơ quan sinh dục bên trong và bên ngoài cùng với những đặc điểm giới tính phụ khác. Thế nhưng, nguồn gốc sinh học vẫn chưa thật sự đủ để hình thành giới tính một cách rõ nét.
1.3.2.2. Nguồn gốc xã hội
Thực thế, những đặc điểm về giới tính sinh học của cơ thể chỉ là tiền đề, là cơ sở vật chất tạo nên sự khác biệt giới tính mà thôi. Giới tính thực sự còn do các mối quan hệ xã hội chi phối. Xã hội ảnh hưởng đến con người rất phong phú và đa dạng ở nhiều mặt:
- Xã hội quy định, đánh giá con người theo những phẩm chất đạo đức, tư thế tác phong riêng phù hợp với giới tính. Điều này thể hiện ở phong tục tập quán, đạo đức xã hội.
- Xã hội quy định sự phân công lao động giữa nam và nữ khác nhau.
- Xã hội chi phối sự đánh giá những yếu tố có nguồn gốc sinh học. Ngay cả bản năng tình dục cũng được xã hội thừa nhận theo những tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa nhất định.
- Sự giáo dục của xã hội, của người lớn, của nền giáo dục ảnh hưởng đến đặc điểm giới tính của con người.