3.2. Thực trạng kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam
3.2.3. Hợp tác quốc tế về thuế
Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập với 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó 02 Hiệp định mà Nghị định thư điều chỉnh đang chờ có hiệu lực; 08 Hiệp định chưa có hiệu lực, còn lại tất cả các Hiệp định và Nghị định thư điều chỉnh đều đã có hiệu lực pháp lý. Điều này góp phần làm giảm áp lực về thuế cho các nhà đầu tư, từ đó góp phần giảm động cơ thực hiện hành vi chuyển giá của các công ty đa quốc gia. Căn cứ các hiệp định tránh đánh thuế trùng này, cơ quan thuế của các quốc gia có thể cung cấp cho nhau các số liệu liên quan đến các vấn đề về thuế, doanh thu, chi phí, lợi nhuận, giá cả hàng hóa của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại các quốc gia khác nhau. Thông qua các hiệp định này thì các quốc gia sẽ tăng cường phối hợp với nhau trong công tác kiểm soát và chống chuyển giá. Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thường hướng vào các loại thu nhập như cổ tức, tiền lãi vay, thu nhập tiền bản quyền hay lợi nhuận chuyển ra nước ngoài, thực hiện bằng cách: (i) Miễn, giảm số thuế phải nộp tại Việt Nam cho các đối tượng cư trú của nước ký kết hiệp định; (ii) Khấu trừ số thuế mà đối tượng cư trú Việt Nam đã nộp tại nước ký kết hiệp định vào số thuế phải nộp tại Việt Nam.
Hiệp định tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan thuế Việt Nam với cơ quan thuế các nước/vùng lãnh thổ trong công tác quản lý thuế quốc tế nhằm ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và vào tài
sản. Cơ quan thuế của các quốc gia có thể cung cấp cho nhau các số liệu liên quan đến các vấn đề thuế, doanh thu, chi phí, lợi nhuận, giá cả hàng hóa của các MNC có chi nhánh ở các quốc gia. Việt Nam cũng đang có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng cơ chế hợp tác kiểm soát chuyển giá giữa các cơ quan thuế. Đặc biệt, Việt Nam đã áp dụng cơ chế APA song phương và đa phương – một cơ chế được đánh giá cao trong việc kiểm soát chuyển giá của các công ty đa quốc gia dựa trên cơ chế kiểm soát giá của cơ quan thuế các nước mà MNC có hoạt động kinh doanh, có phát sinh giao dịch. Đây được kỳ vọng là giải pháp sẽ đem lại nhiều nét mới trong kiểm soát chuyển giá.