Xu hướng phát triển của thị trường du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của công ty cổ phần du lịch và xuất nhập khẩu lạng sơn (Trang 79 - 84)

Du lịch là một hiện tượng và là hoạt động phổ biến từ cuối thế kỷ XIX, và dần phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX. Xu thế này còn tiếp tục kéo dài và phát triển nhanh, mạnh và bùng nổ hơn trong những năm tới của thế kỷ XXI khi du lịch vốn là một lĩnh vực đa ngành kéo theo sự tham gia phong phú củanhiều ngành nghề, quốc gia, nền văn hóa - xã hội trên toàn thế giới... nhất là khi thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc chưa từng có từ trước đến nay.

Một số xu hướng cơ bản và quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động thị trường du lịch. Đó là:

*Xu hướng phát triển du lịch thế giới

- Xác định thị trường khách cho điểm đến du lịch trong bối cảnh xu hướng mở rộng quy mô thị trường:

Ngày nay du lịch đã trở thành nhu cầu cần thiết trong xã hội hiện đại, số lượng người đi du lịch ngày càng tăng, tạo ra nhiều thị trường nguồn khách phong phú và đa dạng. Do đó việc xác định thị trường khách cho một điểm đến du lịch rất quan trọng, không chỉ liên quan đến số lượng nguồn khách đến mà còn liên quan đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và khả năng thanh toán của từng thị trường khách khác nhau.Đối với việc xác định thị trường khách nước ngoài liên quan đến rất nhiều yếu tố, đó là:

+ Khoảng cách từ thị trường khách tới điểm đến, các phương tiện giao thông vận chuyển như thế nào. Chi phí cho một chuyến du lịch ra sao.

+ Nhu cầu, sở thích, thị hiếu và khả năng tài chính của mỗi loại đối tượng khách trên thị trường.

+ Chính sách của nước sở tại (điểm đến du lịch) đối với khách du lịch ra sao? Các thủ tục về xuất - nhập cảnh có dễ dàng và thuận lợi không?

+ Những vấn đề hấp dẫn đối với khách du lịch tại điểm đến so với các đối thủ cạnh tranh khác.

+ Các vấn đề về thông tin điểm đến để thu hút khách.

- Nhân khẩu học

Ở các thị trường du lịch lớn như châu Âu và Bắc Mỹ, Nhật Bản và ngay cả ở Việt Nam tỷ lệ người già đang tăng lên.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, hiện nay trên thế giới có gần 7 tỷ người và 1/9 trong số này là người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo, đến năm 2050 dân số thế giới đạt 9,2 tỷ người và tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ là 1/5, nghĩa là cứ 5 người thì có một người cao tuổi”. Ở Việt Nam “Theo dự báo của Tổng cục Dân số, để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già ở nước ta chỉ mất khoảng 20 năm, (trong khi đó Philippines mất khoảng 40 năm, Malaysia khoảng 26 năm). Theo dự báo, đến năm 2035 trong cơ cấu dân số nước ta, tỷ lệ trẻ em (dưới 15 tuổi) và người già (từ 60 tuổi trở lên) là 1/1, nghĩa là cứ có 1 trẻ em thì có 1 người già và đến năm 2049, tỷ lệ này là 1/1,41, nghĩa là cứ có 1 trẻ em thì có 1,41 người già.

Cơ hội này đã giúp các điểm đến du lịch phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi đó là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh và du lịch chăm sóc sức khỏe người già...

Ngược lại, giới trẻ hiện nay giành nhiều tiền hơn để đi du lịch, họ muốn trải nghiệm nhiều nơi, nhưng nhu cầu về tiện nghi du lịch (ăn, ở, đi lại...) ở mức thấp. Nếu như những người già cần ở tại khách sạn từ 3 sao trở lên, ăn, uống phải theo chế độ dinh dưỡng tốt, nhưng những người trẻ họ chỉ cần chỗ để ngủ, ăn uống qua quýt nhưng họ muốn đi thăm nhiều nơi, kể cả thuê xe đạp hoặc mô tô để đi. Vì thế xuất hiện từ “khách du lịch ba lô” hoặc xu hướng “đi phượt” của thanh niên hiện nay.

- Thời gian của mỗi chuyến đi đang trở nên ngắn hơn

Nếu như trước đây, mỗi chuyến đi du lịch thường từ 7 - 14 ngày, hiện nay mỗi chuyến đi thường dưới 7 ngày, vì họ có thể tiết kiệm được tiền và thời gian để đi những điểm đến du lịch khác nhằm trải nghiệm được nhiều hơn. Đây là một thách thức lớn cho các điểm đến du lịch thu hút khách du lịch đến nghỉ dài ngày và trở lại nhiều lần.

- Khách du lịch ít mua chương trình du lịch trọn gói

Theo nghiên cứu của Trekksoft, nếu như trước đây, khách thường mua các chương trình du lịch trọn gói của các doanh nghiệp lữ hành để tiết kiệm thời gian và chi phí, ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet, các trang mạng của các hãng hàng không giá rẻ, các cơ sở lưu trú, các điểm đến du lịch…, khách có thể mua và thanh toán các dịch vụ trên mạng cho chuyến đi du lịch của mình. Họ không bị gò bó bởi thời gian trong chương trình du lịch định sẵn và họ được tự do làm những gì mà thích trải nghiệm.

- Trải nghiệm là tiêu chí hàng đầu trong du lịch

Du lịch ngày nay đang dần chuyển mình sang một ngành du lịch “trải nghiệm”. Các thương hiệu du lịch có thể tập trung vào việc biến cảm hứng trở thành trung tâm của mọi hoạt động marketing, những cảm hứng này khiến người dùng thậm chí còn hào hứng hơn về những trải nghiệm sắp tới của họ. Với trải nghiệm khách hàng tích cực, các doanh nghiệp có thể khuyến khích phản hồi, chia sẻ và marketing truyền miệng.

Trong một báo cáo mang tên “Waiting for Merlot” năm 2014, các nhà tâm lý học Amit Kumar, Thomas Gilovich và Matthew Killingsworth đã cung cấp những thông tin về cách thức mua sắm “trải nghiệm” của người dùng (việc chi tiền cho mua sắm trải nghiệm mang lại cảm giác hạnh phúc lâu dài hơn so với mua sắm vật chất). Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt trước khi mua gì đó, báo cáo của People chỉ ra rằng: khách hàng thường thất vọng trước khi mua một thứ, nhưng phần lớn cảm thấy hạnh phúc khi họ mua một trải nghiệm - chẳng hạn như một chuyến đi hoặc hoạt động.

+ 56% du khách coi trải nghiệm là phần “vô cùng quan trọng” trong khi chỉ có 7% cho rằng nó “hơi quan trọng” trong hoạt động tiếp thị điểm đến của họ.

+ Các du khách theo kịp thời đại luôn sử dụng yếu tố kỹ thuật số và nội dung số để xây dựng hình ảnh giàu cảm xúc mà trải nghiệm luôn là trung tâm của nó.

+ 73% ngân sách được chi cho tiếp thị trải nghiệm tại điểm đến, nhưng yếu tố online được xếp sau những đánh giá thực tế.

- Toàn cầu hóa và thương mại hóa dẫn đến xu thế cạnh tranh và hợp tác trên thị trường:

Toàn cầu hóa và thương mại hóa kéo theo hàng hóa và dịch vụ sẽ nhiều hơn và có tính chất đồng nhất hơn giữa các nền văn hóa. Ví dụ, khách du lịch không cần đến Ai Cập cũng có thể chiêm ngưỡng Kim Tự Tháp tại Las Vegas (Mỹ), không phải đến Italia nhưng vẫn được thưởng thức bánh pizza tại Singapore… Do vậy, thị trường du lịch trên toàn cầu sẽ cạnh tranh gay gắt hơn.

Đồng thời nó cũng tạo ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau vì đặc tính tổng hợp của du lịch, đòi hỏi sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng tạo ra các sản phẩm mang tính trọn gọi, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô thị trường, trở thành một tập đoàn, tổ chức đa quốc gia về du lịch cũng như đưa các sản phẩm của mình thành sản phẩm của toàn cầu.

- Vấn đề an ninh và an toàn tại điểm đến

Với tình trạng khủng bố ngày càng gia tăng trên thế giới, khách du lịch rất ngại đi du lịch mà các điểm đến không đảm bảo vấn đề an ninh và an toàn. Ví dụ trong mùa hè năm 2016, lượng khách đi du lịch đến các bãi biển vùng Địa Trung Hải đã giảm mạnh vì họ sợ những kẻ khủng bố nhắm mục tiêu tới các điểm du lịch này. Hay như sự kiện loạt tấn công khủng bố 2015 và phong trào áo khoác vàng 2018 diễn ra tại Pháp trong thời gian vừa qua khiến lượng du khách quốc tế đến quốc gia này giảm rõ rệt.

- Xu hướng mới của marketing:

Những thay đổi về công nghệ thông tin truyền thông (ICT) sẽ bao gồm những tiến bộ trong lĩnh vực điện thoại di động, điện thoại thông minh (smart phone) và truyền hình kỹ thuật số đã cung cấp cho người tiêu dùng những dữ liệu về sản phẩm du lịch phong phú hơn và khả năng thanh toán nhanh hơn nhờ sự phát triển của hệ thống thanh toán điện tử. Mặt khác, theo nghiên cứu từ trang điện tử Trekksoftcó gần 1/3 du khách trên thế giới tìm kiếm những lời khuyên du lịch từ người tiêu dùng khác thông qua Internet (ví dụ: Facebook, Google, blog và các mạng xã hội khác).

Để có cơ hội đứng vững trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, các điểm đến phải chuyên tâm tập trung vào việc nghiên cứu khách hàng cũng như phân đoạn thị trường khách nhằm:

+ Xác định những người có nhiều khả năng để mua hàng hóa và dịch vụ du lịch của điểm đến

+ Xác định các nhóm người (phân đoạn) đó là ai?

+ Xem xét các sản phẩm và dịch vụ của điểm đến có phù hợp để đáp ứng nhu cầu của họ không?

+ Xem xét của động cơ, thói quen tiêu dùng và khả năng mua sắm

+ Đánh giá và xem xét các tác động của tiếp thị trên các phân đoạn đã được xác định

Tận dụng sự phát triển của mạng Internet, ngày nay đối với việc marketing và phân khúc thị trường, người ta thường sử dụng digital marketing.

Việc sử dụng những công cụ mới trong marketing sẽ giúp các điểm đến thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng đến tiêu thụ sản phẩm.

* Xu hướng phát triển du lịch tại Việt Nam

Đi cùng với xu thế phát triển chung trên toàn cầu, du lịch Việt Nam cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những cơ hội to lớn ngành du lịch mang lại, Việt Nam cũng từng bước chuẩn bị cho mình những lợi thế để cạnh tranh trên khu vực cũng như trên toàn thế giới.Nhà nước ta hiện nay, đã và đang tiếp tục đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, cởi mở hơn đối với nền kinh tế nhắm đến mục tiêu 2030 phấn đấu đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như

Nghị quyết số 08 - NQ/TW (2017) của Bộ Chính trị đã đề ra.

*Xu hướng phát triển du lịch tại Lạng Sơn

Trong những năm gần đây, du lịch Lạng Sơn đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng sự tăng trưởng và phát triển của du lịch Lạng Sơn vẫn chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường đối với các tỉnh thành lân cận trong và ngoài nước, chưa phát huy được hết lợi thế và tiềm năng của Lạng Sơn.

Khách du lịch đến Lạng Sơn chủ yếu coi là điểm dừng chân, trung chuyển hay đến vào các dịp lễ hội, đặc biệt là khách Trung Quốc vì lợi thế cửa khẩu và thuận

lợi giao thông đường bộ. Để không mất đi những lợi thế và phát huy được những tiềm năng của tỉnh, cũng như xoay quanh kế hoạch thực hiện Nghị quyết sô 08- NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành ủy Lạng Sơn triển khai Chương trình hành động số 41 ngày 23/02/2018, trong đó định hướng ngành Du lịch tỉnh Lạng Sơn cần xác định rõ tập trung vào các sản phẩm du lịch sau:

- Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, du lịch lễ hội và du lịch cộng đồng (Thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, huyện Bắc Sơn, huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng)

- Các sản phẩm du lịch sinh thái, các cảnh quan thiên nhiên, khu danh thắng… - Du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo)

- Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại Mẫu Sơn

-Du lịch tâm linh ( Chùa Tam Thanh, Đền Kỳ Cùng, Chùa Thành…)

- Du lịch Nông nghiệp phát triển với sản phẩm địa phương, tại huyện Bắc Sơn (quýt vàng), Văn Lãng (hồng không hạt), Chi Lăng (na Chi Lăng), Lộc Bình (khoai lang),…

- Du lịch tham quan, mua sắm phát triển tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị…các chợ, trung tâm thương mại (Thị trấn Đồng Đăng, Thành phố Lạng Sơn)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của công ty cổ phần du lịch và xuất nhập khẩu lạng sơn (Trang 79 - 84)