Một số chính sách kinh tế đối ngoại chung của Việt Nam với Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 33 - 36)

Các chính sách thương mại của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc nằm trong khuôn khổ các chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam. Ngoài ra, vì Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc nên bên cạnh các chính sách thương mại quốc tế nói chung, còn có các chính sách nhằm thúc đẩy thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại trong khu vực

Thời kỳ từ năm 2000 đến nay, Việt Nam tích cực và chủ động trong việc hội nhập kinh tế thế giới, tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, hiệp định thương mại khu vực và song phương. Trong đó, việc tham gia tích cực các Hiệp định thương mại khu vực có sự tham gia của Trung Quốc như sau: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) được thiết lập bởi Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN – Trung Quốc năm 2002.

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACTIG) năm 2004 được thực hiện từ 01/07/2005, riêng Việt Nam còn được điều chỉnh bởi Biên bản ghi nhớ Việt Nam – Trung Quốc tháng 07/2005. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này chính thức được khởi động từ tháng 11 năm 2012 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 bởi các nhà lãnh đạo ASEAN và 6 nhà lãnh đạo các nước đối tác FTA của ASEAN. Theo đó, Hiệp định được bắt đầu đàm phán vào đầu năm 2013 và hiện vẫn đang trong quá trình đàm phán. Các nước tham gia Hiệp định RCEP gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc và Úc. Đây là các

nước thuộc khu vực Đông Á, là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chiếm khoảng 47% dân số và 28% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của thế giới. Việt Nam sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp để từng bước giảm thiểu các trở ngại trong hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan theo các cam kết nhằm tọa điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các hoạt động thương mại quốc tế phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu.

Về chính sách thuế quan của Việt Nam cũng đã dần được điều chỉnh và hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế, ngày càng rõ ràng và minh bạch. Thuế suất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giảm dần phù hợp với lộ trình cam kết trong các Hiệp định song phương, khu vực và quốc tế mà nước ta là thành viên. Trong hầu kết các FTA đã ký kết, mức độ tự do hóa hầu hết là trên 85% số dòng thuế. Cho đến nay, Hiệp định ACFTA đã nước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu.

Một số Hiệp định chung ký kết với Trung Quốc

Sau khi tiến hành bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển hết sức nhanh chóng. Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều Hiệp định nhằm mục đích phục vụ tăng cường quan hệ kinh tế thương mại trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền cùng có lợi và thúc đẩy quan hệ giao thương của cư dân vùng biên giới giữa hai nước.

Mở đầu là “Hiệp định thương mại” được hai nước ký kết năm 1991, là Hiệp định mở màn cho quan hệ thương mại hai nước sau khi bình thường hóa. Sau đó là một loạt các Hiệp định được Chính phủ hai nước bắt tay ký kết như “Hiệp định hợp tác kinh tế” năm 1992, Hiệp định về thành lập Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc (22/12/1994), đi kèm theo đó là các Hiệp định về thanh toán, quá cảnh hàng hóa, công nhận và đảm bảo chất lượng hàng hóa lẫn nhau,... Năm 1998, hai nước ký kết “Hiệp định Việt Nam – Trung Hoa về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới” nhằm mục đích tăng cường quan hệ láng giềng giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác thương mại biên giới trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi giữa hai bên. Về cơ bản các Hiệp định được ký kết trong thời kỳ đầu quan hệ của hai nước đã phần nào thể hiện quyết tâm thiết lập quan hệ thương mại ổn định và

phát triển lâu dài của Chính phủ hai nước sau khi chính thức bình thường hóa quan hệ.

Cột mốc tiếp theo trong quan hệ thương mại Việt – Trung là sau tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc năm 2006, “Hiệp định về mở rộng và đi sâu hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc” và “Bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác Hai hành lang, một vành đai kinh tế” được ký kết trên tinh thần “bổ sung ưu thế cho nhau, cùng có lợi và cùng thắng”, hai nước nhất trí mở rộng quy mô và nâng cao trình độ hợp tác kinh tế thương mại, đề ra phương hướng tổng hể về hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong năm và mười năm tới. Cùng với đó, một loạt các khung pháp lý giữa Chính phủ hai nước đang được ký kết để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động thanh toán giữa hai bên như “Hiệp định thanh toán và hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc”. Trong những năm gần đây, hai bên đã thiết lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ (tháng 4 năm 2015), ký Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021 (tháng 9 năm 2016). Bản Quy hoạch xác định những lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại trọng điểm giữa hai nước bao gồm: Nông nghiệp và nghề cá, giao thông vận tải, năng lượng khoáng sản, công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ. Ngoài ra Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi (tháng 9 năm 2016) và nhiều Bản ghi nhớ hợp tác về cùng xây dựng kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng, hợp tác năng lực sản xuất; tạo khuôn khổ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Vào tháng 11 năm 2017 vừa rồi, hai bên đã ra tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc và ký kết “Bản ghi nhớ về đẩy nhanh tiến độ đàm phán Thỏa thuận khung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung”, tích cực bàn bạc Thỏa thuận khung về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, thúc đẩy phát triển khu vực biên giới hai nước, nâng cao mức độ kết nối giữa hai bên (12).

Về căn bản các Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc có mục đích chung là đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)