Nhóm giải pháp cải thiện tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 94 - 97)

- Về xuất khẩu

Một là chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, đồng thời giảm xuất khẩu các mặt hàng thô. Đối với một số nhóm hàng chủ yếu:

Với nhóm hàng chế biến, chế tạo: tận dụng tốt việc thu hút nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia từ nước ngoài với công nghệ tiên tiến; lợi dụng các chiến lược “Trung Quốc + 1” của các Tập đoàn đa quốc gia để đón làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp với các định hướng cụ thể như hỗ trợ về đất đai, thuế, vốn và cả công nghệ..., đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (19).

Với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: giảm tối đa việc xuất khẩu thô nhiên liệu và khoáng sản sang Trung Quốc, tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến, theo dõi chặt chẽ các chính sách nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc và sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Với nhóm hàng nông lâm thủy sản: Hiện nay Trung Quốc đang là bạn hàng nhập khẩu lớn về các sản phẩn cao su, hạt điều, thủy sản, rau tươi. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông thủy sản sang Trung Quốc cũng là một trong những hợp tác quan trọng trong quy hoạch thương mại hai nước. Trung Quốc cũng là một thị trường lớn và tương đối dễ tính đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do vậy cần tăng cường hoạt động của Các Bộ ban ngành có liên quan cần phối hợp với Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình sản xuất thị trường nông lâm thủy sản để đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách mở rộng thị trường, đồng thời, cần tích cực đàm phán với Chính phủ Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng chủ lực này, tăng cường các hoạt động quảng bá tại thị trường rộng lớn này để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa với các nước. Đưa ra khung tiêu chuẩn phù hợp, tích cực kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa nông lâm thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hai là xây dựng thương hiệu, kiểm soát chất lượng hàng hóa, tạo hình ảnh và danh tiếng cho hàng hóa.Việt Nam cần chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của mình. Trước đây chúng ta đã có những bài học về tranh chấp thương hiệu như cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre. Do vậy, nhà nước nên có chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức xây dựng thương hiệu của riêng mình.

Ba là đẩy mạnh phổ biến thông tin về chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tình hình biến động giá cả mặt hàng trên thị trường thế giới, lộ trình cắt giảm thuế quan phù hợp và các ưu đãi cụ thể của Nhà nước đối với các nhóm ngành hàng ưu tiên xuất khẩu để khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tổ chức hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp tại các địa phương, thông qua phổ biến kiến thức trên các phương tiện truyền thông... Trên thực tế, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tận dụng được 32% các ưu đãi từ Hiệp định ACFTA, nghĩa là chưa đầy 1/3 số hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tận dụng được những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này. Đây là điều vô cùng đáng tiếc và cần được rút kinh nghiệm sớm trong tương lai.

Bốn là tăng cường xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, kết nối các doanh nghiệp, phổ biến các kiến thức về hồ sơ thị trường Trung Quốc, tập quán kinh doanh, chính sách pháp luật, chính sách ngành hàng. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức tổ chức xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan làm công tác xúc tiến thương mại.

Năm là tích cực đàm phán với Chính phủ Trung Quốc về việc thúc đẩy thương mại chính ngạch, giảm dần thương mại qua đường tiểu ngạch.

- Về nhập khẩu

Một là kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết hoặc có thể sản xuất tại thị trường trong nước thông qua việc tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, khuyến khích các doanh nghiệp nội địa nghiên cứu, học hỏi nâng cao mẫu mã chủng loại mặt hàng, vận động phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Hai là nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị từ Trung Quốc cần được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tránh tình trạng nhập khẩu các công nghệ lạc hậu, yếu kém, ảnh hưởng đến môi trường. Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến từ các nước có công nghệ nguồn hiện đại, không nhập khẩu công nghệ lỗi thời, lạc hậu để phát triển các ngành công nghệ hỗ trợ thay thế nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc.

Ba là xây dựng hàng rào kỹ thuật, các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, bảo vệ môi trường để hạn chế một số mặt hàng Trung Quốc chưa đủ tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Để xây dựng được các hàng rào kỹ thuật cần có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến mặt hàng xuất khẩu trong nước với các cơ quan của Chính phủ để đưa ra các tiêu chí cụ thể.

Bốn là chủ động tìm kiếm thị trường nguyên liệu đầu vào thông qua các hoạt động như khuyến khích sản xuất nguyên liệu trong nước, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu tương tự giá thành rẻ tại các thị trường láng giềng gần gũi khác như các nước ASEAN, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại đã ký kết nhằm tìm kiếm các nguyên vật liệu với giá thành rẻ tại các nước tham gia Hiệp định.

- Về thương mại biên giới

Một là thúc đẩy thương mại chính ngạch thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết và giới thiệu hình ảnh, sản phẩm và mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Trung Quốc; đồng thời khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty lớn tại Việt Nam liên kết để bao quát hơn thị trường trong nước, ký kết các hợp đồng xuất khẩu lớn để giảm thiểu kim ngạch giao thương tiểu ngạch.

Hai là quản lý chặt chẽ thương mại tiểu ngạch. Xử lý nghiêm hàng hóa không rõ xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngay từ cửa khẩu (tiêu hủy hoặc buộc tái xuất với những hàng không đủ tiêu chuẩn).Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới, xây dựng đầy đủ các cơ sở vật chất phục vụ việc kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu để giảm thiểu hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc vào Việt Nam.

Ba là chống buôn lậu, gian lận thương mại. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng biên phòng, công an, hải quan tại các tỉnh biên giới trong việc chống buôn lậu và gian lận thương mại tại cửa khẩu.

Bốn là xây dựng cơ chế hợp tác về trao đổi thông tin về nhu cầu sản phẩm giữa hai bên để cung cấp cho các doanh nghiệp và người sản xuất nắm bắt, tránh các rủi ro trong kinh doanh.

Năm là nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ xuất nhập khẩu, đào tạo tiếng Trung cho đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp tại các cửa khẩu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 94 - 97)