Đánh giá tác động của cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 62 - 68)

Phải khẳng định rằng nhập siêu không phải là hiện tượng xấu. Cần có cái nhìn khách quan hơn về hiện tượng nhập siêu trong cán cân thương mại ở các quốc gia. Về cân đối tổng thể của nền kinh tế, nhập siêu chính là một biểu hiện của việc huy động nguồn lực bên ngoài vào tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thực tế phát triển kinh tế quốc tế cho thấy một số nước, nhất là các nước đang phát triển, trong thời kỳ đầu phát triển có thể bị nhập siêu do phải nhập khẩu nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu “đầu vào” của sản xuất, trong khi đó năng lực sản xuất chưa kịp chuyển hóa thành năng lực xuất khẩu, nên trong ngắn hạn tốc độ xuất khẩu chưa theo kịp tốc độ nhập khẩu dẫn đến nhập siêu. Chính vì tác dụng tích cực của nhập khẩu hàng hóa đối với công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nên các nước đang phát triển trong giai đoạn đầu luôn ở trong trạng thái nhập siêu.

Tuy vậy, nhập siêu cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế của một quốc gia như ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu tiền tệ và tỷ giá đồng nội tệ của quốc gia, khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế của quốc gia nhập siêu kéo dài sẽ ngày càng suy giảm, nhập khẩu tràn lan sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản xuất trong nước, làm suy giảm sức cạnh trang của hàng hóa trong nước.

Đánh giá những tác động tích cực

Có thể nói từ lâu nay, khi nhắc đến cán cân thương mại Việt nam – Trung Quốc, người ta lại nghĩ ngay đến mất cân bằng giữa xuất khẩu, nhập khẩu và nghĩ đến tình trạng nhập siêu. Đúng là nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là vẫn còn khá nặng nề, tuy vậy về mặt tích cực, điều này góp phần làm cho kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ. Cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chủ yếu là tư liệu sản xuất (thường chiếm đến hơn 90% kim ngạch nhập khẩu trong những năm vừa qua của Việt Nam từ Trung Quốc), trong đó máy móc thiết bị và phương tiện vận tải chiếm khoảng 30%, còn lại là nguyên vật liệu phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất trong nước và xuất khẩu. Có thể thấy nhập khẩu nước ta chủ yếu là để phục vụ cho công nghiệp, hay nói rộng hơn là công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Tuy Việt Nam vẫn nhập khẩu lớn từ Trung Quốc nhưng so với các giai đoạn trước, trong bối cảnh kinh tế đang phát triển khá ổn định, cơ cấu nhập khẩu Việt Nam đang duy trì là khá hợp lý. Nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng thấp và có tính đến yếu tố đặc thù là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì nhìn chung, vấn đề nhập khẩu lớn là có thể giải thích được và không có tác động quá đáng kể lên nền kinh tế. Mặt khác, do doanh thu ngoại tê của các loại hình dịch vụ khác tăng đáng kể trong những năm gần đây ở Việt Nam như du lịch, xuất khẩu lao động, kiều hối… nên dự trữ ngoại tệ vẫn đủ bù đắp cho sự thiếu hụt của cán cân thương mại, các chỉ tiêu vĩ mô như lạm phát, biến động tỷ giá vẫn được kiểm soát.

Cơ cấu nhập khẩu trong những năm gần đây cũng đã có những tác động tích cực lên việc tăng trưởng xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu.

Tình hình thu ngân sách tại một số các tỉnh biên giới tăng mạnh góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt kinh tế của các tỉnh biên giới, vừa thu lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa tăng thu ngân sách cho địa phương.

Việc trao đổi thương mại giữa hai nước giúp chuyển dịch cơ cấu ngành ở một số vùng miền, bước đầu hình thành vùng chăn nuôi tập trung, tạo thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp chế biến.Đặc biệt, thúc đẩy một số ngành như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngân hàng phát triển.

Đánh giá những tác động tiêu cực

Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường Trung Quốc

Qua phân tích cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc, có thể thấy sự phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng lớn. Cụ thể, tỷ trọng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam khá lớn. Năm 2005 tỷ trọng là 12,61%, năm 2013 đã là 18,96%, đến năm 2017 là 22,04%.

Đặc biệt là Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc trong việc nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam. Nếu như năm 2005, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm 15,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thị năm 2013 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã là 28%, năm 2017 là 35%.

Đối với xuất khẩu sang Trung Quốc, mặc dù tỷ trọng của nó trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn so với tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam nhưng sự phụ thuộc cũng là rất lớn, nhất là việc xuất khẩu mặt hàng nông sản sang Trung Quốc. Các sản phẩm của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu dưới dạng thô, chưa qua chế biến. Điển hình như mặt hàng sắn, trong năm 2017, có đến 88,52% mặt hàng này xuất khẩu của Việt Nam là xuất sang Trung Quốc, mặt hàng rau quả và các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Đương nhiên việc xuất khẩu và tận dụng thị trường Trung Quốc rộng lớn là điều dễ hiểu, cùng với điều kiện vị trí địa lý láng giềng sẽ rất thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam

xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Tuy vậy, việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong các mặt hàng này sẽ dễ dẫn đến những rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam nếu có bất kỳ một thay đổi nào trong chính sách nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trường hợp ngành dệt may phản ánh rất rõ sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập đầu vào từ Trung Quốc. Trong các thị trường chủ yếu cung cấp vải cho Việt Nam, thì Việt Nam nhập khẩu đến 53,46% lượng vải từ Trung Quốc trong năm 2017.

Bảng 2.7: Các thị trường nhập khẩu vải chủ yếu của Việt Namnăm 2017 Thị trường Tỷ trọng (%) CHND Trung Hoa 53,46 Hàn Quốc 17,95 Đài Loan 13,78 Nhật Bản 5,80 Thái Lan 2,20 Ðặc khu HC Hồng Kông (TQ) 2,13 I-ta-li-a 0,66

Nguồn: Tổng cục Thống kê và tác giả tự tổng hợp

Việt Nam nhập một khối lượng lớn nguyên phụ liệu, máy móc cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tác. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 53,46% giá trị vải các loại, 47,28% giá trị xơ, sợi dệt các loại, nhập khẩu 45,44% giá trị sắt thép các loại và 37,53% các sản phẩm từ thép riêng từ Trung Quốc so với tổng nhập khẩu từ thế giới. Theo định hướng xuất khẩu trong tương lai của Việt Nam, nhóm hàng công nghiệp chế biến sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (năm 2017 chiếm 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22,4% so với năm 2016), là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với mức tăng trưởng ổn định. Với việc phân tích cơ cấu hàng hóa nhập siêu từ Việt Nam, để phục vụ cho việc xuất khẩu các nhóm hàng công nghiệp chế biến, Việt Nam đang phụ thuộc nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho phát triển công nghiệp và tiến trình công nghiệp hóa từ Trung Quốc.

Rủi ro từ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, xuất thô, ít chế biến ở một số mặt hàng vẫn còn tồn tại

Với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, có đến 80% giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc là gỗ nguyên liệu ở dạng sơ chế. Tuy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt cao nhưng giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận thu lại thấp và kìm hãm quản lý rừng bền vững. Các thương nhân Trung Quốc mua các sản phẩm gỗ ở dạng sơ chế, áp dụng các công nghệ thiết bị lạc hậy, cũ kỹ và không thân thiện với môi trường. Hậu quả của việc thương nhân Trung Quốc thu mua các sản phẩm gỗ thô nêu trên đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về thu mua gỗ nguyên liệu từ rừng trồng giữa các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất giấy và sản xuất đồ mộc với các thương nhân Trung Quốc.

Tác động tiêu cực của thương mại tiểu ngạch

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2011-2016 đạt trên 100 triệu USD, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 25% trong kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước. Con số này cho thấy khối lượng giao dịch tiểu ngạch riêng với Trung Quốc là không hề nhỏ và không đáng kể như nhiều người vẫn nghĩ.

Thứ nhất là rủi ro từ các thay đổi thất thường của chính sách biên mậu của Trung Quốc.Thông thường các doanh nghiệp Việt Nam rất thụ động trong việc tiến hành trao đổi thương mại qua biên giới với Trung Quốc.Chính sách của Trung Quốc thay đổi thất thường, ví dụ như thay đổi về quy định kiểm định, mức phí nhập cảnh… khiến doanh nghiệp của ta rất khó xoay xở, nhất là với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hoa quả, thủy sản tươi, mủ cao su.

Thứ hai là những vấn đề rủi ro trong thanh toán. Xuất khẩu theo hướng tiểu ngạch không thông qua thanh toán L/C cũng dễ dẫn đến nguy cơ không thanh toán từ các đối tác thương nhân Trung Quốc. Bên cạnh đó, thanh toán tiểu ngạch cũng dễ bị thương nhân ép giá mặc dù hợp đồng đã ký khi tiến hành thanh toán do Nhân dân tệ giảm giá. Trong nhiều trường hợp, nhiều hợp đồng giao dịch bị các thương nhân

Trung Quốc không thanh toán ngay vì họ muốn chờ tỷ giá giảm thêm.Điều này gây ra những tổn thấy về tài chính cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, do hàng được các thương lái gom bán nên nhà vận tải thường chở quá tải để giảm chi phí vận tải làm hệ thống đường xá bị hư hỏng nặng, nhanh chóng xuống cấp.

Hàng giả, hàng kém chất lượng của Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam

Thực chất Trung Quốc thường bị phê phán là đi theo “chính sách phát triển làm nghèo người khác”. Hàng xuất khẩu của Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới, khu vực và các nước láng giềng. Các mặt hàng công nghiệp nhẹ và cơ khí giá rẻ, hàm lượng lao động nhiều nhưng công nghệ thấp và gây ô nhiễm môi trường. Trung Quốc có rất ít hàng có thương hiệu nổi tiếng. Hàng Trung Quốc có số lượng lớn, giá rẻ, nhưng vẫn còn có nhiều mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái, thậm chí có một số mặt hàng có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng như sữa bẩn, thực phẩm, hoa quả, đồ chơi, quần áo nhiễm chất độc hại. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy không nhỏ đến sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều loại hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế đã làm khó dễ cho các doanh nghiệp Việt Nam do không thể cạnh tranh lại với hàng hóa Trung Quốc.

Ngoài ra còn có các tác động tiêu cực từ buôn lậu và tệ nạn xã hội

Đi liền với hoạt động trao đổi thương mại qua biến giới phát triển mạnh mẽ giữa hai nước trong thời gian qua, một số tiêu cực xã hội cũng nảy sinh.Tình hình buôn lậu, buôn bán ma túy qua biên giới núp bóng việc mua bán hàng hóa thông thường đang gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng. Đặc biệt với địa hình địa thế phức tạp tại các tỉnh biên giới giữa hai bên, nhiều đường mòn lối mở, lực lượng quản lý nhà nước còn mỏng tại các khu vực này gây trở ngại cho công tác kiểm soát của các cơ quan chức năng trong tình hình buôn lậu và các tệ nạn xã hội khác như ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới…

CHƯƠNG 3: KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM CẢI THIỆN CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)