Nhân tố Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 82 - 85)

Vai trò của nền kinh tế Trung Quốc với kinh tế toàn cầu và khu vực

Trung Quốc hiện đang là động lực phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Sau khi Trung Quốc thay thế Nhật Bản giữ vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, có nhiều dự đoán về việc Trung Quốc sẽ chiếm vị trí số một của Mỹ trong tương lai gần. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo rằng Trung Quốc sẽ đạt tổng lượng kinh tế bằng kinh tế Mỹ trước năm 2020 nếu Trung Quốc giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7% trong năm năm cuối của thập kỷ này. Theo dự báo của IMF, GDP Trung Quốc dự báo năm 2019 sẽ đạt mốc 19 nghìn tỷ USD. Đến năm 2020, GDP của Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 25% của cả nền kinh tế thế giới. Từ các dự báo này, có thể thấy rất rõ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong tương lai gần nhưng mặt khác cũng làm khu vực dễ bị tổn thương trước những rủi ro vì sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Với tiềm năng phát triển kinh tế trong thời gian tới như vậy, cùng với thị trường với dân số hơn 1,3 tỷ người và đang trong quá trình biến chuyển mạnh mẽ về cơ cấu tiêu dùng, thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm, có tầm quan trọng to lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Trong dài hạn, Việt Nam nếu tận dụng được cơ hội để thâm nhập vào mạng kinh doanh toàn cầu thông qua gắn kết thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp kinh doanh tại Trung Quốc.

Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một trật tự kinh tế mới

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2014 là sự kiện đánh dấu sự chủ động của Trung Quốc trong việc dẫn dắt, đưa ra ý tưởng của các luật chơi mới. Đó là kêu gọi xây dựng Khu thương mại tự do Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP), tăng cường sự kết nối và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng

trong khu vực và thế giới thông qua việc đưa ra ý tưởng xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực và thế giới với việc đưa ra ý tưởng xây dựng “Hành lang kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21”. Để khẳng định vai trò của mình với APEC, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ 10 tỷ USD cho việc xây dựng và phát triển và xây dựng thể chế APEC. Chiến lược của Trung Quốc là không cố giành vai trò quan trọng trong các tổ chức đa phương đã thành danh nhưng họ đang cố gắng thiết lập những tổ chức mới mà Trung Quốc có vai trò chủ đạo.

Một điển hình cho những nỗ lực của Trung Quốc là việc thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) vào 25 tháng 12 năm 2015, đến nay đã có 77 thành viên, bao gồm cả Canada, nước láng giềng với Mỹ, số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Nhiệm vụ chính của AIIB là tạo điều kiện cho các nước trong khu vục tiếp cận được với nguồn vốn vay để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. AIIB được đánh giá là định chế tài chính đầu tiên có khả năng thách thức ngân hàng thế giới (ADB), một sáng kiến của Nhật Bản với sự hậu thuẫn của Mỹ. Việt Nam tham gia AIIB từ tháng 10 năm 2014 với sự cách là 1 trong 57 thành viên sáng lập. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn vốn thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đường xá, kho bai khu vực biên giới, cửa khẩu, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, quốc gia mà Việt Nam đang có sự phụ thuộc rất lớn về thương mại. Việc tham gia AIIB bên cạnh những mặt tích cực cũng đưa ra rất nhiều nguy cơ, thách thức về sự phụ thuộc ngày càng lớn, thâm hụt thương mại ngày càng lớn với nền kinh tế Trung Quốc(16).

Một vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đang phải tính đến trong quá trình cải cách và phát triển kinh tế của Việt Nam là việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở rộng sử dụng đồng Nhân dân tệ do mức trao đổi thương mại giữa hai bên lớn, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ sẽ thuận lợi hơn trong giao dịch thay vì neo tỷ giá theo đồng USD và giảm thiểu chi phí chênh lệch trong giao dịch thương mại. Tuy nhiên nếu chúng ta thực hiện hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc theo quy mô lớn, sự phụ thuộc của chúng ta vào nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn lớn hơn

rất nhiều khi mà đồng Nhân dân tệ càng đóng vai trò quan trọng trong trao đổi giữa các nước trên thế giới và trong khu vực.

Trung Quốc tiến hành chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế

Vấn đề về chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc đến Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được coi là sự lựa chọn chiến lược cho phát triển kinh tế Trung Quốc. Nhân tố cơ bản dẫn đến quyết định mang tính chiến lược này bắt nguồn cả từ bên trong và bên ngoài nền kinh tế Trung Quốc. Về yếu tố bên trong, phương thức phát triển kinh tế trước đây dựa vào đầu tư cao và hướng vào xuất khẩu, phát triển theo chiều rộng đã giúp kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố nói trên đến nay đã tới hạn, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bị suy giảm, tình trạng nợ xấu, nợ công cao, môi trường bị ô nhiễm trầm trọn, khoảng cách chênh lệch vùng miền và phân hóa giàu nghèo cao. Về yếu tố bên ngoài, bối cảnh quốc tế đã có nhiều biến đổi lớn như sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, các liên kết kinh tế quốc tế ngày càng đa dạng và Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục về Châu Á.

Để chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đi cùng cải cách toàn diện và sâu rộng, Trung Quốc đang tìm kiếm nội lực bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Về nội lực bên trong, hiện nay Trung Quốc đang thúc đẩy việc sáng tạo, chú trọng lấy chất lượng nguồn lực, nhân lực và khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, chú trọng cải thiện công tác dân sinh, cải cách thể chế hành chính tạo ra động lực cho phát triển kinh tế, xây dựng chính phủ pháp trị và phục vụ. Về động lực bên ngoài, Trung Quốc xây dựng Khu thương mại tự do Thượng Hải, nêu ra việc xây dựng “một vành đai, một con đường” với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trên đất liền và trên biển(29).

Sự thành công hay thất bại của việc chuyển đổi phương thức phát triển mới của Trung Quốc đều có tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam do Trung Quốc đang là động lực phát triển cho nền kinh tế toàn cầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 82 - 85)